Tạo việc làm cho nhiều chị em từ rác

31/10/2024 - 06:18

PNO - Với mong muốn góp phần làm đẹp quê hương, tạo việc làm cho nhiều chị em, chị Phan Thị Lý - 40 tuổi, trú xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - đã vận động một số hộ gia đình thành lập hợp tác xã về môi trường, đầu tư nhiều thiết bị công nghệ để thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong vùng.

Làm sạch đẹp quê hương

Kiểm tra kỹ lưỡng dây chuyền sàng lọc rác trước khi lắp đặt, chị Lý cho biết, với dây chuyền mới này, rác sinh hoạt thu gom về sẽ được phân loại để tái chế hơn 30%, thay vì chỉ đốt và chôn lấp như trước. Không chỉ nâng cao hiệu quả xử lý rác thải, dây chuyền sàng lọc rác hiện đại còn giúp công việc của các nữ công nhân ở lò đốt rác đỡ vất vả hơn.

Là người “cuồng rác”, chị Lý cười bảo, chỉ mong góp phần làm đẹp quê hương. Năm 2012, chị Lý trở về quê hương sau gần chục năm đi xuất khẩu lao động. Những ngày đầu về quê, chị “phát ớn” vì rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. “Chồng tôi ở Nam Định, ngoài đó đường làng, ngõ xóm rất sạch vì từ lâu đã có xe chuyên dụng thu gom bài bản, xử lý bằng lò đốt. Trong khi ở quê mình thì rác vứt khắp nơi, nên khi về đây ở, tôi nói ý tưởng khởi nghiệp từ việc thu gom rác, anh ấy đồng ý ngay” - chị Lý kể.

Chị Phan Thị Lý kiểm tra dàn máy xử lý rác mới vừa đặt mua - ẢNH: PHAN NGỌC
Chị Phan Thị Lý kiểm tra dàn máy xử lý rác mới vừa đặt mua - ẢNH: PHAN NGỌC

Để thực hiện ý tưởng của mình, chị Lý vận động một số chị em trong vùng, thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ môi trường Tân Phát để thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Cương Gián. Đến tận nhà thu gom rác thải mang đi xử lý, việc làm của chị Lý được chính quyền và người dân đồng tình ủng hộ. Đường làng, ngõ xóm ở xã ven biển nhờ vậy mà ngày càng sạch đẹp.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm vận hành, chị Lý nhận ra: việc xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp như hiện tại chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng môi trường. Với trăn trở đó, chị ra quê chồng để tìm hiểu về công nghệ xử lý rác hiện đại bằng lò đốt Loshiho.

Năm 2016, chị đã cùng các thành viên HTX mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỉ đồng mua sắm thêm trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng phục vụ nhu cầu xử lý rác thải cho các xã lân cận. Đây cũng là HTX môi trường đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng công nghệ này.

Hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải của HTX ngày càng thêm quy củ, chuyên nghiệp sau khi được đầu tư thêm xe chở rác, xe chuyên dụng ép rác, lò đốt…

Đến nay, HTX đã được 8 xã ven biển ở huyện Nghi Xuân tin tưởng, ký hợp đồng thuê thu gom và xử lý khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt mỗi tháng. Theo chị Lý, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao nên lượng rác thải cũng ngày càng lớn, thêm vào đó là ý thức phân loại rác từ ban đầu của người dân chưa cao nên công nhân phải mất rất nhiều thời gian để phân loại và xử lý.

Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã Cương Gián, chị Lý thường tranh thủ các buổi họp, giao lưu để tuyên truyền thêm cho chị em về vai trò của việc phân loại rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, nữ giám đốc còn ra các tỉnh thành phía Bắc, sang Trung Quốc để tìm hiểu những công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Tạo việc làm ổn định cho chị em vùng biển

Sau nhiều tháng tìm hiểu, chị Lý quyết định đầu tư hơn 7 tỉ đồng để mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm dây chuyền xử lý rác. “Dây chuyền mới sẽ giúp công nhân sàng lọc rác trước khi xử lý. Sau sàng lọc, sẽ chỉ còn 40% rác phải đốt, gần 30% là bụi, xỉ sẽ được chôn lấp, số còn lại là rác thải tái chế sẽ được thu gom để giảm tác động đến môi trường” - chị Lý cho hay.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt của chị Lý hiện đang tạo việc làm ổn định cho 16 công nhân, đa phần là phụ nữ với mức lương từ 7-14 triệu đồng/tháng.

Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Tân Phát của chị Phan Thị Lý đã và đang tạo việc làm ổn định cho 16 lao động địa phương - ẢNH: PHAN LÝ
Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Tân Phát của chị Phan Thị Lý đã và đang tạo việc làm ổn định cho 16 lao động địa phương - ẢNH: PHAN LÝ

Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực môi trường, chị Phan Thị Lý hiện còn là Giám đốc HTX Thiên Phú - một HTX nổi tiếng về sản xuất nước mắm truyền thống và các sản phẩm hải sản ở huyện Nghi Xuân.

Mỗi năm đơn vị này sản xuất và cho ra thị trường hơn 40.000 lít nước mắm, chế biến và bán ra thị trường hàng chục tấn hải sản các loại. Là xã vùng biển, chị Lý mong muốn phát huy được tiềm năng, lợi thế và đặc biệt là “chắp cánh” cho những sản phẩm chủ lực của quê hương vươn tầm. Chỉ khi đó, chị em vùng biển mới có thể an cư, lạc nghiệp ngay trên quê hương.

Cùng lúc quản lý 2 HTX, nhưng chị Lý vẫn chưa “an phận”. Đầu năm 2023, chị tìm hiểu và đầu tư hơn 700 triệu đồng thử nghiệm nuôi cua biển trong hộp nhựa. Là người đầu tiên thử nghiệm mô hình này ở Hà Tĩnh, nhưng ngay năm đầu tiên chị đã thành công, mang về doanh thu hơn 500 triệu đồng.

Bước tiên phong này của chị không chỉ tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản mà còn đạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp - phát huy tài nguyên bản địa” do Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Xuân - cho biết, các mô hình làm ăn của chị Lý không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ vùng biển mà còn mở lối cho những hướng đi mới. “Chị Lý cũng rất tích cực trong các hoạt động hội. Nhiều phụ nữ trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm nuôi cua trong hộp nhựa cũng được chị Lý nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm” - bà nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI