Tarzan: Đẹp thì có đẹp...

04/01/2014 - 08:45

PNO - PNO - Hình ảnh đẹp như trong thơ, trong nhạc và âm nhạc mang phong cách cổ điển là hai điểm sáng của phiên bản Tarzan mới nhất, vừa ra rạp hôm 3/1/2014.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tarzan: Dep thi co dep...

Không phụ công ê-kíp sản xuất tự hào: "Chúng tôi ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong 5 năm trở lại đây!", hình ảnh 3D trong Tarzan không thua kém bất kỳ một sản phẩm Hollywood nào, thậm chí còn có phần choáng ngợp, vượt trội hơn một số tác phẩm hoạt hình 3D Mỹ... Khu rừng nguyên sinh hùng vĩ với tất cả quyến rũ hiện lên sống động trong từng thân cổ thụ xù xì, từng đoá hoa rừng rực rỡ, từng tán lá xanh rì... Độ sâu hun hút của vực thẳm, cái trong mát của làn nước, không khí tịch mịch của đại ngàn về đêm và sự sống nhộn nhịp trong ánh sáng ban ngày được truyền tải gần như trọn vẹn. Tuy nhiên, 3D bị lãng phí đối với một số khán giả thích bị "quăng vào mặt" trong những màn cháy nổ, chiến đấu như cảnh núi lửa phun trào, vách đá nổ tung hay phóng dao.

Tarzan: Dep thi co dep...

Công nghệ CGI ứng dụng cho những cảnh hành động khá thành công. Chuyển động của bầy tinh tinh tự nhiên và các màn chiến đấu, rượt đuổi của Tarzan dù mang phong cách khoa trương của hoạt hình vẫn trông rất thật, nhịp nhàng, đẹp mắt.

Tarzan: Dep thi co dep... 

Tạo hình nhân vật rất đẹp dù phần nào quá khuôn mẫu. Đặc biệt, nàng Jane Porter tóc vàng mảnh mai là nàng Jane xinh đẹp nhất từ trước đến nay trong các phiên bản Cậu bé rừng xanh; nàng đẹp như búp bê Barbie từ lúc là cô bé tuổi teen với mái tóc ngắn hiện đại đến thiếu nữ yêu kiều khi trưởng thành.

Tarzan: Dep thi co dep...

Phần âm nhạc khó có thể thành công đại chúng như Tarzan của hãng Walt Disney sản xuất năm 1999. Ca khúc chính của bộ phim năm đó, You’ll be in my heart, mang về một tượng vàng Oscar cho Phil Collins. Album nhạc nền cũng giành giải Grammy cho album soundtrack hay nhất. Nhưng Tarzan của người Đức vẫn đáng nhớ với phần nhạc không lời mang hơi hướm cổ điển truyền cảm, có chiều sâu và điệu hú ấn tượng của nhân vật chính.

Hạn chế nhất của Cậu bé rừng xanh qua cách thể hiện của người châu Âu là họ không tạo được một cốt truyện gay cấn, mang tính hành động hấp dẫn liên tục như người Mỹ. Tình mẫu tử của Tarzan và "bà" mẹ nuôi tinh tinh Karla, mâu thuẫn trong nội tâm chàng trai lớn lên giữa rừng thẳm nhưng xuất thân từ thế giới văn minh... chưa khai thác sâu. Xung đột giữa Tarzan và tên Clayton tham lam, tàn ác bắt đầu, diễn biến và kết thúc nhanh chóng, dễ dàng.

Nội dung tác phẩm tập trung vào mối tình Jane - Tarzan với nhiều câu thoại hoa mỹ mà khuôn sáo: "Đừng buông em ra!", "Không bao giờ!", "Em mãi mãi yêu anh!", "Từ nay Tarzan sẽ chăm sóc cho Jane mãi mãi!"... Dường như Tarzan sẽ không chiến đấu với con tinh tinh đầu đàn hung bạo và trở thành thống lĩnh bầy khỉ, Chúa tể rừng xanh nếu thiếu Jane. Sự gắn bó của anh với khu rừng, với đàn khỉ và bản lĩnh "chúa tể" phần nào mơ hồ hơn tình cảm. Mục tiêu bảo vệ của anh là một tảng thiên thạch bí ẩn - mang tính hư cấu nhiều so với mục tiêu gần gũi bảo vệ màu xanh, bảo vệ gia đình tinh tinh trước bọn thợ săn như các phiên bản cũ.

Thay đổi để không lặp lại tác phẩm thành công trước đó là cần thiết và nên được vỗ tay cho sự sáng tạo. Nhưng điều này cũng khiến phim "lạc lối" khán giả: quá người lớn với trẻ con và quá đơn giản với người lớn.

Nhưng dù sao, Tarzan: Cậu bé rừng xanh 3D vẫn đáng xem, để cổ vũ sự hoành tráng không còn là thế độc quyền của Hollywood.

ÁI NGUYÊN 

Từ khóa Jane PorterTarzan
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI