Tập thể dục thể thao thế nào cho hiệu quả?

07/04/2024 - 06:49

PNO - Bạn không nên lạm dụng, sa đà quá nhiều vào vận động mà cần lắng nghe cơ thể mình, tập đúng, tập đủ để có hiệu quả tốt nhất.

Luyện tập thể dục thể thao (TDTT) không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất, gia tăng khả năng miễn dịch mà còn cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần của mỗi người. Vì vậy, để có một tinh thần tốt, nhiều năng lượng, bạn cần giữ thói quen tập luyện TDTT hằng ngày.

Bạn có thể tập thể dục ngoài trời, trong không gian xanh mát để có kết quả tốt hơn khi muốn cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, rút ngắn thời gian hồi phục sau khi điều trị bệnh. Tập luyện thể dục còn giúp tăng tuổi thọ, ngăn chặn sự lão hóa, mang đến sự thư giãn tốt nhất sau giờ làm việc. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng, sa đà quá nhiều vào vận động mà cần lắng nghe cơ thể mình, tập đúng, tập đủ để có hiệu quả tốt nhất.
Theo đó, tùy theo thể trạng, bệnh lý của mỗi người mà chọn lựa cho mình môn tập thích hợp. Trong các môn thể thao thì bơi lội, đạp xe, đi bộ là tiện lợi nhất.

Trước khi tập luyện, mọi người cần khởi động nhẹ để giúp cho máu điều hòa, lưu thông, gia tăng sức bền của tim, phổi, tạo sự thích nghi với cường độ tập. Khởi động cũng giúp tránh thay đổi nhịp tim, huyết áp đột ngột, giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý như thiếu máu cấp, hội chứng bệnh cấp, đột quỵ, tránh chấn thương, té ngã, tạo cảm giác an toàn khi tập luyện.

Đừng quá chú trọng vào khung giờ tập mà tùy vào đồng hồ sinh học, thời gian biểu của mỗi người. Khi nào ta cảm thấy thoải mái và sẵn sàng thì hãy tập luyện. Trước khi tập, cần ăn nhẹ món nào đó như chuối, bánh để cơ thể có năng lượng đầy đủ. Nên uống khoảng 500ml nước trước khi tập luyện 2 giờ bởi trong quá trình tập luyện, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên. Nên bổ sung thêm khoảng 200ml nước khi đã tập được 15-20 phút. Kết thúc tập thể dục, bạn nên uống 1-2 ly nước, tương đương 200ml. Nước uống có thể là nước lọc, nước điện giải, nước trái cây, tránh trà, cà phê, bia…

Khi bắt đầu, nên vận động nhẹ, sau đó nâng dần cường độ tập luyện; không tập quá nhiều, quá lâu trong những lần tập đầu tiên vì nó sẽ làm cơ thể bạn chịu áp lực lớn, dễ dẫn đến rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch, quá tải hệ cơ xương khớp, có nguy cơ trật, bong gân, thậm chí gãy xương. Cơ thể quá tải cũng khiến hệ thần kinh trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Nếu trong và sau mỗi buổi tập mà cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng hoặc chóng mặt, đau ngực, hồi hộp thì có thể bạn đang tập luyện quá sức. Khi đó, bạn nên giảm bớt thời gian, cường độ tập luyện để cơ thể thích nghi với các bài tập.

Lưu ý, sau khi tập ít nhất khoảng 20-30 phút mới tắm để tránh việc cơ thể bị sốc nhiệt, trụy tim. Cần duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần, trung bình tập từ 30-60 phút/ngày. Không nên tập khi đang mệt mỏi, thời tiết quá nóng, quá lạnh. Trong lúc tập, nếu thấy mệt, khó chịu, khó thở thì nên dừng lại ngay và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Võ Hoàng Phúc (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM)

Phạm An (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI