Trái ngọt cuộc đời dành cho tất cả
Tháng 7/2016, trong bài báo giã biệt Abbas Kiarostami, người vừa qua đời vì ung thư ở tuổi 76, nhà phê bình điện ảnh gạo cội Richard Brody của tờ The New Yorker viết: “Kiarostami, theo cách thật kỳ diệu, luôn giữ vững tư duy sáng tạo tự do, dẫu ông sinh ra ở đất nước Iran bị bủa vây bởi nhiều trói buộc tôn giáo, xã hội. Theo Kiarostami, nghệ thuật thứ bảy nên không ngừng phản chiếu góc nhìn hiện thực. Định hướng ấy vốn thúc giục vị đạo diễn cao tuổi lao động miệt mài, càng khiến tôi ngậm ngùi khi nghĩ về sự ra đi của ông”.
Tinh thần sáng tạo cùng lòng say mê đeo đuổi giá trị hiện thực ở vị cố đạo diễn, phản ánh qua một trong những dự án bất hủ đáng nhớ nhất của ông: Taste of Cherry (Hương vị quả anh đào).
Badii (Homayoun Ershadi thủ vai) luôn nuôi ý định tự sát. Thế nhưng, nhân vật chính trong bộ phim chưa từng tiết lộ lý do muốn quyên sinh. Kiarostami, người có thói quen lồng ghép nhiều thông điệp thú vị vào một kịch bản đơn giản, chủ động lược bỏ chi tiết nói lên quá khứ nhân vật, buộc khán giả tự đưa ra nhận định riêng. Suy cho cùng, hành trình Badii trải qua trên màn ảnh phản ánh những điều đáng suy ngẫm hơn cả.
Đầu phim, lái chiếc Range Rover bán tải, Badii đi vào vùng ngoại ô vắng lặng của Tehran, quanh một khu công trường gió bụi. Thỉnh thoảng, ông dừng xe hỏi thăm vài người, nhằm tìm ai đó có thể giúp chôn cất xác của chính mình sau khi ông tự vẫn. Đề nghị vô cùng kỳ quặc nhận về hàng loạt lời từ chối lịch thiệp nhưng thẳng thắn, ngoại trừ một anh thợ xây nóng tính dọa tấn công Badii.
Phần lớn nội dung Taste of Cherry xoay quanh cuộc đối thoại giữa Badii và ba con người đặc biệt - một binh sĩ, một học sinh trường công giáo và một nhân viên bảo tàng. Ngoại hình, nghề nghiệp họ đại diện nói lên lối xây dựng nhân vật gắn liền với những biểu tượng xã hội cụ thể, thủ pháp điện ảnh quen thuộc được Kiarostami sử dụng thuần thục trong nhiều tựa phim bất hủ.
Nếu binh lính người Kurd nhanh chóng lánh xa Badii, học sinh trường đạo từ chối vì lý do tôn giáo, Bagheri - nhân viên bảo tàng, chuyên làm công việc độn xác để dựng mô hình động vật - lại đồng ý giúp ông sau hồi lâu ngần ngại. Dù vậy, Bagheri kỳ vọng có thể thuyết phục Badii từ bỏ ý định dại dột bằng cách đối thoại.
|
Badii, người đàn ông với quá khứ mù mờ, trên đường tìm ai đó giúp chôn cất ông, sau khi ông tự sát - Ảnh: IMDB |
Thông qua mỗi số phận con người Badii tiếp xúc, Kiarostami khéo léo lột tả cách chúng ta dễ bị trói buộc ra sao bởi nhiều ranh giới xã hội, để rồi vẫn thấy bối rối và lạc lõng.
Ở một phân đoạn cao trào, Badii cố gắng nhưng thất bại khi treo cổ quyên sinh trên nhánh cây anh đào. Sự xuất hiện không ngờ của những quả anh đào chín mọng, rơi vương vãi cạnh bên sau khi ông ngã xuống, trở thành chi tiết rúng động gợi nhắc đến ý niệm “trái ngọt” cuộc đời - khiến người đàn ông quẫn trí phải dừng lại suy ngẫm.
Dẫu có thể mờ mịt với vô vàn đổi thay, cuộc sống luôn hiện hữu theo những cách mầu nhiệm nếu bạn chú tâm nhìn. Và đó là điều Badii làm tiếp theo. Gần kết phim, ông ngồi trầm tư tại băng ghế trên một ngọn đồi, nhìn xuống thành phố và những phận người nhỏ bé mà nó bao bọc.
Giữa lúc Badii ngẫm nghĩ về cái chết không thành, Bagheri cầm lái chiếc Range Rover. Trên chặng đường tiếp nối, ông nói: “Tôi sẽ chỉ cho anh một cung đường dài, đẹp và tuyệt vời hơn”. Lời thoại giản đơn nhưng tựa một “áng thơ” ẩn dụ duyên dáng về hành trình cuộc sống.
|
Những cảnh rộng của phim gợi cảm nhận từ trầm buồn đến tươi sáng - biểu thị dấu ấn tường thuật tương phản đặc thù giúp định hình cá tính nghệ thuật của đạo diễn bậc thầy người Iran - Ảnh: Criterion |
Bộ phim không bao giờ kết thúc
Phong cách đối thoại chân phương, khúc chiết “nên thơ” không hiếm gặp trong những tác phẩm kinh điển của cố đạo diễn gốc Iran, người lúc sinh thời luôn dành nhiều tình cảm cho thơ ca Ba Tư. Bên cạnh đó, về khuynh hướng dựng phim, Kiarostami là một trong những “nhà tự nhiên học” tài năng hiếm có. Thực tế, ông “phải lòng” đề tài thiên nhiên đến nỗi đã biến bối cảnh môi trường, con người giữa tự nhiên thành nét đặc trưng nghệ thuật rất riêng.
Minh chứng tiêu biểu là khung cảnh thiên nhiên đổi dời ấn tượng trong Taste of Cherry. Từ mảnh đất miền đông khô cằn, Bagheri lái xe tiến đến vùng đồi núi đầy hoa trái chín rộ. Một số cây vẫn đang mang sắc xanh biếc ngày xuân, trong khi số khác đã “nhuộm” ánh đỏ vàng báo hiệu mùa thu. Cũng như tự nhiên, sự sống và cái chết, khởi đầu và kết thúc vốn dĩ luôn luân phiên đến và đi.
Phút cuối tác phẩm, Badii được trông thấy nằm yên vị trong một ngôi mộ. Màn hình tối dần. Kế đó, người xem chứng kiến những thước phim hậu trường được chắt lọc. Chúng ta quan sát nam chính Ershadi truyền tay đạo diễn Kiarostami điếu thuốc lá giữa giờ giải lao. Ở cảnh khác, Taste of Cherry được lặng lẽ “chuyển giao” qua khung hình, từ khoảnh khắc nó là dự án sách đến khi trở thành tập kịch bản và thành tựu sau cùng - một bộ phim.
|
Kiarostami trên phim trường năm 1999 Ảnh: Everett |
Chuyển đổi vị trí - giữa cái nhìn hiện thực ở thể loại tài liệu và kịch tính ở điện ảnh tựa một “trò chơi” nghệ thuật nhiều lần đem lại khám phá nghe nhìn độc đáo cho Kiarostami lẫn khán giả của ông.
Trả lời phỏng vấn trang phê bình phim IndieWire năm 1998, Kiarostami chia sẻ về đoạn kết trên: “Một cái kết “điện ảnh xen lẫn tài liệu” tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng sau khi đắn đo, tôi nghĩ nó đáng thử. Với tôi, bằng cách này, bộ phim không bao giờ thật sự chấm hết. Khi vẫn có những khán giả tiếp tục nghĩ đến nó, băn khoăn về thông điệp nó chứa đựng - đó là điều lôi cuốn tôi nhất. Như thể, bạn đang tạo nên một thứ năng lượng sống và suy ngẫm cho người xem”.
Giữa kỷ nguyên đương đại, đặc biệt vào những ngày thế giới đang chống chọi đại dịch Covid-19, Taste of Cherry giúp mang đến cảm nhận đồng điệu khó tin. Khi chúng ta bị bủa vây bởi lo ngại về sự cô độc, về ngăn cách xã hội cũng như việc giữ vững niềm tin trong vô vàn biến động đời thực, hình ảnh một Badii loay hoay tìm ý nghĩa sống cho riêng ông khơi gợi dấu ấn thấu cảm kỳ lạ.
Chiêm nghiệm về một đoạn kết “vượt” khỏi ranh giới điện ảnh, chúng ta có dịp cảm nhận điểm mở đầu, tiếp diễn và khép lại của nghệ thuật. Hay rộng mở hơn, ẩn hiện trong khối di sản màn bạc Kiarostami để lại, tất cả sự tái lập lẫn tương phản đều nhằm biểu thị cho đời người.
|
Ảnh: Criterion |
Riêng với Taste of Cherry - phim đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 - cố đạo diễn bậc thầy trong dòng phim xã hội hiện thực không thúc giục khán giả nhìn nhận lãnh đạm trước cái chết nhằm ca tụng cõi sống. Thông điệp tự sự ông muốn gửi đến bình dị nhưng sâu sắc hơn thế.
Như lời hát kinh điển của danh ca nhạc jazz người Mỹ Cab Calloway: “Hãy cất tiếng ca ngợi đấng tạo hóa ngày nào ta còn sống”, cuộc đời có thể là chuyến hành trình gian truân, trắc trở. Thế nhưng song song đó, như cây anh đào kiên cường ra hoa - kết quả giữa mảnh đất khô cằn, cảnh đẹp cùng “trái ngọt” luôn hiện diện trên đường đi, chờ đón những ai biết trân trọng để tận hưởng chúng.
Như Ý