Tạo hình thẩm mỹ, phục hồi chức năng - Bài 2: Tái tạo lưỡi

11/04/2013 - 17:56

PNO - PN - Ngày nay, kỹ thuật cắt một phần lưỡi trong điều trị ung thư lưỡi (UTL) đã có nhiều tiến bộ. Các bác sĩ (BS) có thể phẫu thuật tạo hình, tái tạo lưỡi, phục hồi chức năng nói, nuốt cho người bệnh.

Dễ nhầm lẫn với nhiệt miệng

UTL chiếm 30% trong các loại ung thư vùng miệng. Thống kê cho thấy, trong 100.000 dân thì có ba người mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

TS-BS Trần Thanh Phương - Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết, có nhiều triệu chứng để nhận biết ung thư khoang miệng, trong đó thường gặp nhất là những vết sùi loét ở bờ lưỡi, sàn miệng hoặc niêm mạc má. Các vết loét này có thể đau, chảy máu nhưng có trường hợp lại không gây khó chịu gì, nên người bệnh thường nghĩ mình bị nhiệt miệng. Cũng có khi, người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu. Cũng có trường hợp người bệnh thấy đau khi đi khám, BS chẩn đoán viêm lưỡi, nấm lưỡi, loét lưỡi nên tỏ ra chủ quan khi thấy những vết loét này tái đi tái lại nhiều lần. Đến khi thấy nuốt đau, tai đau, thay đổi giọng nói, nước bọt lẫn với máu, thậm chí phát hiện hạch ở cổ… thì bệnh đã diễn tiến trầm trọng.

Nguyên nhân chính gây UTL đến nay chưa rõ, nhưng đã xác định được các yếu tố nguy cơ cao gây UTL đó là: sử dụng thuốc lá ở các dạng khác nhau (có kèm theo hoặc không kèm theo uống rượu) như hút thuốc lá, thuốc lào, tẩu thuốc, nhai trầu thuốc. Những người dùng thuốc lá có kèm uống rượu thì nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn rất nhiều; nghiện rượu nặng; nhiễm HPV; các tổn thương tiền ung thư khác của khoang miệng như bạch sản, hồng sản, viêm nấm Candida quá sản mạn tính, các vết loét do sang chấn liên tục kéo dài...

Để chẩn đoán UTL, ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, các BS có thể cho bệnh nhân làm sinh thiết u. Các xét nghiệm khác để chẩn đoán giai đoạn bệnh như: xét nghiệm tế bào học tại hạch cổ, chụp X-quang xương hàm dưới, X-quang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, PET/CT… để đánh giá tình trạng di căn.

Tao hinh tham my, phuc hoi chuc nang - Bai 2: Tai tao luoi

Điều trị và tái tạo

Phẫu thuật cắt lưỡi ảnh hưởng đến chức năng nói, nuốt nên BS rất thận trọng. Nếu chẩn đoán sớm, thường áp dụng xạ trị. Ưu điểm của phương pháp này là bảo tồn được cơ quan, nhưng lại tốn nhiều thời gian. Thậm chí, có thể xảy ra nhiều biến chứng trong quá trình xạ trị như khô miệng và biến chứng muộn hơn là hoại tử xương hàm, có thể gây tử vong. Đáng nói hơn, sau xạ trị, thầy thuốc không thể xác định được tế bào ung thư còn hay mất, nên trong điều trị UTL thường là phải phẫu thuật cắt lưỡi.

Nếu cắt dưới 50% lưỡi thì bệnh nhân vẫn có khả năng nói, nuốt, dù ban đầu hơi khó, nhưng sau một thời gian sẽ quen dần, tiếng nói rõ ràng hơn và việc nhai nuốt cũng dễ dàng. Với phần khuyết hổng dưới 50% này, các BS sẽ cấy ghép da rời (chỉ đơn thuần đậy mặt cắt) để lưỡi dễ di chuyển và nói, nuốt được tốt.

Trường hợp khuyết hổng trên 50%, các BS tạo hình bằng các vạt cơ tại chỗ bằng cách đưa bắp cơ ở cổ lên.

Các bệnh nhân điều trị UTL và được tái tạo lưỡi đều được xạ trị và tái khám định kỳ, kết quả cho thấy, không có trường hợp nào gây hoại tử vạt và tái phát sau mổ. Chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi không bị ảnh hưởng nhiều. Với cách làm này, khả năng lành cao, giữ được chức năng của lưỡi và đảm bảo tính thẩm mỹ.

Phòng ngừa ra sao?

Tương tự như các loại ung thư vùng khoang miệng, việc phòng ngừa UTL được các BS khuyến cáo như sau:

- Bỏ thuốc lá để tránh cho các tế bào khoang miệng tiếp xúc hóa chất gây ung thư.

- Không uống rượu quá mức.

- Tăng cường ăn các loại rau quả giàu vitamin, đặc biệt là cà rốt.

- Khám răng miệng định kỳ sáu tháng một lần ở các cơ sở chuyên khoa.

THIÊN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI