Năm 2017, nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên thu hút sự chú ý của truyền thông khi thực hiện triển lãm ảnh khoả thân Tạo tác. Anh cũng là người đầu tiên được cấp phép triển lãm ảnh nghệ thuật khoả thân tại Việt Nam.
Sau 3 năm Tạo tác 1 trình làng, Hạo Nhiên trở lại với Tạo tác 2 trong tâm thế của một người chẳng mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ.
Nếu lúc trước, Tạo tác 1 có phần bỡ ngỡ, rụt rè vì là lần đầu thì giờ đây, Tạo tác 2 với 39 bức ảnh là cuộc chơi có phần bứt phá của Hạo Nhiên.
|
Nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên |
Phóng viên: Nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên với Tạo tác 2, có những điều gì khác so với lần triển lãm ảnh khoả thân đầu tiên của anh vào năm 2017?
Nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên: Triển lãm Tạo tác 2 của tôi có nhiều ý tưởng hơn khi tiếp tục khai thác những đường nét trên cơ thể của người phụ nữ. Hình ảnh được giới thiệu trong triển lãm lần này cũng có chiều sâu hơn và phóng khoáng hơn.
* Phải chăng đã có một tác động nào đó từ cuộc sống thường nhật dẫn đến những thay đổi này?
- Cuộc sống của tôi vẫn thế nhưng giống nhiều người khác, tôi cũng đã phải làm quen với nhịp sống trong đợt dịch COVID-19. Khoảng 2 năm trước, chỉ khi nào có cảm hứng hoặc thật sự rảnh rỗi, tôi mới nghĩ ý tưởng để chụp vì phần thời gian còn lại, tôi dành cho việc mưu sinh.
Nhưng từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh xuất hiện và phải thực hiện những đợt cách ly toàn xã hội, từ bên trong tôi, nguồn cảm xúc mạnh mẽ, thúc đẩy tôi thực hiện các bộ hình. Tôi nghĩ đó là cách mà bản thân phản kháng trước cảm giác bị tù túng, bí bách mà có lẽ những người quen với cuộc sống nhộn nhịp đều phải vượt qua. Hơn 50% ảnh đăng trong sách đợt này được tôi chụp trong thời gian cách ly.
* Có phải hình ảnh người mẫu kẹt trong những vòng xích, bị bủa vây bởi những sợi dây của anh thể hiện cho sự bí bách đó?
- Một số hình ảnh mà mọi người nhìn thấy không nên hiểu theo nghĩa tôi muốn trói buộc, đẩy phụ nữ vào trong những tình huống đòi hỏi sự phản kháng, giải thoát mà tôi mượn vóc dáng của họ để thể hiện cho thứ cảm xúc bên trong mình. Có lẽ dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi và mọi người khá nhiều.
Tuy nhiên, ngay trong chính những hình ảnh có màu sắc, ý tưởng hơi tối thì nhìn rộng ra, vẫn có những khoảng sáng nhất định. Tôi mong người xem sẽ thấy cả những khoảng tối, sáng để hiểu được thông điệp mà tôi muốn gửi gắm rằng nếu hôm nay trời có tối đen thì ngày mai, lại là một ngày sáng.
* Tạo tác 2 không còn là cuộc chơi đơn thuần của đường nét, dáng hình người phụ nữ mà anh đưa vào đó nhiều ẩn ý. Khoảng thời gian khó khăn dịch bệnh đã tác động đến anh, hay còn những tác động nào khác?
- Tới tuổi của tôi, mọi sự việc, sự vật đều được nhìn ở những góc đa diện hơn. Ở phía sau hay dưới chân của mỗi người luôn có một cái bóng, hoặc ở sau một gương mặt ta thường thấy vẫn tồn tại những gương mặt khác. Trong ai cũng có phần tối và phần sáng, tất cả đều không rõ ràng.
Tôi không tự làm khó mình, buộc bản thân phải nhìn thấu đáo mọi vấn đề mà đến một giai đoạn, sự trải nghiệm không cho phép bản thân nhìn mọi thứ quá đơn giản. Đôi khi sự phức tạp, mơ hồ của cuộc đời khiến tôi cảm thấy phiền toái nhưng nhiều lúc, điều đó lại làm bản thân thấy thú vị.
Trong triển lãm lần này, tôi thích những biểu tượng hình tròn. Nó biểu trưng cho vòng thời gian của cuộc đời. Những lúc thất bại, thất vọng, tôi lại nghĩ về biểu tượng vòng thời gian và nhận ra, mọi thứ đang dịch chuyển và cuộc sống vẫn đang đi về phía trước, nghĩ thế để có động lực bước tiếp.
* Trong các bức ảnh triển lãm đợt 2, một lần nữa những người phụ nữ trẻ, đẹp lại xuất hiện. Với anh, phải chăng vẻ đẹp chỉ ở sự hoàn mỹ, tươi mới?
- Tôi sẽ xem câu hỏi của bạn như một lời khen bởi những người mẫu của tôi, họ không sở hữu ngoại hình hơn người. Họ là phụ nữ bình thường như bao người bình thường khác trong cuộc sống. Nếu nhìn thấy họ ở ngoài, có thể mọi người sẽ bất ngờ khi tôi nói đó là người mẫu của mình.
Tôi tìm cách chụp họ ở những góc đẹp, để những người phụ nữ bình thường nhất cảm thấy bản thân họ cũng là một tạo tác của cuộc sống.
Trong Tạo tác 2, có 10 người mẫu hỗ trợ tôi thực hiện toàn bộ dự án. Họ không phải là diễn viên múa nên những hình ảnh, động tác mà bạn thấy là do tôi hướng dẫn. Tôi từng là giáo viên dạy múa, có nhiều năm hoạt động với vai trò vũ công.
* Về việc cấp phép triển lãm ảnh khoả thân, so với Tạo tác 1, có những khó khăn nào anh phải đối mặt khi lần 2, nhìn chung các tác phẩm đã phóng khoáng hơn?
- Không phải ảnh của tôi phóng khoáng hơn hay không, cũng không phải kiểm duyệt đã khó hay dễ mà với ảnh khoả thân, nên đặt yếu tố nghệ thuật thuần tuý lên hàng đầu.
Khi xác định được mục đích sáng tạo, tôi cứ thế mà đi. Trong quá trình làm việc hay khi đã thực hiện xong, tôi tìm gặp nhiều người có thẩm mỹ, kinh nghiệm trong giới ảnh nghệ thuật để biết được đâu là giới hạn, đâu là không gian cho bản thân sáng tạo. Đây là quá trình tự kiểm duyệt của tôi trước khi đưa tranh đi xin cấp phép. Lần 2 thực hiện nên tôi cũng đã có kinh nghiệm, thành ra toàn bộ ảnh mang đi đều được cấp phép.
Tạo tác 2 trưng bày 39 bức ảnh, ít hơn Tạo tác 1 (50 bức) nhưng về số lượng sách in lại gấp 3. Ở tập sách ảnh lần này, mọi người có một số ý kiến khi thấy giá bán là 5 triệu đồng.
Theo tôi, giá rẻ hay đắt tuỳ vào người cảm nhận. Đối với những người đã thích, họ cho đó là rẻ. Còn với những ai vẫn còn hồ nghi, thì với họ, đó là một mức giá cao. Nghệ thuật là vô giá, những con số đơn thuần khiến người nhìn thấy có thể giật mình nhưng nếu họ đã yêu, thì tất cả đều trở nên hợp lý.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Triển lãm ảnh Tạo tác 2 khai mạc vào lúc 16 giờ, ngày 11/11 tại Hội Mỹ thuật TPHCM, 218A Pasteur, phường 6, quận 3. Triển lãm diễn ra từ 11 – 18/11.
Một số ảnh sẽ được trưng bày tại triển lãm:
Ảnh: NVCC Diễm Mi