Tạo sức hút cho chợ truyền thống, cách nào?

10/08/2023 - 06:14

PNO - Các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch đã hiến kế duy trì, tạo sức hút để chợ truyền thống phát triển tương xứng tiềm năng.

Đưa chợ vào tour du lịch

Chợ truyền thống là một trong những tài nguyên du lịch độc đáo, có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm du lịch đặc sắc, bởi khi vào chợ, du khách có cơ hội tương tác, giao tiếp với người dân và trải nghiệm những nét sinh hoạt, giao thương truyền thống của người Việt. Chợ truyền thống cũng góp phần kích thích nhu cầu chi tiêu của khách du lịch.

Theo khảo sát của Công ty Roland Berger - 1 trong 3 tập đoàn tư vấn lớn trên thế giới, đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 - chợ là điểm mua sắm thú vị và được du khách ưu tiên chọn lựa. Trong thời gian tới, Sở Du lịch TPHCM sẽ phối hợp UBND các quận, huyện, doanh nghiệp và chuyên gia du lịch xây dựng các tour có chương trình tham quan chợ truyền thống, tổ chức chợ đêm, chợ ẩm thực…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa  - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM

Chợ là sản phẩm du lịch cộng đồng

Ở khía cạnh xã hội học du lịch, chợ truyền thống là một kiểu làm du lịch cộng đồng. Người ta đến một chợ nào đó không chỉ để mua hàng mà còn để giải trí, giao tiếp, tức là chợ vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội, thể hiện nét văn hóa rất đậm nét của địa phương nơi đó. Giữa thủ đô Paris của Pháp, vẫn có khu chợ quê, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

Muốn chợ trở thành sản phẩm du lịch, phải tiếp cận từ góc độ văn hóa. Ngoài các thiết chế chính thức như quy định pháp luật, cần các thiết chế phi chính thức để duy trì chợ truyền thống. Du lịch cộng đồng của Việt Nam chưa phát triển là do cách tiếp cận ban đầu sai. Việt Nam quản lý nhà nước nói chung và quản lý du lịch nói riêng theo cách áp đặt từ trên xuống những cái không phù hợp với đặc điểm địa phương, vùng miền cũng như mong muốn của người dân. Điều này làm mất đi nét đặc trưng khiến du lịch không phát triển được. Ví dụ như, theo truyền thống, chợ tình Sa Pa diễn ra mỗi năm 1 lần, buộc các đôi trai gái phải chờ đợi, háo hức, còn khi phát triển thành sản phẩm du lịch, cho diễn ra thường xuyên thì còn đâu là chợ tình nữa.

Ở TPHCM, tôi thấy các chợ Bến Thành, Bình Tây, Tân Định dần mất đi nét đặc trưng, chợ Bà Hoa còn giữ được những nét riêng nên vẫn thu hút khá đông du khách. Cần đầu tư để chợ duy trì những nét riêng, không đâu có. Yếu tố để chợ truyền thống trở thành sản phẩm du lịch chính là bảo đảm những điều kiện để nó tồn tại. Các chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long teo tóp dần là do các điều kiện để tồn tại đã mất, như ghe thuyền ngày càng ít được dùng để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Chợ phải thu hút được sự tham gia của người dân mới trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng. Nhà nước chỉ nên bảo đảm các điều kiện để chợ truyền thống tồn tại, phát triển trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm các thiết chế cần thiết cho chợ truyền thống tồn tại. Du lịch cộng đồng là sản phẩm do người dân trực tiếp tạo ra chứ không phải do áp đặt.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Mai - Trưởng bộ môn xã hội học, Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Tôn Đức Thắng

Cần chuẩn hóa về tổ chức, giao thông, vệ sinh

Chợ truyền thống là nơi tiêu thụ hàng tươi sống rất tốt và linh động. Tuy nhiên, với sự xuất hiện dày đặc của các kênh bán hàng như online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thị phần của chợ truyền thống mất dần. Đối tượng vào chợ truyền thống thường từ 40 tuổi trở lên. Trong tương lai, chợ truyền thống ngày càng không phù hợp với đối tượng tiêu dùng mới. Để chợ truyền thống tồn tại, cần chuẩn hóa về tổ chức, giao thông, nâng cấp hạ tầng cống thoát nước, nhà vệ sinh. Chợ phải tạo thuận lợi tối đa cho người mua thì mới có khách hàng, từ đó mới tồn tại.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế

Đào tạo, tập huấn cho thương nhân

TPHCM hiện có 231 chợ truyền thống, đa số được hình thành trước năm 1975 và trước khi có các quy định của pháp luật về cơ chế tổ chức và quản lý chợ. Do đó, cơ sở hạ tầng của các chợ hầu hết xuống cấp và không phù hợp với nhiều tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến chợ. 

Bên cạnh đó, các chợ truyền thống chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các kênh phân phối khác. Xung quanh các chợ, có nhiều điểm kinh doanh tự phát, hoạt động hết sức phức tạp, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của chợ và tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với thương nhân trong chợ. 

Mạng lưới chợ truyền thống đang bị yếu thế so với các loại hình kinh doanh khác. Tuy nhiên, chợ vẫn là nơi đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân, nhất là các nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, cần có các giải pháp mang tính toàn diện để gia tăng hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh cho các chợ truyền thống.

Thời gian qua, Sở Công Thương và các sở, ngành có liên quan đã tham mưu UBND TPHCM ra các văn bản hướng dẫn cho các địa phương nâng cấp, sửa chữa chợ truyền thống. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ truyền thống, sở đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho thương nhân các chợ. Hiện sở đang phối hợp nghiên cứu, xây dựng đề án “Phát triển hệ thống chợ tại TPHCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế”, trong đó sẽ đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống chợ trong thời gian tới. 

Ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương TPHCM

Chợ là nơi thể hiện sống động văn hóa địa phương

Lang thang ở chợ dường như là một cái thú rất tinh tế trong cuộc sống, dù là ở phương Đông hay phương Tây. Với tôi, đó không chỉ là nơi thuận mua vừa bán mà còn là nơi kết nối xã hội, thể hiện bản thân. Những đặc trưng về văn hóa, tôn giáo cũng thể hiện rất rõ trong chợ.

Tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) trưng bày hàng hóa đẹp mắt để thu hút khách - ẢNH: THU LÊ
Tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6, TPHCM) trưng bày hàng hóa đẹp mắt để thu hút khách - Ảnh: Thu Lê

Có thể tìm thấy trong chợ những gì diễn ra trong cuộc sống thường nhật của con người khắp mọi nơi. Từ ngàn xưa, ở sát bên chợ hay các thương điếm là những dịch vụ khác phục vụ nhu cầu của con người như cắt tóc, tắm gội, gửi thư tín, chỗ nghỉ chân cho cả con người và súc vật, nơi thờ cúng… Hiện nay, vẫn còn nhiều chợ kiểu như vậy dọc theo con đường tơ lụa, con đường gia vị.

Những chợ gia vị, chợ bán thảm dệt, chợ đồ thủy tinh, đồ thủ công mỹ nghệ, chợ chuyên biệt cho những thứ đặc sản vùng miền, chợ quê, chợ phiên… là nơi giao thương không thể thiếu được trong quá trình phát triển của từng vùng đất. Tôi đặc biệt thích sự đa dạng văn hóa qua những loại chợ như vậy, và luôn tìm được cách thức chung để giao tế cho dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, ẩm thực, thói quen…

Cho dù ngày nay, có siêu thị, có chợ online, nhưng chợ truyền thống vẫn tồn tại song hành. Tôi rất thích các loại chợ và không bao giờ chán, thất vọng khi khám phá con người ở các khu chợ.

Nhà du khảo quốc tế Hồ Thảo

Quốc Ngọc - Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI