PNO - Ra riêng tạo lập gia đình hạt nhân là mong mỏi của bao cặp vợ chồng. Tuy nhiên, quá trình chia tách này không phải luôn suôn sẻ. Nhiều người đã chấp nhận để nỗi buồn, sự thất vọng của cha mẹ lại sau lưng.
Khái niệm gia đình hạt nhân (nuclear family, thường được gọi là gia đình nhỏ) được dùng nhiều ở Mỹ, nơi thuật ngữ này ra đời lần đầu vào năm 1955 bởi nhà xã hội học Talcott Parsons. Ngày nay, khi các cấu trúc gia đình đa dạng hơn xưa, mô hình gia đình hạt nhân vẫn thể hiện ưu thế trong nhịp sống công nghiệp, hiện đại.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Người trẻ thích tách, người già thích gộp
Với nhiều gia tộc, dòng họ, việc con cái kết hôn, tách ra lập gia đình riêng là bất khả, dù kinh tế của họ không hề eo hẹp. 32 tuổi, anh Trần Minh Đăng (TP Thủ Đức, TPHCM) quyết định cưới vợ gấp. Phân giải về lý do mời đám cưới, anh nói: “Tôi đã hơn 30 tuổi nhưng cha mẹ vẫn kiểm soát như đứa trẻ. Hễ tôi đi qua đêm thì ông bà không ngủ được vì lo lắng. Chị tôi và các cháu thì hạch hỏi lịch trình trong ngày của tôi, luôn bắt tôi giới thiệu bạn gái để “chấm điểm”. Biết gia đình sốt ruột, tôi đã quyết liệt yêu cầu: “Con chỉ cưới vợ với điều kiện được ra ngoài sống riêng. Cha mẹ tôi giận lắm, mắng tôi toan tính bỏ rơi họ. Tết vừa rồi, ông bà cao hứng gật đầu cho ra riêng nên tôi rủ bạn gái ra phường đăng ký kết hôn ngay. Cơ hội “thoát thân” tới, phải nắm lấy…”.
Người trẻ thời nào cũng có xu thế hướng ngoại, coi trọng quyền tự do, quyền được phát triển…; người già lại chú trọng giữ nền nếp, đạo đức, gia phong…, họ quan niệm “thêm người là thêm của”, con cái phải ở chung chăm sóc cha mẹ mới là hiếu thảo. Vì vậy, đương nhiên người trẻ thích sống tách, còn người già thích ở cùng con cháu.
Lớn lên trong gia đình gần chục người, Thanh Lan (26 tuổi, ở quận 4, TPHCM) ôm nỗi ấm ức: “Tôi ngột ngạt khi sống chung với 6 người già, gồm ông bà nội ngoại, cha mẹ. Một lần biết tôi ra phố Tây đi bar cùng nhóm bạn, cả nhà xối xả chỉ trích. Tôi có bạn trai nhưng không dám đi du lịch dài ngày. Thời nào rồi mà tôi còn bị quản như thế kỷ trước”.
Thanh Lan cho biết cô chỉ có 2 em gái nên gia đình vừa muốn cô làm tấm gương, làm đầu tàu cho các em vừa đặt sẵn vào tay Lan trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, ông bà và lo thờ cúng, hương khói. Nhiều lần Lan xin đi học xa, xin vào ở trong ký túc xá nhưng cha mẹ cô không chấp nhận. Sợ con “bay mất như vịt trời”, các vị phụ huynh đặt điều kiện: sau này nếu Lan có chồng, chồng Lan phải ở rể, hưởng tài sản là căn nhà hẻm và tất nhiên là lo cả việc thờ tự, chăm sóc cha mẹ.
“Tôi từng có bạn trai, vậy nhưng với yêu cầu “thêm người chứ không chấp nhận mất người” như vậy, chẳng anh nào chịu nổi” - Lan than thở.
Lợi thế nhỏ gọn, linh hoạt
Các nhà xã hội học định nghĩa gia đình hạt nhân chỉ 2 thế hệ, gồm chồng, vợ và những đứa con chưa kết hôn. Khi trưởng thành và kết hôn, những đứa trẻ rời khỏi nhà cha mẹ và thành lập gia đình riêng, tạo thành một gia đình hạt nhân mới.
Xã hội càng phát triển thì nhu cầu “ra riêng” càng cao. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng gia đình hạt nhân là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử và văn hóa cụ thể. Ví dụ, các gia đình hạt nhân Việt Nam hiện nay thường gồm 3-4 người, rất nhỏ gọn, linh hoạt, dễ thích ứng với các điều kiện sống. Đại đa số các gia đình hạt nhân có khởi nguồn từ các gia đình truyền thống ở nông thôn. Khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra khắp thế giới, công nhân trẻ rời các vùng quê, trang trại vào thành phố, thị trấn để làm việc.
Họ kết hôn, sinh con muộn hơn. Nhà xã hội học Talcott Parsons từng nhận xét rằng mô hình gia đình nhỏ đã thay thế dần mô hình đại gia đình vì nó phù hợp hơn với sự phát triển và nhu cầu của xã hội.
Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ở các thành phố công nghiệp, các khu đô thị mới, ta dễ dàng gặp các gia đình hạt nhân với hình ảnh quen thuộc là cặp vợ chồng trẻ và 1-2 đứa con nhỏ, đưa đón nhau trên chiếc xe máy mỗi sáng sớm và cuối ngày. Vì tính chất gọn ghẽ, ưu điểm của kiểu gia đình này là dễ tính toán các kế hoạch nơi ăn chốn ở, chuyện chi tiêu, học hành… Do ít người, các thành viên có điều kiện quan tâm, chăm sóc nhau, có thêm không gian thực hiện những điều mình yêu thích. Cha mẹ trong gia đình nhỏ được thể hiện tính độc lập, quyết đoán, không bị chi phối bởi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, cô dì chú bác… Quan hệ vợ chồng con cái thường bình đẳng hơn.
Tuy vậy, không có sự hỗ trợ của phụ huynh, người chủ gia đình hạt nhân (thường còn trẻ, chưa có kinh nghiệm sống) gặp không ít khó khăn trong thiết lập, vận hành, tổ chức cuộc sống. Hầu hết họ phải tự sắm nhà cửa, kiếm tiền trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học… Tự do đồng nghĩa với… tự lo, không thể dựa dẫm cha mẹ. Khi nghỉ thai sản, vợ anh Minh Đăng nhiều lần từ chối yêu cầu mang con về cho bà nội chăm sóc. Chị bàn với chồng: “Thà vợ chồng mình vất vả chứ em không muốn về nhà ông bà. 2 thế hệ với 2 cách nuôi con khác biệt, làm sao tránh va chạm”.
Không có ông bà giúp trông con, đón đưa trẻ, chợ búa, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… nhiều chị em đã phải đứt ruột bỏ ra một khoản tiền không nhỏ thuê mướn các dịch vụ phụ trợ. Rất nhiều bà mẹ công sở dù tốn tiền thuê người đón con, trông con mà vẫn ngay ngáy lo các nguy cơ khi con ở nhà với người giúp việc. Trong khi đó, nhiều ông bà còn khỏe có thể đón đưa, cơm nước, dạy cháu học hành… Thậm chí nhiều bà đảm nhận luôn việc nuôi cháu cho cha mẹ chúng.
Có một thực tế đáng buồn là quan hệ giữa cha mẹ - con cái trong nhiều gia đình hạt nhân không ấm áp như mong đợi. Cha mẹ phải tập trung kiếm tiền, chiếc ti vi và các thiết bị điện tử bỗng dưng “lên đời” thành “bảo mẫu công nghệ”, chi phối suy nghĩ, tư tưởng, hành vi của trẻ em. Các bé không nhận được kinh nghiệm và kỹ năng sống từ sự dạy bảo của ông bà, cô chú… như thời trước mà lại học chủ yếu từ YouTube và TikTok.
Chữ hiếu cũng nên... linh hoạt
Các nhà khoa học xã hội gọi đại gia đình từ 3 thế hệ chung sống dưới một mái nhà là extended family. Đây cũng là mô hình người lớn tuổi ưa thích vì không chỉ đông vui, gắn kết, các thành viên có thể giúp đỡ nhau mà còn dễ thiết lập nếp nhà, gìn giữ gia phong… Khi “hữu sự”, gia đình đông đúc với cảnh “mỗi người một tay” sẽ hơn hẳn gia đình neo người, con cháu ly tán.
Thật may, ngày càng nhiều phụ huynh mang tư tưởng hiện đại. Họ cho phép con đủ 18 tuổi thì rời nhà hoặc học xong đại học thì được ra riêng. Những người này xác định họ “về hưu để đi du lịch”, chơi thể thao, học điều mới mẻ. “Tôi nuôi con tôi, nó nuôi con nó”, họ không muốn sống cùng con dâu hay làm “bà ngoại bỉm sữa”, lọ mọ nuôi cháu nhỏ. Họ muốn con cái phải độc lập lèo lái gia đình và tự giải quyết các vấn đề. Có như thế mới là trưởng thành thực sự.
“Tôi có thể giúp giữ cháu khi cha mẹ chúng bận đột xuất chứ không làm ô-sin cho con” là lời khẳng định của bà Lan Chi (58 tuổi, cô ruột anh Minh Đăng). Theo bà Chi, có nhiều cách thể hiện tình yêu thương mà không nhất thiết phải sống chung. Ở gần thì cuối tuần con cháu về chơi với ông bà, ở xa thì tết hoặc hè gặp nhau cũng đủ. Hằng ngày, ông - bà - cháu có thể gọi video thăm hỏi nhau.
Bà Chi chính là người gợi ý anh trai và chị dâu bán căn nhà mặt tiền ở TP Thủ Đức để mua 3 căn chung cư trong một block nhà tại quận 11. Đại gia đình hiện được chia thành 3 hộ nhỏ: cha mẹ anh Đăng; gia đình chị gái anh Đăng và vợ chồng anh Đăng. Sống gần nhau, các gia đình hạt nhân có thể quan tâm giúp đỡ lẫn nhau ở mức vừa phải, cũng không mất đi sự tự do, bó buộc.
Gia phong, nền nếp thời nay có nhiều cách để gìn giữ và chữ hiếu chủ yếu nằm trong tư tưởng mỗi người. Tư tưởng tốt thì cá nhân sẽ biết cách chăm sóc, quan tâm tới cha mẹ. Không nên ràng con vào ngôi nhà cha mẹ bởi tài sản hay các trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, thờ cúng vì sớm muộn chúng cũng tìm cách bứt ra.
Các cô cậu trẻ bây giờ cưới xong mà chịu sinh con đẻ cái là mừng rồi! Không nhất thiết ở chung ,thỉnh thoảng ghé thăm 2 bên nội ngoại cũng tốt .Giờ nghe cái trào lưu cưới nhau nhưng không chịu đẻ, cứ để rảnh rỗi đi ngao du chơi bời cho nó sướng rồi mạnh miệng bảo rằng " đó là quyền tự do cá nhân". Ừ, thì ai cãi được, nhưng thấy lo thật sự nếu việc này trở thành trào lưu. Chỉ 2 người với nhau, thì dù có vui vẻ sung sướng đến mấy cũng đâu thể gọi là " gia đình ". Thế nên, bây giờ ai cưới mà chịu sinh con thì nên mừng và hãy thông cảm khi họ muốn tách ra để lo cho tổ ấm của riêng họ.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.