Không nhận thêm “cú đấm của cuộc sống”
Những thay đổi ngoài ý muốn đã xảy ra nhiều với người sống ở vùng tâm dịch, đó có thể là bị cách ly, bị cô lập xã hội, thất nghiệp, phá sản, mối quan hệ nảy sinh mâu thuẫn, mất mát người thân… Biến cố rất nhiều, hầu như ai cũng bị ảnh hưởng, nhưng với mức độ tổn thương khác nhau. Mức độ này tùy từng nghịch cảnh phải đối mặt và tùy người ấy đã học hay chưa học cách đứng vững trước cú đấm của cuộc sống.
“Với món hàng không mong muốn, tôi có quyền từ chối! Nếu tôi không nhận thì không ai có thể ép được. Chẳng phải tôi “boom hàng”, chỉ vì tôi không đặt hàng ấy!”. Nói không với tổn thương, không phải thờ ơ, vô tâm hay che mắt, bịt tai trước nghịch cảnh của mình và người khác mà là ta không vì điều đó mà sa vào đau khổ, yếm thế.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng (khung hình dưới), cô Phạm Thị Sen (bên phải), MC Trà My và những người tham gia hội thảo trực tuyến đã hội ngộ bên nhau trong nụ cười và tinh thần cởi mở, lạc quan |
Một ly chứa nước 50%, với người này thì “tiếc quá, nước đã bị vơi mất một nửa”, với người kia lại là “còn đến nửa ly nước để uống cơ à?”. Hình tượng ly nước và tâm thế nhìn mà tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng nhắc đến trong hội thảo trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong và sau đại dịch” được tổ chức vào đầu tháng 10/2021 thuộc chương trình “Vắc-xin tinh thần” của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân TP.HCM - Đại học Quốc Gia TP.HCM đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với người tham gia.
Tiến sĩ Thanh Phượng (Trưởng đại diện và Quan hệ Chính phủ, Văn phòng đại diện Đại học bang Arizona (ASU), Ủy viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực) cho biết có năm loại suy nghĩ: hướng thiện, tích cực, cần thiết, lãng phí, tiêu cực. Suy nghĩ tích cực mang lại ích lợi cho bản thân và người khác, tạo ra cảm xúc tích cực: khiến ta thấy lòng vui vẻ, nhẹ nhõm, thoải mái, phấn chấn, hạnh phúc, yêu thương, tôn trọng, độ lượng, vị tha… Với suy nghĩ này, ta tập trung vào giải pháp và điều tốt đẹp.
Đứng trước một tình huống thử thách, thay vì sợ hãi, ta gửi một suy nghĩ hy vọng. Khi trải qua bình an thì thách thức ấy trở nên nhẹ nhàng.
“Hầu hết những lo lắng đến từ quá khứ, từ nỗi lo những điều có thể xảy ra trong tương lai mà không cụ thể và từ những gì ta không thể kiểm soát. Tuy nhiên, với suy nghĩ, lời nói, hành động, thái độ, cử chỉ của mình thì bản thân có thể kiểm soát được đến 100%. Vì vậy, nâng cao về cảm xúc, năng lượng tinh thần tích cực hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn, chỉ có điều bạn chọn làm hay không”, tiến sĩ Phượng phân tích.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Bình an đã, rồi tính…
Cũng trong hội thảo này, một bạn chia sẻ chuyện ba của bạn 60 tuổi mắc COVID-19 đã khỏi nhưng ông cứ theo dõi các tin tức xấu, nhất là những thông tin về di chứng hậu COVID-19. Càng xem tâm trạng ông càng nặng nề. Bạn khuyên ba đừng xem, nhưng ông không dứt ra được.
Gợi mở từ cô Phạm Thị Sen (sáng lập viên - Giám đốc Trung tâm Inner Space, chuyên viên giá trị sống quốc tế) khiến bạn thay đổi cách thức tiếp cận, giúp ba và chính mình tìm được sự thoải mái, lạc quan. Theo đó, khi người ta đang trong trạng thái cảm xúc lo lắng vi-rút, dịch bệnh, di chứng hậu COVID-19, cha bạn tìm thông tin liên quan là đương nhiên.
Do vậy bạn hãy thông cảm và chấp nhận, công nhận tình trạng của ba: “Con biết ba rất lo lắng và tụi con cũng rất lo lắng”. Sau đó đề nghị hai cha con cùng tìm thông tin chính xác từ bác sĩ.
Thay vì ngăn cản ba xem các tin tức u ám, bạn có thể khéo léo mời ba chơi cờ hoặc trò chuyện, coi phim, tham gia các hoạt động gia đình, thiết lập các hành động lành mạnh, tách ra khỏi mối quan tâm đó.
Mọi thứ trên đời đều theo vòng tròn tuần hoàn, dường như không có đường thẳng. Dễ thấy nhất là việc con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già yếu tàn lụi. Tuy nhiên tâm trí ta lại muốn mãi như cũ, nên khi không còn như ý, nó sẽ bắt đầu đau khổ, căng thẳng, rối bời, suy sụp.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Cô Phạm Thị Sen cho rằng, mớ hỗn độn quay cuồng của cuộc đời thường làm người ta mất cân bằng. Thay vì chạy vội ra bên ngoài để chống chọi với tình huống, bạn hãy quay về ẩn náu bên trong nội tâm của mình, dừng lại, nuôi dưỡng cho tâm trí an tĩnh, chấp nhận mọi chuyện đã xảy ra, người thân / bản thân đã bị bệnh, chấp nhận người thân yêu đã qua đời hay những biến động, trở ngại trong công việc, mối quan hệ…
Khi đã có trạng thái cân bằng, tâm trí bình an, bạn tìm giải pháp sẽ hiệu quả hơn.
Ngăn tủ tinh thần của bạn với rất nhiều hồ sơ cũ, bạn có thể cất nó thật cao và mỗi khi bạn nhớ đến người thân, hãy nhớ đến những điều tốt đẹp bởi vì họ cũng đang kết nối với bạn. Kết nối với nhau một cách nhân văn, chúng ta có thể gặp được nhau và cùng gia cố sức mạnh tinh thần.
Trú ẩn trong nội tâm là lúc bạn tập kiểm soát hơi thở, tìm lại bình an, thăng bằng và từ đó sẽ kích hoạt được đức hạnh, phẩm chất, giá trị của mình, kích hoạt được chỉ số vượt khó.
“Khi quản lý được cảm xúc của mình, chúng ta bắt đầu chữa lành, sẵn sàng đón nhận “bình thường mới” hay vòng đời mới. Cái mới mẻ ấy mang trải nghiệm hoặc bài học quá khứ chứ không phải mang mớ hỗn độn quá khứ để mà tạo ra bình thường mới” - cô Phạm Thị Sen nhấn mạnh.
Tô Diệu Hiền