Vùng đất giàu tiềm năng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, hội nghị mang ba ý nghĩa: thực hiện kế hoạch hành động của Đảng bộ TPHCM; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri TPHCM, đặc biệt là cử tri huyện Hóc Môn và Củ Chi; tạo cơ hội cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế TPHCM. Thông điệp của hội nghị xúc tiến đầu tư này là “nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm phải đến nơi đến chốn”. Ông hy vọng, các dự án có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội sẽ góp phần phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
Đánh giá tiềm năng của Củ Chi, Hóc Môn như là “của để dành” của TPHCM, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM - cho biết hai huyện có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía bắc - tây bắc của TPHCM, là cửa ngõ kết nối với các đô thị Đức Hòa (tỉnh Long An), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo ban ngành Trung ương và TPHCM xem bản đồ quy hoạch phát triển hai huyện Hóc Môn và Củ Chi - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, khu vực phía tây bắc này được định hướng phát triển thành khu đô thị hiện đại, thông minh, hài hòa, đáp ứng và nâng cao đời sống người dân, có không gian văn hóa đặc trưng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện môi trường, đô thị sinh thái, quan tâm bảo tồn các làng nghề thủ công, truyền thống, đào tạo nhân lực trẻ.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết sở đã và đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm, mang tính kết nối vùng và tạo động lực phát triển cho khu vực tây bắc. Trong đó, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ tạo sức bật cho Củ Chi, Hóc Môn, chia sẻ đáng kể áp lực giao thông cho Quốc lộ 22 hiện đang quá tải, xuống cấp. Đường cao tốc này là tuyến giao thông hết sức quan trọng, tạo đà giao thương, phát triển mạnh mẽ cho toàn khu vực tây bắc, tạo sự kết nối từ hướng Campuchia, Tây Ninh đi qua Củ Chi, Hóc Môn về trung tâm TPHCM.
Theo ông Trần Quang Lâm, TPHCM đang chuẩn bị khởi công đường Vành Đai 3, nỗ lực hoàn thành đường Vành Đai 2 và khởi động dự án đường Vành Đai 4, tuyến metro số 2. Các dự án này tạo động lực cho hướng tây bắc TPHCM phát triển. Ngoài ra, có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi để phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng. Các dự án giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trên sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án đầu tư.
Nhà đầu tư mong mở rộng quy mô dự án
Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hào hứng với các dự án được mời gọi đầu tư. Đại diện Quỹ đầu tư CMIA - ông Ken Chan - thông tin về dự án “Đô thị sinh thái nông nghiệp thực phẩm công nghệ cao” tại xã Trung An, H.Củ Chi. Dự án này đã được nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát từ năm 2018 với diện tích hơn 1.000ha. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300ha), khu logistics kết nối vùng nguyên vật liệu Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, chế biến nông sản, thực phẩm khép kín.
Ông Ken Chan cho hay, khu đô thị sinh thái gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái sẽ đáp ứng mức dân số 100.000 người là các chuyên gia, công nhân lao động và dân cư trong vùng, tạo ra doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ USD và tạo việc làm ổn định cho hơn 50.000 người. Ông tin rằng, dự án này sẽ mang lại động lực phát triển cho TPHCM nói chung và H.Củ Chi nói riêng, đặc biệt là giai đoạn sau đại dịch COVID-19, đồng thời là dự án khởi đầu cho đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam.
Công ty Goodlife Holdings (thành viên của TLK Group) đến từ Nhật Bản đã đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM với số vốn 5 triệu USD từ năm 2009. Hiện nay doanh thu của công ty vào khoảng 5 triệu USD/năm và thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ và châu Âu. Dự kiến, doanh thu sẽ đạt khoảng 10 triệu USD vào năm 2023 sau khi dự án nhà máy chế biến trái cây chính thức đi vào hoạt động. Không những vậy, công ty còn kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp từ 5-10 lần nếu Goodlife Holdings mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm 5 triệu USD để mở rộng nhà máy chế biến, sản xuất các sản phẩm từ trái cây, góp phần đưa các sản phẩm từ nông sản của Việt Nam ra thế giới, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của H.Củ Chi và TPHCM. Công ty Goodlife Holdings kiến nghị được giao thêm đất để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn, một trong những nhà đầu tư lớn vào H.Củ Chi hiện nay - cho biết doanh nghiệp đã lấp đầy 90% khu công nghiệp Tân Phú Trung. Ông mong muốn mở rộng thêm 500ha nữa để tập trung công nghiệp sạch, thực hiện các dự án giáo dục, đào tạo để tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội. Ông cam kết trong tháng tới, sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội quy mô lớn với 40.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico - cũng hy vọng sớm triển khai các dự án khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái tại H.Hóc Môn. Savico cam kết tài trợ 280 căn nhà, hai trường mẫu giáo, 10.000 thẻ bảo hiểm y tế, 1.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên của hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Công ty Mobifone cũng trao tặng 100 căn nhà cho hai huyện, nâng tổng số căn nhà được các nhà đầu tư cam kết tặng hai huyện lên 1.000 căn.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Trung ương và TPHCM xem các sản phẩm nông nghiệp của H.Hóc Môn được trưng bày tại hội nghị |
Ví Hóc Môn, Củ Chi như con rồng đang ngủ bên cạnh phần còn lại rất sôi động của TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt với hai huyện vốn là cái nôi cách mạng. Chủ tịch nước đánh giá cao các nhà đầu tư không chỉ về kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao mà cả về xử lý rác, xây nhà ở xã hội. Ông cho rằng, đối với các cam kết đầu tư, quá trình triển khai cần phù hợp quy hoạch được phê duyệt, các quy hoạch lỗi thời cần được điều chỉnh, bổ sung một cách minh bạch, phù hợp quy định luật pháp, nói không với tiêu cực, tham nhũng.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Trung ương, TPHCM trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư tại hội nghị |
Mời gọi đầu tư 55 dự án Thông qua hội nghị, chính quyền TPHCM mời gọi đầu tư 55 dự án ở huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 12,414 tỷ USD, tương đương 285,524 ngàn tỷ đồng. Trong đó, 18 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi 12,301 tỷ USD, tương đương 282,929 ngàn tỷ đồng, 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng, ba dự án công nghiệp, 16 dự án nông nghiệp, hai dự án thương mại, dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và bốn dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao. Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo UBND TPHCM và các huyện đã tổ chức trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD, tương đương 8.489 tỷ đồng và 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD, tương đương 381.160 tỷ đồng. |
Phương Thanh - Tuyết Dân