Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn bằng nghề trồng nấm

15/08/2024 - 06:21

PNO - Với nghề trồng nấm, chị Châu Thị Nương, 46 tuổi, đã tạo việc làm ổn định cho hơn 40 phụ nữ nông thôn.

Tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp

Hiện tại, chị Nương đang là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tà Đảnh (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Chị cho biết, trước đây gia đình chị sống bằng nghề trồng lúa, nhưng điệp khúc “được mùa - mất giá” khiến hiệu quả từ cây lúa không cao.

Sau thời gian đi các nơi để tìm hiểu những mô hình canh tác nông nghiệp phù hợp, hiệu quả, đồng thời giúp nhiều phụ nữ nông thôn có việc làm ổn định, năm 2020 chị Nương bắt đầu với nghề làm nấm. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như rơm, cám, chị thử nghiệm trồng các loại nấm như nấm mối, bào ngư, đông trùng hạ thảo, linh chi tai to, đặc biệt là nấm mối đen và thành lập HTX Nông nghiệp Tà Đảnh để phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường. Từ đó, thương hiệu “Nấm mối nàng Nương” ra đời, được người dân địa phương và các tỉnh lân cận biết đến.

Chị Châu Thị Nương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh - bên các sản phẩm từ nấm
Chị Châu Thị Nương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh - bên các sản phẩm từ nấm

Trước đó, trong quá trình tìm hiểu, chị Nương biết nấm mối đen có nhiều dinh dưỡng, nên đã trồng nấm mối đen bằng công nghệ cao. Để trồng và cho ra sản phẩm như hiện tại chị đã trải qua nhiều thất bại. Ngoài kiên trì tự nghiên cứu, chị Nương còn tìm đến những chuyên gia của các trường đại học Cần Thơ, An Giang… để tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của nấm để ứng dụng vào quá trình sản xuất.

Nhờ chịu khó học hỏi, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, sản phẩm của chị làm ra ngày càng hoàn thiện. Phấn khởi, chị từng bước đầu tư mở rộng trang trại trồng nấm lên 3ha. Tất cả nguyên liệu làm phôi nấm được tận dụng từ những phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cám gạo, cám bắp; mọi công đoạn đều được chăm chút kỹ lưỡng và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại.

Chị Nương cho hay, nấm mối đen có thể trồng quanh năm theo mô hình khép kín, phù hợp với khí hậu của vùng Bảy Núi. Từ lúc trồng đến thu hoạch mất gần 4 tháng nên có lợi thế quay vòng vốn nhanh. Ngoài ra, nếu thời tiết xấu, có thể ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào.

Nấm mối đen có thể chế biến được nhiều món ăn như nấu cháo, nấu lẩu, xào, kho… Mỗi ngày cơ sở trồng nấm của chị Nương cho ra thị trường từ 50 - 60kg nấm mối đen, mỗi năm cung cấp gần 20 tấn sản phẩm với giá từ 200.000-250.000 đồng/kg. Hiện tại, nấm mối đen có mặt tại các siêu thị, nhà hàng ở đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM…

Giúp chị em nông thôn có việc làm, thu nhập

Trang trại trồng nấm của chị Nương đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 40 lao động nữ, chủ yếu là người Khơ Me tại địa phương. Đa phần chị em có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nhiệp, thiếu đất sản xuất. Chị Quách Thị Hồng Liên - đang làm việc tại HTX Nông nghiệp Tà Đảnh - cho biết, trước đây chị làm công nhân ở Bình Dương. Sau COVID-19, cả gia đình trở về quê. Nhà không có ruộng nên chị xin vào làm việc tại trang trại nấm của chị Nương, thu nhập tương đối ổn định.

Chị Nương chia sẻ: “Từ nhỏ mình cũng khó khăn, nên thấy chị em có hoàn cảnh là mình thương. Vậy nên, từ khi mở cơ sở trồng nấm, hễ chị em nào cần việc làm là HTX nhận. Mức lương trung bình của lao động hiện tại từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Tuy không cao nhưng công việc luôn ổn định, có thu nhập để lo cho gia đình. Nhờ đó mà nhiều phụ nữ không còn phải đi làm xa.

Bà Huỳnh Kim Liên - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Tri Tôn - nói: “Hội đánh giá cao mô hình trồng nấm mối đen của HTX Nông nghiệp Tà Đảnh. HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều chị em nông thôn. Hội luôn động viên và tạo điều kiện thuận lợi để HTX ngày càng phát triển, góp phần giải quyết công việc cho chị em, nhất là phụ nữ dân tộc Khơ Me ở vùng Bảy Núi”.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI