Tạo hình vành tai

12/04/2013 - 19:30

PNO - PNCN - Kỹ thuật tạo hình vành tai không chỉ hoàn thiện chức năng nghe cho những vành tai bị khiếm khuyết bẩm sinh mà còn làm tăng tính thẩm mỹ cho những vành tai chưa được đẹp (tai nhỏ, tai vểnh, tai bị sẹo…).

Các khiếm khuyết vành tai thường gặp

Vành tai hay còn gọi là loa tai, có độ lồi lõm, đường cong-xoắn để nghe, đón nhận âm thanh đến từ nhiều hướng vào ống tai. Không phải ai cũng có một vành tai hoàn chỉnh. Tai nhỏ là một trong những dị dạng vành tai bẩm sinh thường gặp với các mức độ: vành tai nhỏ nhưng vẫn phân biệt được các phần; nhỏ hơn 1/2 hoặc 2/3 so với tai thông thường, cấu trúc tai bất thường nhưng vẫn phân biệt được các phần của tai; vành tai biến dạng hoàn toàn chỉ còn một núm nhỏ; không có vành tai. Bên cạnh đó còn có những khiếm khuyết vành tai do tai nạn, chấn thương, phỏng…

TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Hầu hết những trường hợp khiếm khuyết vành tai đều có thể can thiệp tạo hình cả về chức năng và thẩm mỹ, hoặc một trong hai.

Tao hinh vanh tai

Trước tái tạo - Sau tái tạo

Tái tạo vành tai bằng sụn

Nếu là tai vểnh, sẽ được cắt bớt và tạo hình lại bằng chính phần sụn, da được cắt. Những trường hợp vành tai nhỏ, khiếm khuyết, dáng tai không đẹp, có thể dùng vật liệu nhân tạo hoặc sụn tự thân để tạo hình. Ưu điểm của sụn nhân tạo là dễ tạo hình, tạo dáng tai đẹp hơn, nhưng khả năng dẫn truyền âm thanh kém hơn sụn tự thân. Khả năng bị cơ thể đào thải, không tương thích ở sụn nhân tạo cũng cao hơn sụn tự thân. Nếu thích hợp, kết quả tái tạo vành tai sẽ được duy trì cả đời.

Theo TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, những trường hợp vành tai bị chấn thương (bị rách, bị cắn/cắt rời hay đứt một phần…) cần phải can thiệp càng sớm càng tốt. Nếu nhẹ, bác sĩ có thể nối lại ngay mà không cần phải dùng thêm sụn nhân tạo hay sụn tự thân. Nếu bẩm sinh bị khiếm khuyết vành tai, từ khoảng hai tuổi đã có thể thực hiện tạo hình dùng sụn nhân tạo để tránh cho trẻ bị mặc cảm. Nếu muốn dùng sụn tự thân thì trẻ phải đủ 10 tuổi mới nên tạo hình.

Tao hinh vanh tai

Trước tái tạo - Sau tái tạo

Tao hinh vanh tai

Trước tái tạo - Sau tái tạo

Biến chứng và những lưu ý

Như tất cả các loại phẫu thuật khác, tạo hình vành tai cũng có thể gặp một số các biến chứng. Chẳng hạn như phần vạt da vành tai có thể bị hoại tử do đường máu nuôi không tốt, do cơ thể phản ứng với vật liệu đặt vào. Bị biến chứng nhiễm trùng tại vành tai hoặc vùng lấy sụn do cuộc mổ kéo dài, do máu nuôi vạt da không tốt… hoặc có thể gây sẹo lồi ở cả hai vùng. Nguyên nhân gây sẹo lồi rất khó xác định, có thể do cơ địa, do vết thương bị kích thích liên tục. Nếu bị nhiễm trùng do vật ghép, cần phải lấy ra ngay và đợi cho hết nhiễm trùng mới có thể thực hiện lại, tái tạo vạt da mới.

TS-BS Nguyễn Anh Tuấn lưu ý: Để kết quả tạo hình được tốt nhất, bạn cần có sự thỏa thuận rõ ràng và thống nhất với bác sĩ để biết rõ về các giai đoạn thực hiện tạo hình vành tai, mục đích của bạn là tái tạo thẩm mỹ hay chức năng. Bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý là vành tai tái tạo không thể đạt 100% như ý muốn. Bạn cần chuẩn bị sức khỏe tốt để chịu được cuộc phẫu thuật kéo dài ba-bốn tiếng. Nếu mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh nội khoa hoặc đang bị nhiễm trùng ở một vùng nào đó trên cơ thể thì không thể thực hiện phẫu thuật. Sau phẫu thuật, nhiều người thường tự tiện tháo băng, điều đó có thể làm da bị bong. Tránh đụng chạm nhiều vào vùng tai, vì nếu tác động có thể gây nhiễm trùng, hoại tử vạt da. Bạn cũng cần giữ cho vết thương khô, không đụng nước, ăn uống đầy đủ chất (trừ một vài thực phẩm ăn kiêng theo kinh nghiệm dân gian).

An Hà (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI