Táo Pháp bán ở siêu thị rẻ hơn cửa hàng trái cây đến 150.000 đồng/kg

16/02/2017 - 11:34

PNO - Giá trái cây nhập tại siêu thị và chợ chênh lệch vài chục, thậm chí vài trăm nghìn mỗi kg là do: “Nguồn hàng nhập về cửa hàng chọn đầu tiên, còn bao nhiêu sẽ đẩy vào siêu thị”, chủ một cửa hàng bán trái cây ngoại nói.

Tại hệ thống siêu thị của Big C, đặc điểm chung dễ nhận thấy là hầu hết các siêu thị này đều có gian hàng dành riêng cho các loại trái cây nhập ngoại với giá “siêu rẻ”, được bày bán bắt mắt ngay lối ra vào cửa. 

Vì sao trái cây ngoại lại có giá rẻ…ngang trái cây nội, trong khi hình thức và chất lượng lại bắt mắt hơn?

Táo Pháp siêu thị bán 40.000 đồng/kg, cửa hàng giá hơn 200.000 đồng

Tại Big C Miền Đông (quận 10), siêu thị này dành riêng một gian lớn cho việc trưng bày các sản phẩm trái cây nhập ngoại, bao gồm táo, cam, lê và nho có xuất xứ từ các quốc gia khác nhau. Có nho, táo  Nam Phi, táo Pháp, Mỹ, cherry Mỹ, Australia… Ngay cả cam là loại trái cây vốn "thừa mứa" tại Việt Nam nhưng cũng được nhập từ nhiều nước Mỹ, Australia và cả Ai Cập.

Khá nhiều người thấy loại cam này đã tò mò và mua thử về ăn.

Tao Phap ban o sieu thi re hon cua hang trai cay den 150.000 dong/kg
Trái cây ngoại được bày bán bắt mắt tại hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Dạ Lan

Đặc biệt, giá nhiều loại trái cây nhập ngoại từ giáp Tết đến nay lại rẻ không ngờ. Số lượng nhiều nhất và giá rẻ nhất là các loại táo. Táo Gala đỏ, có xuất xứ  Pháp có giá chỉ 40.000 đồng/kg. Với loại táo Gala đỏ xuất xứ Mỹ lại có nhiều mức giá, từ 60.000-80.000 đồng/kg, dù nhìn hình thức, kích thước sản phẩm không khác biệt nhau nhiều, 

Các loại khác như cam Ai Cập, lê Hàn Quốc được đổ đống lớn và bán giảm giá chỉ 69.900 đồng/kg, nho đen không hạt Nam Phi có giá 149.000 đồng/kg.

Tại một trong những địa điểm nhập trái cây ngoại có tiếng có tên HP.F trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chủ kinh doanh tại cửa hàng này cho biết cửa hàng chị bán rất nhiều loại trái cây ngoại, nhập từ nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nam Phi,…

Loại trái cây đắt tiền nhất tại cửa hàng này là cherry với giá 550.000 đồng/kg, rẻ nhất là nho Nam Phi giá 170.000 đồng/kg. Tại cửa hàng này, táo Gala Pháp có giá 190.000/kg với loại size nhỏ và 220.000 đồng/kg với loại size lớn hơn.

Nếu so với giá bán tại siêu thị Big C thì giá các loại trái cây nhập ngoại tại cửa hàng này đang cao hơn rất nhiều. Như nho Nam Phi hiện bán tại siêu thị Big C có giá rẻ hơn cửa hàng này 20.000 đồng/kg, táo Gala chênh nhau đến 110.000 đồng/kg. Các loại dâu tây hay lê Hàn Quốc có khi chênh nhau đến mấy trăm nghìn đồng/kg.

Siêu thị bán rẻ vì cửa hàng đã chọn hết loại tốt?

“Trái cây ngoại cũng theo mùa như trái cây Việt. Vào đúng mùa thì giá mềm chút xíu chứ trái mùa giá cực kỳ 'chát’. Nếu tính cả chi phí vận chuyển, bảo quản thì khó có giá rẻ hơn hoặc ngang bằng với hàng trong nước không thể có giá, chủ cửa hàng nói.

Chủ cửa hàng này lý giải chuyện trái cây ngoại tại cửa hàng và siêu thị có mức giá chênh lệch nhau quá lớn, từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng/kg là do... hàng nhập về các shop trái cây, đại lý cấp 1 sẽ lựa, và ưu tiên lựa chọn những quả ngon, tươi nhất, giá cao hơn. Phần hàng còn lại sẽ được chuyển về tại các siêu thị với giá rẻ, bán ưu đãi cho người dân. Thậm chí có thời điểm giá bán của siêu thị chỉ bằng với giá nhập, mục đích để kích cầu mua sắm.

"Không phải người dân vào siêu thị để mua duy nhất một mặt hàng là trái cây, nên  siêu thị bán rẻ hơn để kích cầu mua sắm chung. Mặc khác, siêu thị bán với số lượng lớn, không tránh khỏi hàng để lâu ngày phải xả hàng, giảm giá sâu để tránh hết hạn sử dụng. 

Nhiều khách hàng không biết, phàn nàn vì sao hàng của tôi bán đắt hơn hẳn siêu thị. Nhưng khi biết được chất lượng và mua so sánh thì đều an tâm và đặt hàng thường xuyên",  chủ cửa hàng khẳng định.

Tao Phap ban o sieu thi re hon cua hang trai cay den 150.000 dong/kg
Nửa kg dâu tây có xuất xứ Hàn Quốc có giá hơn 200.000 đồng tại cửa hàng trái cây ngoại. Ảnh: Dạ Lan

Các chủ cửa hàng trái cây ngoại đều khẳng định hàng nhập về có đủ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng có mã vạch, có chứng nhận của nhà nhập khẩu, khách mua có thể tự kiểm tra trên phần mềm chuyên dụng của điện thoại thông minh. Khi quét, mã vạch sẽ hiển thị đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, giá cả và hạn sử dụng. Tuy nhiên, khi hỏi mã vạch của táo, lê để truy xuất nguồn gốc thì không hàng nào đưa ra được.

“Táo, cam, và lê thường sẽ không có mã vạch trên từng trái mà thường sẽ có mã bên ngoài thùng, hộp, còn hầu hết các loại trái cây khác đều có mã vạch để kiểm tra”, chủ một cửa hàng gần chợ Tân Định giải thích.

Chị này còn cho biết, trái cây nhập có loại bảo quản được vài tháng. Hầu hết trái cây tại cửa hàng đều không được trưng bày mà được nằm nguyên trong hộp và bọc kĩ để giữ tươi lâu hơn.

“Táo có thể bảo quản được tới 6 tháng trong tủ lanh. Nho đen Nam Phi , nho Mỹ thời gian bảo quản ngắn chỉ bị héo phần cuốn, trái vẫn cứng và giòn nên khách quen biết hàng thì vẫn mua”, chủ cửa hàng này tiết lộ.

Đặc biệt, theo một chủ hàng tại chợ Bến Thành, dù là người bán trái cây ngoại khá lâu năm, chị cũng không thể nào xác định được nguồn gốc chính xác các loại trái cây ngoại bày bán tại chợ hoặc siêu thị. Hầu hết chỉ có thể tin vào thông tin được nơi bán cung cấp. Ví dụ như táo, trên thị trường có quá nhiều loại, nhập từ nhiều quốc gia, chỉ có thể tin vào mức giá! 

Dạ Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI