Mặc kệ pháp luật ngăn cấm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết cứ diễn ra nơi núi cao rừng thẳm, nơi tiếng nói của văn minh chưa thể cưỡng lại “tiếng gọi nơi hoang dã”. Mấy ai biết, phía sau đều là những câu chuyện buồn...
Đổ hết cho… lỡ
Buổi sáng hôm ấy, trong lúc bố mẹ đi làm rẫy, vợ chồng Nhái - Nương (xã A Đớt, H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải ở nhà ôm con vì đứa trẻ một tuổi sốt mấy ngày chưa khỏi. Như hầu hết những cặp vợ chồng tảo hôn, hôn nhân cận huyết (HNCH), nhiều đôi tảo hôn đồng thời cũng là HNCH, vợ chồng Nhái - Nương sống cùng bố mẹ, vì còn “yếu ớt” chưa thể ra riêng tự lập.
Nhái kể, vợ chồng anh là con cô cậu ruột. Mối quan hệ ruột thịt nên thân thiết nhau, từ đó phát sinh tình cảm. Quá trình học phổ thông rồi học trung cấp thủy lợi ở tỉnh Quảng Nam, Nhái có nghe chút chút, nhưng không nghĩ HNCH là điều gì ghê gớm, vì trong địa phương có một số trường hợp các anh chị lấy nhau “mà có sao đâu”. Đến lúc hiểu được con cái sinh ra có nguy cơ mắc nhiều bệnh hiểm nghèo thì đã thành vợ chồng, có con.
Tương tự, trường hợp vợ chồng Blup Vây - Kiệm (xã A Roàng, H.A Lưới) cũng là anh em con cô cậu ruột, nay đã sinh con hơn hai năm. Kiệm bắt đầu bằng câu chuyện chị “theo trai”, cứ về đại nhà chồng ở bởi đã lỡ mang bầu. Đến bây giờ, Kiệm vẫn ấm ức về việc chính quyền không cho đăng ký kết hôn. Chị kiện cáo, tại sao hai cán bộ hiện công tác tại UBND xã A Roàng quan hệ cận huyết mà cũng được lấy nhau. Cán bộ dân số phải giải thích trường hợp hai cán bộ xã lấy nhau xảy ra cách đây đã lâu, lúc đó pháp luật chưa “về” đến địa phương.
|
Vợ chồng Blup Vây - Kiệm vốn là anh em con cô cậu ruột nay đã thành vợ chồng |
Ngoài lý do đã lỡ... yêu nhau, những cặp vợ chồng HNCH cho biết, còn là do phong tục anh em họ hàng gần lấy nhau thì của hồi môn “lọt sàng xuống nia”, không sợ lọt ra ngoài… Nhiều cặp vợ chồng HNCH vô tư bảo: “Bây giờ, cán bộ tuyên truyền mới biết, chứ lúc yêu nhau mình không biết cái chi hết. Yêu nhau thì cưới thôi”.
Trong những ngày ở lại miền sơn cước A Lưới để tìm hiểu tình trạng tảo hôn đang âm ỉ ở địa phương, điều phóng viên ghi nhận là chính quyền thường lẩn tránh khi được hỏi vấn đề này. Đặc biệt, với những gia đình có con tảo hôn, không hề nói bất cứ điều gì liên quan. Đặt câu hỏi vì sao còn nhỏ, chưa đủ tuổi, chính quyền chưa cho đăng ký mà vẫn lấy chồng, thì các cô vợ đều có chung đáp án, do yêu nhau lỡ có bầu nên phải cưới. Nhiều trường hợp cưới nhau khi đang còn học sinh như trường hợp Lê Thanh Đa (20 tuổi), Hồ Thị Hạ (16 tuổi, ở thôn 1, xã Hồng Kim).
Bi đát
Men theo con đường nhỏ gồ ghề và nhão nhoẹt bùn đất nằm hút sâu ở cuối thôn 1, xã Hồng Kim, chúng tôi đến ngôi nhà xập xệ của vợ chồng Lê Thanh Đa - Hồ Thị Hạ. Nói nhà nhưng thực ra chỉ là túp lều chừng bảy, tám mét vuông, lợp tranh, vách nứa. Cửa mở toang, trong nhà không có tài sản gì ngoài chiếc giường tre ọp ẹp, cái bàn học, chồng sách vở và mấy cái nồi treo trên vách.
Thấy người lạ ghé thăm, Hạ bế đứa trẻ hơn một tuổi ra ngồi bên hiên nhà, ánh mắt xa xăm. Vừa lau mặt cho con, Hạ ủ rũ: “Nhà em ở thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc, cách đây chỉ hơn nửa giờ đi bộ thôi anh ạ. Đầu năm 2016, trong một lần đi chơi lễ hội, em đã gặp anh Đa rồi chúng em yêu nhau. Do nhà chồng thúc giục cưới nên năm 2017, em phải bỏ học lớp Chín để làm lễ cưới rồi sinh con...”.
Để cưới được Hạ, theo tục lệ của người Tà Ôi, gia đình Đa phải sắm đủ lễ bộ mang sang nhà gái để thách cưới. Dù gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng mẹ Đa cũng phải gắng gượng lo đủ lễ cho con trai, gồm một con trâu, một con bò và sáu con heo để sang nhà gái rước dâu. Riêng gia đình Hạ, cuộc sống rất khó khăn với sáu miệng ăn nhưng ông bà Hồ Văn Thế và Hoàng Thị Phia (bố mẹ Hạ) vẫn vay mượn tiền khắp nơi để tổ chức đám cưới cho con gái.
Ông Thế cho biết: “Do con tảo hôn nên gia đình tôi bị làng bản bắt phạt một con heo, thóc lúa và 500.000 đồng”. Tôi hỏi: “Biết bị phạt sao vẫn cho con gái cưới sớm thế?”. Ông Thế buồn rầu đáp: “Chúng nó yêu nhau, không cho cưới sao được!”. Sau ngày cưới, do không có việc làm nên chồng Hạ phải lặn lội vào rừng chặt mây đưa về chợ bán với thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/tuần.
Chuyện của gia đình Nguyễn Văn Tựa và chị Trần Thị Lễ (20 tuổi, người Tà Ôi, trú tại xã Hồng Quảng, H.A Lưới) cũng buồn rầu không kém. Hôm tôi ghé thăm, trong căn nhà chỉ được che chắn vài tấm ván gỗ đơn sơ, vợ của Tựa (21 tuổi) vẫn đang cho con ăn. Bữa ăn của hai mẹ con cũng chỉ là bát cơm nguội từ lúc sáng ăn cùng với nước tương. Đợi đứa con ngủ, Lễ mới có thời gian rảnh để nói chuyện với chúng tôi.
|
Chị Hồ Thị Lễ và đứa con cận huyết với anh Tựa chồng mình. |
Từ trong bếp, Lễ nói vọng ra: “Tụi mình cưới nhau lâu lắm rồi, được mấy mùa sắn rồi, con giờ cũng đã lớn”. Lễ kể, vợ chồng quen nhau khi cả hai đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên A Lưới. Chỉ nửa năm sau, cả hai phải lòng nhau lúc nào không biết, thế là đôi bạn trẻ quyết định nghỉ học làm đám cưới năm 2015, khi mới 17 tuổi. Sau ngày cưới, hai bên nội ngoại cho mấy tấm ván gỗ để cất nhà. Nhưng vì không đủ tiền để hoàn thiện, nên ánh nắng loang lổ chiếu hiu hắt xuống ngôi nhà tạm bợ, nằm lọt thỏm giữa núi rừng.
Mãi đến khi akay (tên gọi trẻ con của người miền cao) ngủ say, Lễ mới chia sẻ nỗi niềm, từ khi cưới nhau về vợ chồng phải chạy ăn từng ngày. Chồng Lễ hằng ngày phải vào rẫy trồng sắn, chăn bò thuê cho người trong thôn. Làm quần quật nhưng nhà lúc nào cũng thiếu thốn. Lễ lo nhất là akay không có gì ăn vì không làm được nhiều lúa.
Còn vợ chồng Hồ Thị Dễ (sinh 1990) và Lê Văn Tám (sinh 1994) là anh em cô cậu. Hai người cưới nhau năm 2015 và con đã gần một tuổi. Vừa ru cho akay ngủ, Dễ nói hai người không hề biết mình là anh em, mãi về sau mới nghe nhưng mọi chuyện đã lỡ rồi...
Chúng tôi trở lại thành phố khi mặt trời sắp lặn sau cánh rừng già, nhưng ánh mắt của người mẹ trẻ 16 tuổi Hồ Thị Hạ địu con trên lưng đứng trước hiên nhà ngóng chồng cứ ám ảnh khôn nguôi.
Bà Phạm Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình H.A Lưới - cho biết, từ năm 2013 đến nay, huyện có trên 160 trường hợp tảo hôn, phần lớn kết hôn ở lứa tuổi 16-17. Nhiều trường hợp sau khi cưới thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do các em không có nương rẫy hoặc công việc mưu sinh. Mặt khác, do thiếu kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, nhiều trẻ không có cơ hội được đến trường... là thực trạng đáng buồn của nạn tảo hôn.
Thuận Hóa