Tập cho con… dữ dằn

11/01/2015 - 18:28

PNO - PNCN - Con tôi năm tuổi, là trai nhưng bé lại hiền lành hiếm thấy. Ở nhà, khi bị các anh em họ hoặc trẻ hàng xóm giành giật đồ chơi, cháu dễ dàng chịu thua, tự tìm đồ chơi khác.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cháu rất ngại tranh giành, bạo lực, cứ chịu thiệt cho xong. Trước kia tôi nghĩ cháu còn bé mà đã biết nhường nhịn, sẻ chia là quá tốt, nhưng dần nhận ra hình như cháu nhu nhược, thụ động. Đi nhà trẻ, mẫu giáo, cháu cứ bị bạn đánh mà không phản ứng lại, cũng chẳng dám “méc” cô hay cha mẹ. Do quá hiền nên cháu thường bị những đứa lanh lợi dụ dỗ, xúi giục phá phách để khi người lớn trách phạt thì cháu lãnh đủ. Cháu cũng ít có chính kiến, ngay cả trong chuyện ăn uống, mặc quần áo, mua đồ chơi, người lớn bảo thế nào cháu cũng chấp nhận.

Có phải do tôi làm mẹ đơn thân nên cháu thiếu vắng hình mẫu của người đàn ông để có thể xây dựng bản lĩnh, cá tính? Mong con mạnh mẽ, chủ động hơn trong cuộc sống, tôi cho con học võ, tập cho con chơi những trò cảm giác mạnh, mạo hiểm, thậm chí cho con xem truyện tranh có tính chất bạo lực, giục con giật lại đồ chơi với các bạn, cho con biết con có quyền đánh lại khi bị bạn ăn hiếp… nhưng tình hình vẫn chưa thấy cải thiện mấy. Quá hiền như con trai tôi có phải sau này dễ bị bắt nạt không? Và, tôi nên làm gì để cháu không trở thành kẻ yếu đuối, hèn kém? Tự tôi có thể rèn luyện cho cháu hay cần phải kêu gọi vai trò của cha cháu?

Nguyễn Thị Tú Nhi (Q.9, TP.HCM)

Tap cho con… du dan

Chị Tú Nhi thân mến,

Lá thư tâm sự của chị có lẽ nhận được nhiều sự đồng cảm từ các bậc cha mẹ. Bé trai con chị có biểu hiện thụ động, nhu nhược trong các quan hệ xã hội nên chị lo lắng tương lai cháu sẽ phải chịu thua thiệt, bị bắt nạt... Nguyên nhân được chị xác định là “sự thiếu vắng hình mẫu của người đàn ông để có thể xây dựng bản lĩnh, cá tính”. Tôi đồng tình với suy nghĩ của chị.

Cháu trai rất cần hình ảnh người cha để hình thành những chuẩn mực hành vi cần có phù hợp. Có lẽ câu hỏi của chị cuối thư cũng đã phần nào trả lời cho vấn đề này, đó là kêu gọi vai trò của người cha tham gia vào quá trình nuôi dạy cháu. Nếu chị và anh dù không là vợ chồng nhưng cùng đảm nhiệm vai trò làm cha, làm mẹ sẽ là cơ hội tốt giúp cháu tự tin hơn, vững vàng hơn...

Cách mà chị đang làm như cho con tập võ là tích cực, vừa giúp cháu rèn thể lực, vừa giúp cháu học thêm những đức tính tốt như sự kiên cường, tự tin, mạnh mẽ... Nhưng những cách khác như “cho con chơi những trò cảm giác mạnh, mạo hiểm, thậm chí cho con xem truyện tranh có tính chất bạo lực, xúi giục con giật lại đồ chơi với các bạn, cho con biết con có quyền đánh lại khi bị bạn ăn hiếp…” lại là tiêu cực. Chị cũng đã nhận ra những cách này “vẫn chưa cải thiện” tình hình. Mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng.

Bé trai của chị có nhiều biểu hiện của tính cách hướng nội, nên những cách trên không phù hợp với cháu; thậm chí có thể xảy ra tác dụng ngược, khiến cháu càng tự ti, mặc cảm, co mình mỗi khi thử làm theo cách mẹ dạy mà thất bại... Hơn nữa, xúi con giật lại đồ chơi, đánh lại bạn là dạy con những điều không nên làm. Cách này sẽ không giúp cháu xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp mà chỉ khiến cháu mất bạn, hoặc có thể bị ăn hiếp lại nặng hơn...

Tôi chia sẻ với sự lo lắng của chị khi thấy con thua thiệt. Chị mong muốn con cứng cỏi hơn, “dữ” hơn... hay chị muốn con biết cách sống tự tin, biết cách ứng xử để mọi người yêu mến, tôn trọng cháu? Tôi nghĩ có lẽ chị thực sự muốn ý thứ hai hơn. Cứng cỏi hay dữ chỉ khiến cháu “đóng băng” tâm hồn, tạo khoảng cách với mọi người. Nhưng khi cháu tự tin là chính mình, cháu sẽ biết ứng xử phù hợp với bạn bè và mọi người xung quanh theo hướng đôi bên cùng có lợi, cháu tôn trọng mọi người và mọi người cần tôn trọng cháu.

Cháu không thích bạo lực, cháu thích “dĩ hòa vi quý” biết đâu lại là điều sẽ mang lại cho cháu cuộc sống bình an trong tương lai, được mọi người yêu mến. Vì vậy, thay vì bắt cháu trở thành một con người khác, chị nên giúp cháu khám phá những điểm hay, điểm tốt để cháu ngày càng tự tin về giá trị bản thân. Thay vì dạy cháu bạo lực với người khác, chị có thể dạy cháu cách giải quyết xung đột bằng truyền thông, giao tiếp tích cực. Thái độ dứt khoát, kiên định có thể làm người khác nể sợ hơn là sự hung hăng.

Chúc chị hiểu con mình và đồng hành cùng con, dạy con những điều tốt đẹp phù hợp với con người cháu.

Chuyên viên tham vấn, thạc sĩ tâm lý trị liệu  

PHẠM THỊ THÚY 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI