Tập hai, tập ba thì không nên đám cưới?

23/04/2018 - 16:00

PNO - Người ác ý bảo rằng, cưới hoành tráng mà không hạnh phúc, thì thà đừng cưới, về không mà sống với nhau đến đầu bạc răng long còn hơn. Là tại người ta thấy Hà cưới lần ba nên nói vậy.

40 tuổi, Hà đã ba lần đò, mà lần nào cũng đều hoành tráng: rước dâu bằng xe hơi, vòng vàng lấp lánh, đãi ở nhà hàng sang…

Có người bảo Hà ác, rằng cái ông chồng thứ hai có giàu có gì đâu mà bắt ổng cưới hoành tráng thế. Hà bảo, tội gì không đòi. Hà không “theo không” ai hết. Có luật nào quy định đàn bà ly hôn rồi là không được rước dâu, không được đi cửa trước? Nhớ ngày làm cô dâu lần thứ hai, mẹ chồng nắm tay Hà, kéo Hà đi cửa hông, nhưng Hà khéo léo buông tay, đi thẳng lên nhà trước. Sự nhanh nhẹn của cô dâu khiến mẹ chồng không phản ứng kịp. Hà cười đắc thắng: làm dâu lần hai thì đã sao?

Tap hai, tap ba thi khong nen dam cuoi?
Ảnh minh họa

Với Hà, lấy chồng là phải có đám cưới. Về nhà người ta, làm dâu, làm vợ, làm mẹ, biết bao chông gai, sao không được cưới hỏi đàng hoàng? Cả đời “sống chết” với người ta, cái đám cưới hoành tráng một chút, có gì là quá đáng? Sau cưới, số trang sức Hà giữ làm kỷ niệm, còn mọi chuyện lời lỗ, Hà không quan trọng. Hà không chịu “theo không”, dù lấy chồng đến lần thứ mấy. Bởi vì lần nào, Hà cũng sẵn sàng tinh thần làm vợ, nên chẳng ai có quyền cấm Hà làm cô dâu trong ngày trọng đại của đời mình. Đám cưới, với Hà, còn là được gia đình nhà chồng công nhận, để nhỡ “có gì”, Hà chẳng phải là kẻ theo trai.

Như Thanh, vì “không được tuổi”, mà đành “theo không” Lượng. Thời con gái, Thanh ao ước được một lần mặc áo cô dâu. Nhưng vì sự cố tuổi tác, đến bây giờ, mơ ước ấy vẫn theo Thanh trong những đêm mất ngủ, nhất là khi đi dự đám cưới, hay xem phim, thấy người ta xúng xính áo cưới, mà ngậm ngùi. Những lần cơm không lành, canh không ngọt, chuyện theo không ấy khiến Thanh tiếc nuối. Với Thanh, mười đám cưới bạc cũng chẳng ý nghĩa gì so với lần bước lên xe hoa về nhà chồng, giữa tiếng cổ vũ, mừng vui của họ hàng.

Tap hai, tap ba thi khong nen dam cuoi?
Ảnh minh họa

Có người bảo Hà rằng, tập hai, tập ba rồi, cưới chỉ tổ phiền gia đình, bạn bè. Nhưng Hà biết, nên chỉ chọn mời những người thân tình. Người ác ý bảo rằng, cưới hoành tráng mà không hạnh phúc, thì thà đừng cưới, về không mà sống với nhau đến đầu bạc răng long còn hơn. Là tại người ta thấy Hà cưới lần ba nên nói vậy. Nhưng cưới là một chuyện. Sống hạnh phúc hay không lại là chuyện khác.

Hà bảo, mỗi lần làm cô dâu, Hà đều dạt dào cảm xúc. Đâu phải dễ dàng chấp nhận làm vợ một người, nên đàn bà con gái đi lấy chồng, dù lần thứ mấy, cũng phải cho mình cảm giác khoác áo cô dâu, e ấp bên người yêu. Đó chẳng phải là bước ngoặt mới, là cột mốc quan trọng, không đáng để ta hân hoan? Khoảnh khắc đáng nhớ ấy còn là kỷ niệm, động lực, để mỗi khi sóng gió hôn nhân ập đến, nhắc nhớ rằng mình được cưới hỏi, được trân trọng, nên cần biết kiềm chế, biết sống vị tha. Hà cũng chẳng vì ràng buộc một đám cưới, sợ tiếng nhiều lần ly hôn mà phải chấp nhận cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Thế nên cô mới bước đến ba lần đò.

Dĩ nhiên, Hà không định có đám cưới thứ tư, bởi cô đang rất hạnh phúc. Dứt bỏ một cuộc hôn nhân, với mọi phụ nữ, là việc cực chẳng đã. Chẳng ai muốn chạy theo số lượng, chỉ là biết dừng lại đúng lúc để không phải chui trong chiếc áo tình yêu mục ruỗng vì không được giặt giũ, làm mới. Cũng như sẵn sàng chớp thời cơ để xây dựng một hạnh phúc mới mà thôi. 

 Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI