Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi lập gia đình đã tám năm, có hai con. Vợ tôi ở nhà nội trợ. Cô ấy từng kết hôn lúc 22 tuổi, sau một thời gian ngắn thì ly hôn.
Chuyện tôi là tập hai của vợ hầu như ít người biết vì trong tập một, cô ấy chưa có con. Khi chúng tôi kết hôn, vợ tôi mới 26 tuổi. Tôi nghĩ cuộc hôn nhân trước ngắn ngủi nên sẽ không lưu lại ấn tượng gì lâu dài trong cô ấy. Nào ngờ càng sống lâu bên tôi, cô ấy càng nhớ về người chồng trước, chủ yếu nhằm so sánh với tôi và… hối hận.
Tôi hơn vợ chục tuổi nên không thể chia sẻ với cô ấy những thú vui chụp hình quay phim, chuyện trò kết bạn trên mạng.
Trong khi đó, cô ấy ở nhà có nhiều thời gian lên mạng nói chuyện với bạn bè. Một lần tôi đọc được đoạn chat của vợ, đại ý “bây giờ mới hiểu ngày xưa mình trẻ người non dạ nên đánh mất tình yêu, giá mà mình đã không xử sự như vậy”, tôi rất sốc, nhất là khi biết cô ấy và chồng cũ có kết bạn Facebook.
Từ lúc đó, tôi cứ nghĩ tới khả năng cô ấy nối lại với chồng cũ. Ở nhà cô ấy vẫn cư xử bình thường nhưng lúc cả gia đình đi chơi cùng nhau, cô ấy ít khi chụp hình chung với tôi, hình đăng trên mạng phần lớn là hình cô ấy, đôi khi thêm các con.
Thời gian dịch bệnh này, lương công chức của tôi không bị giảm bao nhiêu nhưng tôi nghe cô ấy nói chuyện có vẻ rất hiểu biết, đồng cảm với những người làm nhà hàng tiệc cưới - khó khăn, thua lỗ ra sao…
Sau đó tôi mới biết chồng cũ của cô ấy giờ kinh doanh nhà hàng tiệc cưới. Đại khái kể ra thì cũng là chuyện nhỏ nhưng tôi lại lo. Tôi phải làm sao để vợ tôi dứt hẳn quá khứ và chúng tôi lại hạnh phúc như xưa?
Văn Thuấn (TP.HCM)
Anh Văn Thuấn thân mến,
Cuộc sống hôn nhân cần tình yêu và lòng tin giữa hai người. Lòng tin giữa anh với vợ đang rạn nứt nên lúc này cần nhất là tập trung xây dựng, củng cố lòng tin ấy mới mong vượt qua được cảm giác khó chịu, ngờ vực.
Thư anh cho thấy anh vẫn rất yêu vợ, lo lắng cho gia đình. Với vai trò là trụ cột trong nhà, anh hoàn toàn có thể chủ động xốc lại tình cảm, suy nghĩ của cả gia đình không phải bằng cách áp đặt, ra lệnh mà bằng nhiều cách khác tinh tế hơn.
Dịch bệnh đang phức tạp, không thể cùng nhau ra quán cà phê thì anh hãy nhân lúc các con ngủ hay đang chơi đùa để rủ vợ cùng thư giãn, nói chuyện riêng.
Có thể là một bữa ăn sáng, cà phê ở ban công hay cùng thức khuya xem phim hoặc cùng vào bếp, vừa nói chuyện vừa dọn nhà cùng vợ, coi như khi ở nhà, mình phát hiện ra nhiều điều để chia sẻ với vợ hơn.
Anh cố gắng dùng khoảng thời gian này để kéo vợ về với đời sống thực, bớt đi những suy nghĩ vẩn vơ. Khi vợ chồng nói chuyện với nhau nhiều hơn, anh sẽ thấy mình dễ dàng đề cập đến những chuyện khó mở lời; những chuyện dễ gây căng thẳng, hoài nghi.
Anh cứ hỏi cô ấy nghĩ gì về chồng cũ, lâu nay có tin tức gì của người ta không. Hãy coi như cả hai đang nói chuyện về một việc đã nằm hẳn trong quá khứ, không châm biếm, chỉ trích nhưng cũng không nhắm mắt ngó lơ.
Những suy nghĩ về gia đình, về hôn nhân hiện tại cũng nên nói với vợ để cô ấy biết anh yêu quý và mong muốn giữ gìn gia đình đến thế nào.
Hành trình trưởng thành của mỗi người không thể tránh những lúc ngoái nhìn quá khứ và ân hận. Vợ anh cũng vậy thôi. Không phải nghĩ mình vụng dại trong quá khứ là cô ấy sẽ phản bội chồng đâu.
Khi anh hiểu vợ, cùng vợ nhìn lại đời sống hôn nhân, những kinh nghiệm sống được tích lũy sẽ giúp cho hôn nhân của anh bền chặt hơn. Chúc anh bình tâm để giữ gia đình luôn hạnh phúc.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC:
Trà My (Q.3, TP.HCM): Phụ nữ ưa ngó nghiêng vậy thôi
Chồng hiện tại của bạn tôi cũng là tập hai của cô ấy. Anh ấy biết tất cả quá khứ lẫn tâm tư của vợ nhưng không hề hỏi chuyện ngày xưa của vợ mình. Còn bạn tôi, mỗi khi có trục trặc gì trong đời sống hôn nhân cũng ngóng về ngày xưa mà tiếc nuối.
Đa số phụ nữ thường hành xử như thế, xem quá khứ như khu vườn bí mật của mình nhưng hầu hết đều vô hại. Có lẽ anh cũng kiệm lời và hơi khô khan giống chồng bạn tôi. Dù đến với nhau bằng tình yêu, sau ngày cưới, vợ chồng bạn tôi ít nói chuyện linh tinh với nhau.
Mãi 10 năm sau, một đêm, khi bạn tôi trở bệnh đột ngột, trong cơn hoảng loạn, chồng bạn đã bế bạn chạy ra đầu hẻm, vừa chạy vừa kêu gào cầu cứu.
Sau cơn nguy kịch, bạn dồn hết tâm tư cho hiện tại bởi sau lần ấy, chồng bạn thay đổi hẳn: quan tâm, chăm sóc vợ nhiều hơn. Giờ thì gia đình họ trong ấm ngoài êm. Hy vọng qua câu chuyện trên, anh biết mình cần làm gì.
Như Ý (Gò Công Tây, Tiền Giang): Cần thì hỏi cho ra lẽ
Theo tôi, anh nên nói chuyện với vợ, bày tỏ suy nghĩ của mình. Vợ chồng mà, có gì phải ngại! Song, để tránh trường hợp vợ anh nghĩ anh không tin tưởng cô ấy, anh nên chọn đúng thời điểm và nói sao cho khéo. Thậm chí anh có thể nói vài câu hài hước để câu chuyện nhẹ nhàng hơn. Không làm được như thế thì anh cứ lờ đi.
Có lẽ anh đa nghi quá thôi chứ giờ đã hai con rồi, tâm trí đâu mà vợ anh tơ tưởng chuyện cũ. Có thể suy nghĩ về người cũ của vợ đã ám vào anh từ lâu chứ không phải mới đây.
Chẳng qua giờ ở nhà dài ngày, anh có thời gian quan sát vợ nên mới cảm thấy chuyện nghiêm trọng. Anh nên nhẹ nhàng đi! Sống với nhau cả đời, nếu cứ lăn tăn mãi thì mệt lắm.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn