Tạo dựng thương hiệu văn chương trẻ

27/08/2024 - 17:04

PNO - Tháng Chín tới, Hội Nhà văn TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị viết văn trẻ TPHCM. Người cầm bút trẻ dù lựa chọn theo đuổi thể loại/đề tài nào, họ cũng đều đã và đang cùng nhau khắc họa diện mạo văn trẻ, với nhiều tác phẩm đậm dấu ấn.

Tự tạo dựng “thương hiệu văn chương”

Sau tác phẩm Tết ở làng Địa Ngục (đã được chuyển thể thành phim truyền hình ăn khách), nhà văn 9X Thảo Trang tiếp tục gây ấn tượng với tiểu thuyết 25 độ âm. Tác giả vừa có cuộc “Nam tiến” giao lưu với bạn đọc TPHCM nhân dịp tác phẩm vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành. Đây là cuộc dấn thân mới trên trang viết của Thảo Trang khi chọn khai thác đề tài buôn người - vượt biên, dựa trên thảm họa có thật của người Việt ở nước ngoài.

25 độ âm mang đến cho bạn đọc một câu chuyện với bối cảnh trải dài từ miền Trung Việt Nam đến vương quốc Anh và những cung đường vượt biên khắc nghiệt. Còn với tác giả, đó là một hành trình riêng đầy nỗ lực. Thảo Trang chia sẻ, cô đã hoàn thành tác phẩm trong thời gian rất ngắn, nhưng đã mất 4 năm cho việc nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu. Sự trở lại lần này thêm một lần nữa khẳng định tài năng và dấu ấn Thảo Trang để lại trên văn đàn trẻ.

Cuối tuần qua, nhà văn Hiền Trang cũng có buổi ra mắt tác phẩm mới: Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đây lại là trải nghiệm riêng khác biệt của tác giả, với những ghi chép từ những ngày tham gia chương trình International Writing Program (IWP) tại Đại học Iowa (Mỹ). Cách đây vài tháng, Hiền Trang có tiểu thuyết Quán bar trong bụng cá voi, trước đó là tập truyện Những khán giả ngồi trong bóng tối. Từ sau tác phẩm Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa được trao giải Ba, giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VI, cây bút trẻ Hiền Trang đã liên tục tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng phong cách viết khác biệt. Hành trình “ra thế giới” và đối thoại với bạn bè quốc tế bằng văn chương cũng là cách Hiền Trang tạo dựng thương hiệu của riêng mình.

Đại diện cho văn chương trẻ Việt Nam để “bước ra thế giới” còn có nhà văn Lê Quang Trạng (sinh năm 1996). Xuất hiện tại diễn đàn Văn học châu Á (tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2023), Lê Quang Trạng không chỉ nói về văn học Việt Nam mà còn về vai trò và nội lực của người trẻ trước những chủ đề của văn chương đương đại. Và nhắc đến Lê Quang Trạng sẽ là những tác phẩm đậm dấu ấn văn hóa miền Tây Nam Bộ: Người chở chữ qua sông, Vệt sáng của bụi, Thủ lĩnh băng vịt đồng, Những hạt bùn vạn dặm, Cá Linh đi học…

Người viết trẻ đã và đang ghi dấu ấn thế hệ mình bằng những tác phẩm ấn tượng
Người viết trẻ đã và đang ghi dấu ấn thế hệ mình bằng những tác phẩm ấn tượng

Bức tranh văn trẻ đầy màu sắc

Các tham luận được Hội Nhà văn TPHCM chuẩn bị cho hội nghị viết văn trẻ sắp tới gồm những nội dung: con đường tiểu thuyết của người viết trẻ, tuổi trẻ viết cho tuổi thơ, nhận diện thơ trẻ… Điều này cũng một phần cho thấy những dòng chảy khác biệt trên văn đàn trẻ hiện nay. Mỗi người một lựa chọn theo đuổi thể loại/đề tài/phong cách riêng. Tiếng nói/góc nhìn/tư tưởng của người trẻ thể hiện qua các tác phẩm của họ: Trần Đức Tín với những tập thơ đầy trăn trở trong cảm thức văn hóa miền Tây sông nước, Tống Phước Bảo với những truyện ngắn mang dấu ấn văn hóa vùng đất, Huỳnh Trọng Khang với những câu chuyện đầy sức dẫn dụ và ẩn dụ: Bể trăng côi, Nơi không có tuyết…

Người viết trẻ hiện diện trên trang viết từ đề tài lịch sử đến hiện thực đời sống, trong bối cảnh giả tưởng và những vùng đất văn hóa; viết về thân phận con người và cả nỗi cô đơn của thế hệ mình… Họ cùng góp phần tô điểm bức tranh văn chương trẻ bằng những màu sắc rất riêng. Những giải thưởng văn chương đã gọi tên và định vị giá trị tác phẩm: Vụn ký ức (Yang Phan, giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII), Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời (Đức Anh, giải thưởng Tác giả trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 2023), Nắng Thổ Tang (Đinh Phương, giải thưởng Tác giả trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 2022)… Bên cạnh đó, cũng có những cây bút để lại dấu ấn sâu đậm cho văn đàn bằng sức nặng của tác phẩm, như nhà văn Trường An với các tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn: Vũ tịch, Hồ Dương, Thiên hạ chi vương.

Không chỉ sáng tác văn xuôi với các tác phẩm cho người trưởng thành, nhiều người đã tham gia địa hạt văn học thiếu nhi và sách tranh cho trẻ nhỏ. Sự đóng góp của người trẻ trong lĩnh vực này không hề nhỏ. Cùng với các nhà văn viết cho thiếu nhi thế hệ trước, người cầm bút trẻ đã và đang có nhiều tác phẩm hay dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Nhiều giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi đã gọi tên những gương mặt trẻ: giải Khát vọng Dế Mèn cho nhà thơ Lữ Mai với truyện dài thiếu nhi đầu tay: Dưới khung trời ngát xanh; giải A, giải thưởng Sách quốc gia 2021 cho Trang Nguyễn, với Chang hoang dã - Gấu. Cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam tìm thấy các tác giả: Thảo Nguyên (tác phẩm Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp), Hà Mi (Hạt dẻ ơi, về nhà thôi)…

Hội nghị viết văn trẻ được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, cũng là dịp để nhìn lại và nhận diện lực lượng người viết trẻ. Mỗi thế hệ cầm bút đều xuất hiện những tên tuổi nổi bật, để lại nhiều tác phẩm đậm dấu ấn cho văn đàn. Hành trình của những người viết trẻ thuộc thế hệ 9X và gen Z vẫn đang tiếp tục với nhiều kỳ vọng.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI