PNO - Vừa qua, bảy ngân hàng đã chính thức công bố ra mắt thẻ chip nội địa để thay cho thẻ từ. Thẻ được chuyển đổi ra sao, cách sử dụng thế nào, khách hàng có phải tốn phí chuyển đổi hay không?
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - cho biết, thẻ chip là thẻ ATM có gắn chip và sử dụng ứng dụng trên chip để thanh toán tại các thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS). Công nghệ thẻ chip ra đời nhằm nâng cao tính bảo mật trong giao dịch thẻ và phòng chống gian lận giao dịch; tuân thủ theo tiêu chuẩn EMV - viết tắt của Europay, MasterCard và Visa - ba tổ chức đã phát triển và thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho các giao dịch tín dụng và ghi nợ dựa trên công nghệ chip. Chuẩn EMV giúp tối đa hóa an ninh và khả năng tương tác toàn cầu.
Thẻ từ dễ bị đánh cắp thông tin và gian lận giao dịch, do toàn bộ dữ liệu thẻ, bao gồm số thẻ, ngày phát hành, mã dịch vụ (service code), giá trị xác thực thẻ (CVV) được lưu trữ cố định trên dải từ, dễ dàng nhìn thấy. Với thẻ chip, toàn bộ dữ liệu của thẻ được lưu cố định tại chip, khi thực hiện giao dịch sẽ tạo ra một chuỗi bảo mật (cryptogram) nhằm xác thực giao dịch hợp lệ, cryptogram này sẽ thay đổi theo mỗi giao dịch. Bên cạnh đó, thông qua bộ nhớ, thẻ chip có khả năng lưu trữ thông tin cá nhân, thông tin bảo hiểm, thông tin ứng dụng kết nối, mở rộng thanh toán tới các lĩnh vực, hướng tới việc trở thành chiếc thẻ đa năng trong tương lai.
Thẻ chip có hai loại: tiếp xúc và không tiếp xúc. Quy trình giao dịch của thẻ chip tiếp xúc gồm: đưa thẻ vào khe đọc chip, nhập số tiền giao dịch, xác nhận giao dịch bằng mã PIN. Đối với giao dịch thẻ chip theo phương thức xác thực mã PIN, khách hàng không cần ký vào biên lai giao dịch. Với thẻ không tiếp xúc, chủ thẻ chỉ cần chạm thẻ hoặc vẫy nhẹ thẻ lên máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ) để thanh toán nhanh, không cần nhập mã PIN, không cần ký vào biên lai giao dịch với các hóa đơn từ 1 triệu đồng trở xuống, thẻ có thể sử dụng được tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng ăn nhanh, phương tiện công cộng, bãi đỗ xe, điểm bán xăng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển sang thẻ chip cách đây vài năm. Theo số liệu của EMVCo, tính đến quý IV/2018, tỷ lệ giao dịch thẻ chip EMV card-present trên toàn cầu chiếm 73,6%. Thậm chí, một số quốc gia và vùng lãnh thổ “láng giềng” như Singapore, Malaysia, Đài Loan đã kết hợp thẻ chip với các tiện ích khác. “Nhìn chung, thẻ chip hạn chế được nguy cơ sao chép, đánh cắp thông tin để làm thẻ giả, rút tiền tại ATM. Tuy nhiên, nếu khách hàng lộ thông tin thẻ chip, kẻ gian vẫn có thể sử dụng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản” - ông Nguyễn Quang Minh cho hay.
Khách hàng buộc phải chuyển đổi thẻ
Ông Phạm Duy Hiếu - Quyền tổng giám đốc ABBank - cho biết, đến nay, ABBank đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống hiện hữu, cho phép phát hành và chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa theo chuẩn VCCS của Ngân hàng Nhà nước. Từ ngày 28/05/2019, ABBank đã phát hành chính thức thẻ chip nội địa ABBank Youcard đến các khách hàng và đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip trong năm 2020, trước thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước (ngày 31/12/2021). Về thủ tục chuyển đổi thẻ, ông Phạm Duy Hiếu cho biết, với khách hàng đang sử dụng các thẻ công nghệ thẻ từ, ngân hàng sẽ có lộ trình hỗ trợ để dần chuyển sang sử dụng thẻ chip.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank - cho biết, thủ tục chuyển đổi thẻ rất nhanh chóng, đơn giản. Khách hàng có thể tới bất kỳ chi nhánh, phòng giao dịch nào của VietinBank để làm lại thẻ. “Việc chuyển đổi thẻ chip là theo lộ trình và hạn định do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Do vậy trước ngày 31/12/2021, nếu khách hàng không chuyển đổi sang thẻ chip, ngân hàng sẽ không thể phục vụ các dịch vụ” - ông Lân nói.
Hiện Vietcombank cũng đang thí điểm phát hành và thanh toán thẻ ghi nợ nội địa chip không tiếp xúc Vietcombank Connect 24. “Vietcombank sẽ thông báo kế hoạch phát hành thẻ chip nội địa cho tất cả khách hàng mới và kế hoạch chuyển đổi thẻ cho các khách hàng hiện hữu trong thời gian sớm nhất” - lãnh đạo Vietcombank nói.
Tại Ngân hàng TPBank, khách hàng đăng ký mở thẻ chip nội địa có tích hợp chức năng contactless (thanh toán không tiếp xúc) ngay tại điểm giao dịch của TPBank. Thời gian để nhận thẻ sau khi đăng ký phát hành là 10 phút và có thể kích hoạt thẻ ngay lập tức. Hiện các máy POS/mPOS của TPBank đều đã chấp nhận tính năng contactless của thẻ TPBank và thẻ của các ngân hàng khác.
Mất phí hay không, tùy ngân hàng
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó tổng giám đốc Sacombank - khẳng định: “Việc chuyển đổi thẻ không ảnh hưởng hay gián đoạn các giao dịch thẻ của khách hàng. Các giao dịch trên thẻ từ trong thời gian Sacombank đang chuyển đổi sang thẻ chip vẫn giao dịch bình thường. Khi chúng tôi hoàn tất việc sản xuất thẻ chip cho khách hàng, khách hàng sẽ đến Sacombank nhận thẻ. Khi đó, Sacombank sẽ kích hoạt thẻ chip cho khách hàng để thẻ chip sẵn sàng sử dụng, đồng thời thanh lý thẻ từ mà khách hàng đang sử dụng. Khi sử dụng thẻ chip, giao dịch của khách hàng sẽ thuận tiện hơn. Đặc biệt, khách hàng không cần phải nhập mật mã hai lớp xác thực như thẻ từ”
Riêng về phí chuyển đổi, một số ngân hàng khẳng định sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho khách. Ông Phạm Duy Hiếu cho biết, để đầu tư cho một hệ thống thanh toán mới và hiện đại, ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho hạ tầng, hệ thống quản lý thẻ, hệ thống ATM, POS… Tuy nhiên, ngân hàng sẵn sàng đầu tư để mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng. Còn lãnh đạo VPBank cho hay, dù đang có khoảng 500 máy POS và khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp nhưng ngân hàng này khẳng định sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển đổi sang thẻ chip cho khách hàng.
Một số ngân hàng khác thì cho biết sẽ miễn phí chuyển đổi trong giai đoạn đầu. TPBank cho biết, sẽ có một số chương trình miễn phí cho khách hàng cũ trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Riêng ở Sacombank, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết, trong thời gian đầu triển khai, để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ chip nội địa, ngân hàng này sẽ không thay đổi phí phát hành và phí thường niên hay thu thêm phí khác liên quan đến việc sử dụng chip; chuyển đổi miễn phí cho nhóm khách hàng có doanh số giao dịch cao; tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích thích khách hàng giao dịch thẻ.
Cam đặc sản có giá từ 70.000-100.000 đồng/trái rụng hàng loạt trước tết khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm lo âu, không dám nhận tiền cọc đặt cam tết của khách hàng.
Finelife Foodstore Lumière An Phú - một thương hiệu thuộc sở hữu của Saigon Co.op vừa khai trương tại chung cư Lumière Riverside (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM).
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.