“Sao mẹ lại nói không biết?"
Tôi không biết những người mẹ khác đã bao nhiêu lần bị con mình yêu cầu phải trở thành tất cả hay phải biết tất cả, riêng tôi cứ phải đối diện những tình huống này hằng ngày. Khi con hỏi bài mà tôi không biết, bé sẽ hỏi lại: “Mẹ lớn hơn con sao mẹ không biết?”.
Khi con tôi đau đầu hay đau bụng và tìm đến mẹ, cháu cũng kỳ vọng mẹ sẽ giúp cháu khỏi đau tức thì với niềm tin: “Mẹ là bác sĩ giỏi mà, nhiều lần mẹ giúp con hết đau mà, sao lần này con bị đau lâu vậy?”… Và bất kỳ lĩnh vực thiên văn, địa lý, sinh học nào… Nếu bất chợt con tôi hỏi mà tôi chưa kịp chuẩn bị thời gian để tìm hiểu câu trả lời thì con tôi sẽ vặn vẹo lại một cách hồn nhiên: “Sao làm mẹ mà lại không biết?”.
|
Tác giả và cậu con trai luôn nghĩ làm mẹ là phải biết đủ thứ |
Những lúc như vậy tôi cũng không biết nên khóc hay nên cười, tôi mắc cười vì cách thần tượng mẹ theo kiểu ngây ngô của con trai, nhưng cũng thấy nhiều áp lực khi đối diện sự kỳ vọng của con và cả sự thất vọng mỗi khi con nhận được câu trả lời thành thật của tôi: “Mẹ không biết”.
Trở thành ba mẹ, ai cũng biết rằng từ đây chúng ta có trách nhiệm rất lớn với sức khỏe và sự an toàn của 1 con người nhỏ bé mới xuất hiện. Vượt xa điều đó, ba mẹ còn chịu trách nhiệm nuôi dạy 1 đứa trẻ sẽ trở thành 1 thành viên có trách nhiệm trong xã hội. Điều này quả là nhiều áp lực, không lạ gì khi các bà mẹ ở khắp mọi nơi đều cảm thấy áp lực và căng thẳng khi nuôi con nhỏ.
1 lý do khác khiến họ cảm thấy áp lực là không có sách hướng dẫn. Không có cuốn sách nào chỉ ra cách thực hiện mọi thứ một cách chính xác, dù tất cả trẻ em đều sẽ phát triển theo các mốc thời gian giống nhau. Đó là bởi vì, mỗi trẻ em và đơn vị gia đình là duy nhất và những gì có thể hiệu quả với gia đình này sẽ không hiệu quả với gia đình khác. Và những áp lực mà các bà mẹ đang gánh dù nơi đâu cũng tương tự nhau.
Con trai tôi tự động chia nhiệm vụ cho ba và mẹ rất khác biệt và rõ ràng. Khi con cần bạn chơi cùng thì tìm đến ba, khi có các nhu cầu còn lại thì con tìm đến mẹ như: đau bệnh, chơi bị té, đói, buồn ngủ (cần được dỗ), cần chỉ bài, cần giúp chuẩn bị khi đi ra ngoài… Và con trai tôi cũng tự kết luận: “Khi có ba bên cạnh con là con chơi vui, khi con mệt và cần giúp đỡ, thì mẹ luôn biết cách giúp con thấy dễ chịu”.
À, thì ra là vậy. Thì ra cậu con trai vài tuổi đầu của tôi cũng tự biết và tự cảm nhận được điều này. Tôi hay nói vui với chồng: “Trong mắt con thì ba là biểu tượng của niềm vui, mẹ là biểu tượng của mệt mỏi và lo toan. Sao giống như anh là thiên thần còn em là ác quỷ vậy?”. Và chúng tôi cùng cười.
Cảm giác con cần mình - một cái bẫy
Cũng như nhiều bậc cha mẹ, tôi mong con thành công, an toàn và thoải mái, nhưng tôi cũng ý thức rõ để không rơi vào bẫy khi làm hết mọi thứ cho con. Ba mẹ muốn giúp con cái, họ cảm thấy đó là trách nhiệm của mình và không muốn con phải đối mặt với bất kỳ căng thẳng nào. Tuy nhiên, điều này có thể trở nên bất lợi, và có thể không mang lại lợi ích gì cho con cái chúng ta.
Khi chúng ta tự động làm mọi việc cho con, từ dọn dẹp đồ chơi cho đến nói cho con biết cách giải quyết bất đồng với 1 người bạn, giúp con làm bài mà không để con suy nghĩ, muốn chịu đau thay con khi con bệnh… là chúng ta đang cướp đi những khoảnh khắc học tập cần thiết trong cuộc đời chúng. Chúng sẽ không phát triển để biết cách xử lý xung đột, hoặc thậm chí cách dọn dẹp sau khi chơi.
|
Ảnh mang tính minh họa - Fwstudio |
Trước tiên, hãy xem tại sao hầu hết các bà mẹ cố gắng làm mọi thứ cho con. Lý do chính khiến các bậc cha mẹ làm điều này là họ muốn con hạnh phúc. Ba mẹ làm mọi thứ cho con một phần họ cũng muốn tránh mọi căng thẳng, xung đột khi từ chối con mình. Một số ba mẹ thậm chí có thể làm điều này vì họ thích cảm giác được con mình cần mình.
Đó thực sự là một cái bẫy.
Đối với trẻ nhỏ, dù người mẹ có làm thay bao nhiêu thứ, đóng bao nhiêu vai trò cũng là không đủ và chúng sẽ luôn cần mẹ trong bất kỳ tình huống nào.
Không biết vì sao từ nhỏ con tôi luôn nghĩ rằng mẹ là bác sĩ, và tự tin đi rao khắp nơi. Thực sự tôi thấy đây là một gánh nặng và cố gắng giải thích với con rằng tôi không phải là bác sĩ thì nhận câu trả lời: “Đối với con, mẹ là bác sĩ trong gia đình, vì mẹ biết tất cả những vấn đề liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và thuốc men…”.
Gần đây, khi đau họng trong lúc sắp đi ngủ, con tôi cũng yêu cầu mẹ làm gì cho con hết đau liền đi vì con không chờ đến sáng mai được với lý lẽ quen thuộc: “Mẹ là bác sĩ giỏi mà. Bác sĩ giỏi phải biết tất cả mà”. Đến lúc tôi nghĩ mình phải buông bỏ áp lực là bác sĩ giỏi trong gia đình và quyết định phải đính chính thông tin sai lệch này: “Con trai, con nghe rõ nè: Mẹ không phải là bác sĩ. Con có nhớ mẹ đã dẫn con đi bác sĩ khám tai không, đó mới là bác sĩ. Mà ngay những bác sĩ giỏi, thực ra không có ai biết tất cả, ngược lại họ là người biết rõ những thứ nào họ không biết và không ngừng học hỏi thêm. Mẹ cũng vậy con trai à. Mẹ không biết tất cả như con nghĩ, mẹ có nhiều giới hạn nhưng mẹ luôn nỗ lực trang bị thêm kiến thức để tốt hơn mỗi ngày, đó là vì con”.
Con cái của chúng ta đang lớn lên và chúng có thể không quá dựa dẫm vào chúng ta như khi còn bé. Chúng cũng không thực sự quá cần mẹ như cách chúng thể hiện, vì vậy các bà mẹ hãy can đảm lựa chọn lúc nào đó từ từ buông bỏ áp lực làm mẹ để giúp con phát triển độc lập hơn và giúp công việc làm mẹ nhẹ nhàng hơn.
Nhất Phương