PNO - Nhiều ý kiến cho rằng đòi nợ thuê là bình thường và rất cần thiết trong một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, cần hạn chế mặt trái mang màu sắc “xã hội đen" của loại dịch vụ này.
Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM (số ra ngày 26/9) đưa tin UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân cũng như các ý kiến đa chiều của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Khi có tranh chấp liên quan đến nợ, các bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết, cơ quan thi hành án sẽ thực thi quyết định của tòa - Ảnh minh họa: Quốc Ngọc
Chủ nợ cũng bị biến thành nạn nhân
Từ trải nghiệm của mình, bà L.B.T. (ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể, công ty đòi nợ thuê thường dùng các chiêu trò bẩn khiến người đang mắc nợ mắc cỡ, bất an: “Họ thường huy động rất đông người - đa phần là các đối tượng xăm trổ - kéo đến nằm, ngồi ngay ở sảnh công ty khiến cả nhân viên lẫn khách đến giao dịch đều sợ”. Bà T. cho biết thêm, khi chủ nợ của bà ủy quyền hết cho công ty đòi nợ thuê, bà trả tiền cho phía dịch vụ đòi nợ và không thể biết họ có hoàn trả lại cho phía chủ nợ hay không.
Từng dính đến dịch vụ đòi nợ thuê, chị H.T.K. (ngụ tại Q.2, TP.HCM) cho biết thêm, các công ty đòi nợ thuê thường dùng “chiêu” bêu riếu con nợ trên mạng xã hội, dùng loa phát inh ỏi, căng băng-rôn trước nhà hoặc công ty, thậm chí tạt sơn, mắm thối, chất thải dơ bẩn, đập phá, hủy hoại tài sản… nhằm khủng bố tinh thần con nợ. Theo chị K., công ty đòi nợ thuê thường yêu cầu khách hàng bỏ ra một khoản chi phí ban đầu, chiếm 10% tổng khoản nợ cần đòi. Có nhiều công ty nhận khoản phí này rồi “xù”, không xúc tiến việc đòi nợ.
Ông T.H.B. (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) phàn nàn, dịch vụ đòi nợ mà ông thuê đã chơi bẩn, ăn tiền cả chủ nợ lẫn con nợ. Ông B. cho bà Q. thuê nhà, cứ 3 tháng thu tiền một lần; khi thấy bà Q. chây ì tiền nhà, ông B. đòi lại nhà thì bà Q. nại lý do hợp đồng còn hiệu lực và vẫn có thiện chí thuê, nên không trả nhà. Ông B. bèn nhờ đến công ty đòi nợ thuê. Dưới áp lực của nhóm đòi nợ thuê hầm hố, bà B. đành trả một tháng tiền thuê nhưng vẫn không trả nhà. Đã vậy, trong quá trình đòi nợ cho ông B., phát hiện ông đang có nhu cầu đòi nhà gấp rút vì mục đích kinh doanh khác, phía dịch vụ đòi nợ quay qua đòi ông B. phải trả thêm số tiền gấp nhiều lần thỏa thuận ban đầu, khiến mọi việc rối tung.
Chuẩn hóa nhân sự và hành vi
Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, nợ là một quan hệ dân sự phát sinh trong quá trình kinh doanh, vay mượn, khi đến kỳ hạn thanh toán mà một bên không thanh toán được hoặc không trả lại tài sản. Nếu có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản, có khả năng nhưng cố tình không trả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Khi quyền lợi về mặt dân sự bị xâm phạm thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết tại tòa án. Nếu người bị hại xác định có dấu hiệu hình sự thì có quyền tố giác tội phạm. “Dù xã hội ngày càng tiến bộ, cũng không tránh khỏi chuyện vi phạm về nghĩa vụ thanh toán. Nhưng biện pháp văn minh nhất để giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại tòa án, dùng phán quyết của tòa để thi hành các quyền và nghĩa vụ của cả chủ nợ và người nợ” - luật sư Lễ nêu quan điểm.
Dịch vụ đòi nợ thuê là bình thường và rất cần thiết nhưng cần hạn chế mặt trái mang màu sắc “xã hội đen”
Theo luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM), dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay không chỉ thu nợ mà còn đại diện chủ nợ xác định các khoản nợ, làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Những công việc này là bình thường và rất cần thiết trong một xã hội hiện đại. Mặt trái của dịch vụ đòi nợ thuê xuất phát từ người thực hiện các công việc trên không đúng chuẩn mực, mang màu sắc “xã hội đen”.
Theo luật sư Sơn, có thể khắc phục những mặt trái này bằng việc chuẩn hóa con người và chuẩn hóa hành vi của những cá nhân liên quan khi thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê. Cơ quan nhà nước có thể ban hành bộ quy tắc ứng xử cho nhân viên đòi nợ thuê, liệt kê những hành vi được phép thực hiện, nghiêm cấm các hành vi ảnh hưởng, làm xáo trộn sinh hoạt, hoạt động kinh doanh của con nợ, quy định các điều kiện về nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này, về trình độ học vấn, lý lịch nhân thân…
Đăng ký nhiều, hoạt động ít
Theo thống kê của UBND TP.HCM, đến cuối năm 2017, tại TP.HCM, có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để hoạt động ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng chỉ có 44 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đến nay, chỉ còn 28 doanh nghiệp với tổng số 775 người hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì có 16 cơ sở thôi hoạt động do kinh doanh không hiệu quả hoặc tạm ngưng kinh doanh, chờ tổ chức lại. Với tổng số nợ nhận ủy quyền để đòi là hơn 12.000 tỷ đồng, các công ty đòi nợ thuê chỉ mới đòi được hơn 195 tỷ đồng.
Theo Công an TP.HCM, do chưa có văn bản quy định cụ thể phạm vi hoạt động, nên việc công ty đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành phố khác ủy quyền cho văn phòng đại diện tại TP.HCM thực hiện việc thu hồi nợ đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện xuất hiện nhiều biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Thực tế, để đòi nợ theo ủy quyền của chủ nợ, các công ty này thường sử dụng nhiều chiêu trò mang tính chất “xã hội đen”, trấn áp, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ.
UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh nói trên vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Ngoài những lý do nêu trên, UBND TP.HCM cho rằng, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp, các bên tham gia có thể tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động dễ biến tướng này, như quy định đồng phục của nhân viên làm công việc đòi nợ, số lượng tối đa nhân viên mỗi lần thực hiện việc đòi nợ, thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đòi nợ đúng đối tượng với hợp đồng ủy quyền...
Luật sư Đặng Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Đặng Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): “Không nên cấm”
Bản thân dịch vụ đòi nợ thuê không xấu, đó là một dịch vụ chính đáng theo nhu cầu hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, hiện có nhiều công ty đòi nợ thuê áp dụng các cách thức đòi nợ trái pháp luật như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí sức khỏe, tính mạng của người mắc nợ. Do đó, việc ban hành quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ dịch vụ này là cần thiết. Mặc dù đã có những quy định pháp luật, nhưng hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trên thực tế vẫn hết sức phức tạp, khó quản lý.
Các đối tượng bị bắt giữ trong vụ đòi nợ thuê tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ - (Ảnh: Công Lý)
Tuy nhiên, việc cấm kinh doanh ngành nghề thu hồi nợ (nếu có) không làm cho nhu cầu thuê dịch vụ đòi nợ giảm xuống. Và khi không tìm đến được với các cơ sở “chính thức”, người dân sẽ tìm đến các cơ sở “đen”; khi đó, việc đòi nợ thuê càng trở nên phức tạp, khó kiểm soát và gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Việc không tiếp tục công nhận và quản lý dịch vụ thu hồi nợ là tự mình bỏ đi công cụ, phương tiện để kiểm soát vấn đề này. Về mặt pháp lý, theo tôi, việc cấm kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ vi phạm quyền tự do kinh doanh của công dân - một quyền cơ bản được hiến pháp bảo hộ. Các cơ quan nhà nước không thể mãi tư duy theo kiểu “không quản được thì cấm” mà cần nỗ lực và quyết tâm hơn trong công tác quản lý.
Luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM): “Đây là ngành nghề cần thiết”
Nếu chủ trương dẹp thì liệu có dẹp được không, hay sau khi có quy định cấm thì nó lại chuyển biến theo hướng khác, tức thực hiện theo kiểu “xã hội đen” luôn? Tôi nghĩ, đòi nợ thuê cũng là ngành nghề cần thiết trong xã hội. Trên thực tế, các doanh nghiệp hay cá nhân khi có nợ xấu (khó đòi, chây ì, cố tình trốn...) thì họ cũng không có thời gian để theo đuổi việc đòi nợ và lựa chọn tốt nhất là các công ty đòi nợ thuê. Quan trọng vẫn là khâu quản lý, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, việc cấm này không ảnh hưởng gì đến quyền tự do; giữ mà không có biện pháp để quản lý hoạt động này thì mới ảnh hưởng đến quyền tự do, nhất là đối với con nợ. Xin nhắc lại, nếu có quy định chi tiết về việc hành nghề đòi nợ thuê thì nó sẽ tích cực.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.