Tasmania không xa

22/07/2022 - 06:13

PNO - Khi nghe tin Tassie (chính là Tasmania trong cách gọi thân mật của người Úc) sẽ mở cửa cho những người đã chích đủ hai liều vắc xin, tôi biết đã đến lúc thực hiện mơ ước ngày nào.

Hiện có khoảng gần 1.500 người Việt và gốc Việt đang sống tại Tasmania, trong đó có một người bà con họ xa của tôi. Bán đảo duy nhất của Úc ban đầu cực kỳ xa lạ với tôi và chắc cũng chưa phổ biến với nhiều người Việt. Tuy nhiên, qua lời kể của người họ hàng, nơi đó hấp dẫn đến nỗi tôi nuôi ước mơ một lần được đặt chân đến.

Một góc chợ Salamanca
Một góc chợ Salamanca

Nơi không khí trong lành nhất thế giới

Đó không phải là cách nói thậm xưng mà là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ. Họ đã chứng minh vùng khí quyển từ Tasmania đến sông băng ở Nam Cực không bị thay đổi do hoạt động của con người, bụi từ các lục địa… với chỉ số ô nhiễm gần như bằng 0. Kết quả này được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Với dân ham du lịch, đây là một địa danh còn rất nhiều điều để khám phá vì sự bí ẩn của nơi duy nhất trên trái đất có đến non nửa diện tích nằm trong danh sách di sản thiên nhiên thế giới, đạt 7/10 tiêu chí 
của UNESCO.

Dân số Tasmania chỉ hơn nửa triệu người trong khi số lượng cừu lại gấp tám lần con số đó. Đây cũng là một chỉ dấu của một trong năm hòn đảo đẹp nhất thế giới, được mệnh danh là “nằm ngoài thế giới, bỏ xa thế giới” ở phía Nam nước Úc.

Tasmania cho phép người nước ngoài sống và làm việc tại tiểu bang này trong bốn năm và mở ra con đường để định cư cho các công dân ngoại quốc. Qua đường hàng không, từ Melbourne bạn sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để đặt chân tới đây; còn từ Sydney, thời gian sẽ gấp đôi. 

Đến Tassie, bạn nên ghé đâu?

Hobart, thành phố thủ phủ của bang Tasmania (cũng là thành phố lâu đời thứ hai của Úc sau Sydney) đón tôi trong những ngày cuối xuân với nhiệt độ chỉ hơn 200C. 

Chocolate handmade được bày bán ở chợ Salamanca
Chocolate handmade được bày bán ở chợ Salamanca

Cảm nhận đầu tiên về Hobart là sự sầm uất với hàng ngàn du thuyền lấp ló khi nhìn từ con đường chính Sandy Bay. Diện tích Hobart chỉ chiếm một phần nhỏ của Tassie nhưng tập trung đến một nửa dân số.

Dù đây là nơi ồn ào nhất Tassie nhưng ngoài khu cảng biển trung tâm và những tòa nhà hành chính xung quanh cảng, các con đường trong Hobart yên tĩnh không khác gì vùng ngoại ô.

Có mặt ở Hobart đúng vào thứ Bảy, tôi được khuyên dành thời gian để đi chợ Salamanca. Đi bộ dọc theo các con phố, tôi dễ dàng đến khu chợ náo nhiệt này. Nơi đây có hơn 300 quầy hàng bao gồm khu vực của thợ làm gốm, các họa sĩ và thợ thổi thủy tinh mang đậm phong vị địa phương. Tôi cũng được thấy những củ cà rốt nhỏ xíu màu hồng, tím... Rồi lavender, hoa hồng, rượu, nến làm từ rượu… tất cả đều là hàng nông sản địa phương.

Xà bông hoa oải hương
Xà bông hoa oải hương

Sau khi dạo phố và mua trái cây, tôi và vài người bạn thư thái uống cà phê dưới tán dù, lắng nghe tiếng buồm va vào cột từ những chiếc du thuyền khổng lồ và những chiếc thuyền gỗ cao cùng tiếng đàn dây của nghệ sĩ đường phố, thăm phòng trưng bày, ngắm kiến trúc từ thời vua George năm 1830… 

Cũng tại khu chợ nổi tiếng này, bạn có thể chọn một đĩa phô mai nhiều loại rồi cùng bạn bè ra góc vườn có chiếc bàn gỗ dài tán gẫu. Chúng tôi đã nếm thử một loạt món ngon từ hoa oải hương như bánh brownie và kem hoa oải hương.

Bạn cũng có thể tìm đến ngôi nhà nhỏ xíu (chỉ rộng chừng 10m2), chuyên sản xuất chocolate handmade cung cấp cho các nhãn hàng chocolate nổi tiếng trên thế giới. Đảm bảo sau khi chăm chú lắng nghe kỹ thuật làm chocolate handmade của các nghệ nhân bản xứ, bạn sẽ sẵn lòng mở hầu bao để sở hữu những mẩu chocolate tinh xảo. 

Vịnh Ly rượu (Wineglass) là một trong những địa điểm tôi thích nhất ở Tasmania. Tôi được khuyên chọn một trong hai phương án: thuê xe tự lái hoặc đi tour và đã chọn phương án hai. Về sau, chúng tôi thầm khen mình đã sáng suốt bởi chặng đường khá dài và hành trình leo núi tương đối mất sức. 

Nằm trên bán đảo Tasmania Freycinet, “ly rượu” tự nhiên lớn nhất thế giới này mang vẻ đẹp quyến rũ rất riêng với bãi cát trắng tinh và làn nước trong vắt màu lam ngọc, được lên bưu thiếp nhiều nhất tại Úc và được công nhận là một trong mười bãi biển đẹp nhất thế giới.

Là một trong những điểm đến mang tính biểu tượng của Tasmania, vịnh Wineglass không chỉ là nơi để cắm trại mà còn có nhiều hoạt động phong phú như ngắm đại bàng bụng trắng, câu cá biển sâu, lặn biển, đi bộ trên bãi biển, leo núi…

Thổ dân ở đây cho biết, khi tham gia những hoạt động này ở biển Tasmania, bạn không cần phải có giấy phép nhưng vẫn cần tuân theo quy chuẩn. Một số khu vực có những lệnh cấm riêng, có đầy đủ thông tin tại website của Chính phủ Úc. Ví dụ, có loại ốc mỗi người chỉ được bắt tối đa 100 con trong 24 giờ. Câu cá và bắt ốc là loại hình giải trí rất phổ biến ở đảo Tassie.

Vịnh Lửa
Vịnh Lửa

Vịnh Fires (Lửa) ở phía đông bắc Tasmania ở lại trong ký ức tôi với những bờ cát trắng mịn, làn nước biển xanh lam trong vắt và những tảng đá đỏ granit kỳ dị sừng sững. Đây hẳn là một địa điểm check-in độc đáo dành cho dân du lịch, chỉ cần bạn nhớ hai thời điểm đẹp nhất là hoàng hôn và bình minh.

Sự cộng hưởng của ánh nắng mặt trời với biển và cảnh quan nơi đây sẽ cho bạn những bức ảnh có một không hai. Nếu đủ dũng cảm, bạn hãy lặn để ngắm những bãi đá ngầm, rạn san hô, hang động dưới nước và vô số sinh vật biển. 

Đảo Bruny là nơi lý tưởng nếu bạn muốn tìm kiếm một chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, thư thái. Từ Hobart đến đảo Bruny chỉ mất một giờ đi phà. Có hai tour để bạn lựa chọn. Nếu chọn tour ẩm thực, bạn sẽ được nếm đủ năm vị phô mai từ vừa làm xong, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm; 6 vị vang trắng và đỏ; 6 con hàu tươi ngon đặc sản Bruny ăn kèm 6 loại nước xốt. Sau bữa trưa với món sườn bò, cừu hoặc món cá hồi nướng xốt ngon tuyệt vời, bạn sẽ được đến nhà máy chocolate.

Kết thúc chuyến đi là thưởng thức rượu whisky. Chúng tôi bỏ qua whisky để uống một loại rượu sữa có vị ngọt ngọt cay nồng. Nếu chọn tour thăm đảo bằng thuyền, bạn sẽ được thưởng thức cảnh đẹp tạo hóa ban cho hòn đảo này, những dãy núi, vách đá, cá heo, hải cẩu… Trước khi bạn ra bến phà, cả hai tour đều có “thủ tục” đưa bạn đến dãy phố nhà giàu trong thành phố Hobart để cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây.

Nhà tù Port Arthur cách Hobart 95km về phía đông nam, là địa danh nổi tiếng không chỉ ở Tasmania mà trên toàn Úc châu, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2010.

Nhà tù Port Arthur
Nhà tù Port Arthur

200 năm trước, Port Arthur là chốn lưu đày của tội phạm Anh, Ireland và những kẻ nổi loạn. Từ năm 1833 đến 1853, nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt, có lối ra duy nhất nối với đất liền, với dàn lính gác đông đúc và đàn chó bị bỏ đói. Được mệnh danh là nhà tù không thể trốn thoát nhưng trong lịch sử nhà tù, vẫn có ba người trốn được. Tù nhân bị nhốt trong bóng tối hoàn toàn. Nhà tù hoạt động cho tới năm 1877. Đến năm 1889, chính quyền mới tính đến việc biến nơi đây thành điểm du lịch.

Ngày nay, hằng năm, nơi này đón khoảng 250.000 khách, vé vào cửa 37 AUD cho người lớn, đã bao gồm 20 phút ngồi trên du thuyền chạy quanh đảo để ngắm nhà tù từ bên ngoài và ngắm Dead Island - Đảo Chết - nơi chôn tù nhân và những người phục vụ cho nhà tù này.

Trong quần thể di tích nhà tù còn có bảo tàng, hiện trưng bày hình ảnh con cháu nhiều đời của các tù nhân xưa mô phỏng lại những tội lỗi tổ tiên họ phạm phải theo cách nhìn mới, đầy tính nghệ thuật. Có những tội rất đơn giản, ăn cắp một cái ly uống nước bằng bạc, ăn cắp vài cuộn len, ăn cắp hai cuốn sách luật, ăn cắp một cái khăn quàng cổ… mà bị đày tới Tasmania với mức án đều như nhau: 7 năm tù. 

Rời Tasmania, chúng tôi mang theo niềm luyến tiếc vì còn nhiều địa danh hấp dẫn chưa kịp đến. Chẳng hạn nơi đây có năm khu chợ độc đáo thì chúng tôi mới chỉ ghé được chợ Salamanca. Đành tự nhủ đó là lý do để quay lại hòn đảo kỳ thú này vào một ngày không xa. 

Đi thăm trang trại cherry ở Tasmania
Đi thăm trang trại cherry ở Tasmania

- Có lẽ không nên đến Tasmania vào những tháng mùa đông (từ tháng 6-8), khi trời khá lạnh và có tuyết; còn lại, bạn có thể ghé thăm vào bất cứ khoảng thời gian nào trong năm. Khung cảnh nơi đây khá đẹp từ tháng 3-5, khi lá mùa thu chuyển sang màu đỏ; cũng như giữa tháng 9 và 11, khi mùa xuân mang lại sức sống mới. Tour tham quan vườn hoa lavender thường được mở từ dịp Giáng sinh cho đến mấy tháng mùa hè, từ tháng 1-3 là mùa lavender nở rộ...

- Với nhiệt độ mùa hè cũng chỉ hơn 200C, nay nóng mai lạnh không đoán được, bạn cứ đem theo áo khoác vì chắc chắn sẽ cần đến.
- Bào ngư Úc viền xanh Tasmania là đặc sản nước Úc, nếu bạn muốn thưởng thức một bữa ăn theo phong cách hoàng gia. Loại bào ngư này ngon và đắt đỏ nhất thế giới; trung bình có giá từ 4,5 - 6,7 triệu đồng/kg.

- Trải nghiệm “đi farm” phổ biến trong các nông trại tại Úc. Nếu các trang trại tại Melbourne chủ yếu là hái nho, cà chua thì đến Tasmania, ngoài những trải nghiệm trên, bạn có thể đi trên những con đường dốc thoải, với tay hái những quả cherry chín mọng. Cherry tháng Giêng ngon ngọt nhất. 

- Tất cả trái cây đều không được mang vào đảo, dù đó là trái táo bạn đang ăn dở và có xuất xứ từ những vùng khác của Australia. 

- Khi hoạt động du lịch đã phục hồi sau COVID-19, cảnh sát Tasmania giám sát người đi bộ sử dụng điện thoại, nghe nhạc và không tuân thủ luật khi băng qua đường.

Võ Hồng Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI