Không ít người thắc mắc, nếu chiếu theo nội dung Nghị định 46/2019/NĐ-CP (Nghị định 46) Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, có hiệu lực kể từ ngày 1/8, việc tập gym, yoga, dance sport, bơi lội, bóng chuyền bãi biển nữ, múa cột, múa bụng… có bị xử phạt không?
Điều 7, Nghị định 46, quy định về sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao: “Phạt tiền từ 5 triệu đồng tới 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam”. Thẩm quyền xử phạt được giao cho cơ quan thanh tra chuyên ngành, chủ tịch UBND các cấp, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển.
Được biết, Nghị định 46/2019/NĐ-CP được ban hành theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước đó. Đây cũng là đơn vị có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị định này.
|
Nghị định 46/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao đang gây hoang mang dư luận vì những nội dung mơ hồ |
Ngay khi thông tin về Nghị định 46 được công bố, dư luận đã phản ứng với thái độ đầy hoang mang. Đa số các ý kiến không hiểu hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam cụ thể là như thế nào để mà tuân thủ.
Thông thường, khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, ngoài nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; nguyên tắc khách quan, nguyên tắc dân chủ; nguyên tắc bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa các lực lượng xã hội… thì còn hai nguyên tắc đặc biệt quan trọng là tính khoa học và tính khả thi. Tính khoa học của văn bản thể hiện ở nội dung văn bản phải chính xác, biểu đạt rõ ràng, dễ hiểu; tính khả thi đòi hỏi quy định phải có khả năng thực hiện được trên thực tế.
Chưa cần xét đến nội hàm cụ thể, chi tiết của những nội dung dễ gây tranh cãi như “khiêu dâm” hay “đồi trụy”, chỉ cần chú ý vào hình thức quy phạm của văn bản đã có thể thấy, các cụm từ “khiêu dâm”, “đồi trụy”, “đạo đức xã hội”, “thuần phong mỹ tục”, “bản sắc văn hóa”… đều khá chung chung, mơ hồ. Biểu hiện ra sao, mức độ của hành vi như thế nào thì bị xem là vi phạm hoàn toàn không được nhắc đến, ít nhất là trong nội dung nghị định. Điều đó đã hạn chế khả năng tiếp nhận của người dân hoặc được tiếp nhận mà không trọn vẹn; đồng thời dễ dẫn đến việc đánh giá mang tính cảm quan, thiếu thống nhất từ phía những người có trách nhiệm xử phạt, có thể dẫn đến những tranh cãi sau này.
Rõ ràng, nếu chiếu theo Nghị định 46, các môn gym, yoga, dance sport (khiêu vũ thể thao), bơi lội, múa cột, múa bụng, sexy dance… đang nằm trong tầm ngắm. Đa số những bộ môn này có trang phục cực kỳ sexy, bó sát, nhằm tạo sự thoải mái cho người tập luyện, biểu diễn khi vận động, đồng thời khoe được vẻ đẹp cơ thể, làm nên sự quyến rũ cho từng động tác. Chẳng hạn bộ môn múa bụng (belly dance) luôn có phục trang khoe vòng eo thon của người mặc, qua đó, người xem có thể cảm nhận rõ nhất từng chuyển động của phần cơ thể này. Những động tác đánh hông, rung bụng của nghệ sĩ đều cực kỳ hấp dẫn.
|
Dance sport là môn thể thao có nhiều tình huống cọ xát cơ thể, liệu có bị phạt theo cảm tính của cơ quan chức năng? |
Những môn thể thao có nhiều tình huống thi đấu cọ xát, nhạy cảm giữa nam - nữ như dance sport, nếu áp dụng quy định này thì có lẽ chỉ còn nước… giải tán. Những động tác có tính nghệ thuật làm nên sự quyến rũ rất dễ bị võ đoán, quy chụp thành khiêu dâm, đồi trụy nếu có thiên kiến.
Hơn nữa, ngoài cơ quan thanh tra chuyên ngành, các cơ quan như UBND các cấp, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đều có thẩm quyền xử phạt tùy mức độ cũng gây ngạc nhiên với người dân.
Đây không phải lần đầu có một văn bản quy phạm pháp luật gây tranh cãi khi vừa ban hành. Trước đó, đã có những nghị định, thông tư làm khó người dân, không phù hợp với tình hình thực tế, thiếu thống nhất, gây hiệu ứng ngược cũng như thiệt hại cho người dân và buộc phải hủy bỏ. Cũng không thiếu những văn bản vì lỗi diễn đạt mà dẫn đến những cách hiểu tai hại, gây xôn xao cho xã hội, buộc những người soạn văn bản phải lên tiếng đính chính.
Nghị định 46 đang bị người dân phản ứng, ngay ngày đầu có hiệu lực thi hành. Theo một cách hiểu nào đó, đây là một văn bản thất bại.
“Hiện nay ở nước ta có một số môn thể thao, ví dụ như yoga khỏa thân là trái thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Bài tập dưỡng sinh mang tên Suối nguồn tươi trẻ bị biến tướng ở một số nơi, ăn mặc phản cảm, có các động tác biến tấu không phù hợp văn hóa Việt Nam. Một số động tác của khiêu vũ thể thao (dance sport) cũng được biến tấu rất nhạy cảm. Võ tự do (MMA), dù chưa được cấp phép hoạt động ở Việt Nam, nhưng vẫn diễn ra. Các quy định xử phạt này có yếu tố răn đe là chính, vì thế khó có thể quy định chi tiết”.
Ông Phạm Xuân Phúc (Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)
|
Đậu Dung