Tập đoàn của Úc tham gia thị trường lúa gạo Việt

12/11/2018 - 10:40

PNO - Về việc Sunrice mua lại một nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gạo Việt Nam cho rằng, đây là bước đầu tham gia thị trường lúa gạo Việt Nam của DN nước ngoài.

Trước đây, thị trường lúa gạo xuất khẩu bị giới hạn, DN trong nước cũng không dễ xuất khẩu bởi những ràng buộc như có ít nhất một kho chuyên dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; sở hữu ít nhất một cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

Quy định này khiến việc xuất khẩu gạo chỉ tập trung vào một số DN lớn, từ đó mục tiêu liên kết nhà xuất khẩu gạo với nông dân không đạt được. Chính sách này còn tạo ra thêm một tầng lớp thương lái thu mua lúa của nông dân bán lại cho các DN nhỏ, sau đó lại qua khâu thu gom mới đến được các nhà xuất khẩu. 

Tap doan cua Uc tham gia thi truong lua gao Viet
Sunrice mua lại một nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp, tham gia sâu vào thị trường lúa gạo Việt nam

Gần đây, chính sách thay đổi, các điều kiện xuất khẩu gạo được nới lỏng, cơ hội xuất khẩu gạo mở ra cho mọi DN, nên Sunrice - tập đoàn gạo lớn nhất Australia - tham gia sâu vào thị trường lúa gạo Việt Nam là điều dễ hiểu.

Trước đây, tập đoàn này cũng nhập khẩu gạo Japonica và Indica từ Việt Nam. Ba năm gần đây, trung bình mỗi năm, tập đoàn này mua khoảng 200 triệu USD tiền gạo và lượng gạo tập đoàn này mua chiếm khoảng 5% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. 

Đại diện một DN ngành lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang cho rằng, Sunrice là DN kinh doanh thực phẩm lớn tại Australia với doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm nên khi vào Việt Nam, sẽ tạo sức ép rất lớn đến các DN trong nước. Họ không chỉ là nhà phân phối gạo lớn nhất Úc mà còn có thị trường tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, họ lại có nguồn lực tài chính mạnh.

Theo vị này, khi thị trường lúa gạo mở cho cả DN trong và ngoài nước thì nông dân và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Nông dân sẽ được các nhà chế biến, xuất khẩu gạo “săn đón” hơn để xây dựng chuỗi liên kết; người tiêu dùng sẽ được mua sản phẩm gạo với tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn vì các nhà sản xuất sẽ cạnh tranh bằng uy tín thương hiệu.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) - cho rằng, không có gì đáng ngại khi mở cửa cho mọi đối tượng tham gia vào thị trường lúa gạo vì mỗi năm, Việt Nam có khoảng 6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Cung cầu trong nước ra sao, các cơ quan quản lý nắm rõ nhất nên sẽ khó xảy ra chuyện thị trường trong nước thiếu hụt gạo do xuất khẩu.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI