Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp sớm lại là do tập luyện thể thao quá mức và không đúng cách.
Chỉ vì nôn lấy lại vóc dáng sau sinh
“Một trong những đối tượng rất quan tâm đến việc tập luyện thể thao là phụ nữ sau khi sinh. Nhiều chị em đã nôn nóng lao vào việc tập luyện và không ít người vì tập quá sức hoặc không đúng cách, đã không những không giảm cân được mà còn gánh thêm căn bệnh thoái hóa khớp, do tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn”, PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học (BV ĐH) Y Dược cảnh báo.
Mới đây, chị Nguyễn Thị T., 27 tuổi (P.15, Q.8) đến khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐH Y Dược trong tình trạng đau khớp gối, khi ngồi xổm hoặc đi nhiều thì cơn đau càng tăng. Chị cho biết: “Sau khi sinh được 1 năm, ai nhìn tôi cũng tưởng đã có bầu tiếp vì dư gần chục kg so với lúc chưa mang thai. Theo những hướng dẫn trên mạng, tôi thấy leo cầu thang là một cách giảm cân “thần tốc” so với việc chạy bộ bình thường nên ngày 2 lượt tôi lên xuống 4 lầu 20 lần. Tập được 1 tháng, tôi giảm 3 kg, nhưng đầu gối lại bị đau nhức. Lúc đầu, cơn đau chỉ xuất hiện khi vận động, sau đó thì ngồi xổm hay cả lúc ngủ cũng đau.”
Chị T. cứ nghĩ mình bị đau nhức do sinh nở, nhưng bác sĩ (BS) xác định chị bị thoái hóa khớp gối sớm do tập luyện thể thao không đúng cách; yêu cầu phải nghỉ ngơi, thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế đi lại và tuyệt đối không được tập thể dục bằng cách lên cầu thang nữa. Khi lên xuống cầu thang, áp lực lên các khớp gối tăng gấp 3 lần khi đi bộ trên mặt phẳng nên dễ làm hư tổn khớp gối.
Tập thể thao không đúng cách, một bệnh nhân bị thoái hóa khớp
Tự tập Yoga: Bệnh chống bệnh
Một “nạn nhân” của việc tự tập yoga khiến bệnh chồng bệnh là chị Hoàng Ngọc N., 40 tuổi, Q.Tân Bình bị đau lưng đã 6 tháng, được BS chẩn đoán đau lưng cơ năng; hướng dẫn chị nghỉ ngơi, giảm ngồi lâu, chườm ấm lưng và uống thuốc theo toa. Do làm nhân viên văn phòng, chị vẫn phải ngồi liên tục gần như 8 giờ/ngày khiến lưng càng đau nhức hơn. Một người bạn đã khuyên chị tập yoga và hướng dẫn những động tác “chuyên trị” đau lưng như: cúi gập lưng, vặn cột sống…
Chỉ mới tập được 2-3 ngày, chị đã thấy lưng đau nhức hơn, nhưng cô bạn giải thích: “Ai mới tập cũng bị đau như vậy thôi” nên chị yên tâm tập tiếp. Sau hơn một tuần, lưng chị đau nhức không thể chịu nổi, không cúi người được, ngồi dậy sau khi nằm nghỉ cũng rất khó khăn.
Khi chị đến khám, BS tại BV ĐH Y Dược kết luận chị bị đau lưng cấp, thoái hóa khớp, nguyên nhân có thể do những động tác yoga chị tự tập không phù hợp. BS yêu cầu chị phải nghỉ ngơi tối đa, tập các bài vật lý trị liệu cột sống và tạo thói quen đứng dậy đi lại, không ngồi lâu. Sau 2 tuần tuân thủ chỉ định của BS, tình trạng đau lưng của chị đã cải thiện dần.
Lắng nghe... xương khớp
Theo BS Bùi Hồng Thiên Khanh, thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương các cấu trúc trong khớp, trong đó quan trọng nhất là sụn khớp và xương dưới sụn. Đồng thời, cơ thể xuất hiện các phản ứng viêm hình thành các cytokin và enzym tham gia vào sự phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn.
Thoái hóa xương khớp là tiến trình tự nhiên, ai cũng có thể mắc phải, nhất là những người béo phì, có chấn thương khớp trước đó. Thông thường, tình trạng thoái hóa khớp bắt đầu xảy ra vào tuổi trung niên, từ sau 38-40 tuổi trở đi. Tuy nhiên, ngày nay bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ, đặc biệt là dân văn phòng và những người ngồi nhiều, ít vận động.
Việc tập thể thao rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu tập quá mức hoặc chọn môn không phù hợp với thể trạng sẽ rất dễ gây ra chấn thương, ảnh hưởng đến xương khớp. Các môn thể thao gây áp lực nhiều lên khớp là leo cầu thang, bóng đá , bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cử tạ…
Sau khi tập luyện, các khớp cần có thời gian để phục hồi, nên nếu tập luyện quá mức chắc chắn sẽ làm các cấu trúc khớp bị tổn thương, trong đó có sụn khớp và xương dưới sụn, gây thoái hóa khớp. Vì vậy, việc tập luyện cần đúng phương pháp và có thời gian nghỉ ngơi để bảo vệ khớp.
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến tình trạng thoái hóa khớp ngày càng phổ biến là do nhiều người chủ quan, không chú ý những dấu hiệu cảnh báo, được ví như “lời kêu cứu” từ xương khớp. Khi xương khớp “quá tải” hoặc có vấn đề, sẽ báo hiệu bằng những dấu hiệu như mỏi vai, đau lưng, nhức gối, hay phát ra tiếng “lục cục”, cứng khớp, đau nhức, đi đứng khó khăn.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chủ quan phớt lờ các dấu hiệu này, hoặc tự trị bệnh bằng cách mua thuốc giảm đau uống, đắp thuốc gia truyền, thậm chí cạo gió, giác hơi cho qua cơn đau. Những cách này không những không trị được đau nhức do thoái hóa khớp, mà còn khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.
Do đó, một trong những bí quyết để phòng ngừa thoái hóa khớp là phải lắng nghe cơ thể, lắng nghe tiếng nói của xương khớp. Thể dục thể thao luôn được đề nghị để mọi người tập luyện nhằm giữ sức khỏe và vóc dáng, nhưng cần tránh tập với cường độ cao vì có thể gây mệt mỏi hoặc đau nhức xương khớp.
Một số chị em còn do nôn nóng giảm cân nên đã tự ép mình tập luyện quá sức, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và xương khớp.ThS-BS Lê Thị Kiều Dung - Trưởng khoa Phụ sản, BV ĐH Y Dược, khuyên: “Phụ nữ sau sinh không nên tập luyện quá mức, chỉ cần dạo quanh khu nhà với em bé trong xe đẩy đã là một cách vận động tuyệt vời để giảm cân. Ngoài ra, cũng có thể tập thể dục buổi sáng đều đặn hay chọn một môn thể thao nhẹ nhàng mà bạn yêu thích.
Để phòng ngừa tình trạng thoái hóa khớp, các chuyên gia xương khớp khuyên mọi người nên ăn đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và uống sữa để cung cấp vitamin và canxi; tránh thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ; tránh thức khuya, bia, rượu, thuốc lá. Đồng thời, phải hạn chế việc đứng lâu, mang vác nặng, leo cầu thang…
Người làm văn phòng nên lưu ý thay đổi tư thế mỗi giờ/lần, có thể vận động tại chỗ như vươn vai, gập cổ, xoay đầu từ phải qua trái, từ trái qua phải; tập vận động các khớp ngón tay - đặc biệt là những người sử dụng bàn phím nhiều. Nếu thấy có triệu chứng đau tăng dần khi vận động và đau nhiều hơn về cuối ngày, giới hạn vận động khớp, nghe có tiếng lạo xạo, lục cục trong khớp… nên đến BS chuyên khoa ngay”.