Đó là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị cán bộ TPHCM quán triệt những điểm cốt lõi, điểm mới trong văn kiện Đại hội toàn quốc lần XIII của Đảng gắn với các nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) diễn ra vào sáng 14/3.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành hành động cụ thể trong thực tiễn.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, các cấp ủy cần chú trọng chăm lo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Mà sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội và đặc biệt là qua đợt đại dịch vừa qua, TP đã nhìn rõ hơn đội ngũ cán bộ của mình. Từ đó, cần điều chỉnh, sắp xếp để tiếp tục bố trí đúng người vào đúng vị trí, đúng việc nhằm tạo sự đồng bộ, thông suốt, hiệu quả trong hành động.
“Đồng thời chúng ta sẽ tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ, phát hiện đưa vào quy hoạch những cán bộ có năng lực, phẩm chất, tâm huyết với sự nghiệp phát triển TP và đất nước; mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch, không quy hoạch những cán bộ không đủ chuẩn - chất; tổ chức đào tạo, bố trí vị trí tiếp cận quy hoạch để vừa đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết trong nhiệm kỳ và chủ động chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới”, ông Phan Văn Mãi nói.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết TP đang nghiên cứu và nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo về cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. “Chúng ta cần quan tâm bảo vệ cán bộ tốt, trung thực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tổ chức và nhân dân. Đây là nội dung rất quan trọng và rất khó, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu cách thức để triển khai có hiệu quả kết luận này trên địa bàn TP”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
|
Hơn 11.000 cán bộ chủ chốt các cấp của TPHCM dự Hội nghị qua 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến |
Trước đó, tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, cụ thể hóa nhiều nội dung rõ nét hơn sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, gắn với quán triệt những điểm mới trong các kết luận, quy định của Trung ương sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư về “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Kết luận của Trung ương đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức Đảng mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi…
|
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo tại Hội nghị |
Đặc biệt, bổ sung, hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể là có thêm Quy định mới về những điều đảng viên không được làm - căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quy định tập trung vào 2 nhóm: những hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (như: xuyên tạc, phủ nhận, phản bác nền tảng lý luận của Đảng, không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng…); những việc làm sai trái trong công tác cán bộ (chạy chức, chạy quyền; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định; can thiệp, tác động vào các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra…; tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bao che cho các hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, bè phái, cục bộ…).
Những quy định này được ví như “biệt dược” giúp phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại “bệnh tật” phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hoá, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Tam Bình