Tạo nguồn kỹ sư vi mạch từ đội ngũ sẵn có

20/07/2024 - 06:57

PNO - Việt Nam không nhất thiết phải quá chú trọng vào việc xây dựng ngành học hoàn toàn mới mà giải pháp tối ưu là tận dụng những ngành kỹ thuật truyền thống và ứng dụng nó một cách khéo léo để phát triển nguồn nhân lực tương lai cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Năm 1979, Nhà máy Z181 được thành lập dưới tên gọi “Nhà máy bán dẫn Việt Nam” với sự đầu tư đồng bộ các dây chuyền công nghệ để nghiên cứu, sản xuất vật liệu và các linh kiện bán dẫn điện tử. Đầu năm 2008, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TPHCM cho ra mắt con chip vi xử lý “made in Vietnam”.

Đầu những năm 2000, Tập đoàn Intel đặt nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại khu công nghệ cao TPHCM. Cùng thời điểm, Đại học Quốc gia TPHCM đã thành lập Trung tâm Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) và phòng thí nghiệm công nghệ nano (nay là Viện Công nghệ nano).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2022, Tập đoàn FPT công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm internet vạn vật (IoT). Năm 2023, Tập đoàn Viettel công bố nghiên cứu thành công chip 5G.

Từ năm 2010, Chính phủ đã bổ sung vi mạch bán dẫn vào danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Năm 2012, vi mạch được xác định là sản phẩm quốc gia...

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn và 635 công bố quốc tế liên quan đến vi mạch. Một số trường đại học cũng đã đào tạo các ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn và hiện nay, có 5.000 kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Có thể thấy, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đã có nền móng từ sớm và vẫn được duy trì xuyên suốt hơn 40 năm qua. Nhưng, phải đến năm 2023, Việt Nam mới có cơ hội rõ rệt để phát triển ngành này.

Chính phủ xác định, đào tạo nguồn nhân lực là 1 trong 5 trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ cũng nêu chỉ tiêu đến năm 2030, đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, chuyên gia ngành này.

Thế nhưng, nếu các trường đại học tăng cường đào tạo bắt đầu từ năm học này thì phải đến năm 2029, mới có lứa kỹ sư thiết kế vi mạch đầu tiên. Do đó, đào tạo ngắn hạn, nâng cao, chuyển đổi từ các ngành gần, ngành phù hợp sang ngành công nghiệp bán dẫn là phương án khả thi để giải bài toán nhân lực ngành bán dẫn.

Có thể liên tục tuyển sinh, tăng tốc đào tạo, nhưng muốn thu hút được người học, cần cho họ thấy được cơ hội việc làm cũng như mức thu nhập hấp dẫn. Việt Nam cần tạo môi trường làm việc, nghiên cứu thuận lợi để mời gọi các kỹ sư, chuyên gia người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài trở về, chung tay xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn cho đất nước. Đây cũng là một yếu tố thu hút học sinh, sinh viên lựa chọn ngành học này.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục nói chung, các đơn vị đào tạo nói riêng cần làm tốt công tác truyền thông để học sinh phổ thông hiểu vai trò, vị trí, tính linh động trong đào tạo chuyển đổi, đào tạo nâng cao cũng như cơ hội việc làm của các ngành khoa học cơ bản.

Viết đến đây, tôi nhớ lại lời tư vấn rất chí lý của giáo sư George Chiu (Đại học Purdue, Mỹ), rằng công nghiệp bán dẫn là tổ hợp của rất nhiều ngành kỹ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống; Việt Nam không nhất thiết phải quá chú trọng vào việc xây dựng ngành học hoàn toàn mới mà giải pháp tối ưu là tận dụng những ngành kỹ thuật truyền thống và ứng dụng nó một cách khéo léo để phát triển nguồn nhân lực tương lai cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI