Tạo động lực mới cho TPHCM bứt phá

26/05/2023 - 12:33

PNO - Sự phát triển của TPHCM đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nhất là thể chế. Tiềm năng, nguồn lực của TPHCM rất lớn, có khả năng triển khai những dự án đột phá và thí điểm một số vấn đề như một trung tâm thử nghiệm thể chế.

 

nghị quyết mới sẽ cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với các tuyến giao thông, các tuyến đường sắt đô thị (trong ảnh:Chạy thử nghiệm tuyến Metro số 1 cuối tháng 12/2022 - Ảnh: Thanh Toàn
Nghị quyết mới sẽ cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với các tuyến giao thông, các tuyến đường sắt đô thị... (trong ảnh: Chạy thử nghiệm tuyến Metro số 1 cuối tháng 12/2022) - Ảnh: Thanh Toàn

TPHCM là đô thị đặc biệt, có quy mô dân số và kinh tế lớn nhất nước, là đầu tàu kinh tế cả nước, là trung tâm nhiều mặt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trong quá trình phát triển, TPHCM luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương. Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết về TPHCM. Gần đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. 

Nghị quyết 54 chưa được thực hiện như kỳ vọng do vẫn thiếu nhiều cơ chế, chính sách và sự phối hợp chưa đồng bộ. Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành bộ máy do thiếu hướng dẫn và nhất là chưa được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.

Sự phát triển của TPHCM đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nhất là thể chế. Cùng với những khó khăn, thách thức bởi tác động của tình hình kinh tế thế giới và những nguyên nhân nội tại, chỉ số tăng trưởng gần đây của TPHCM có dấu hiệu chùng xuống so với cả nước. 

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi TPHCM cần có cơ chế, chính sách vượt trội. Đây là đòi hỏi hết sức cấp thiết, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài cho TPHCM, cho cả vùng và cả nước. 

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có 7 nội dung với 43 chính sách (trong đó có 22 chính sách mới) về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

So với Nghị quyết 54, dự thảo nghị quyết lần này có phạm vi rộng hơn và cụ thể hơn trên một số lĩnh vực. Đáng chú ý là, ở lĩnh vực đầu tư, nghị quyết mới sẽ cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với các tuyến giao thông, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai… Qua đây, chính quyền TPHCM sẽ chỉnh trang, phát triển đô thị, tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Nghị quyết mới sẽ tạo điều kiện áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tiếp tục thực hiện mô hình xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT) một cách công khai, minh bạch nhằm thúc đẩy đầu tư xây dựng các dự án, công trình.

Về tài chính ngân sách, nghị quyết mới sẽ quy định danh mục phí, lệ phí, mức hưởng 100% cho ngân sách TPHCM với số thu tăng thêm; TPHCM sẽ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% tổng thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Về tổ chức bộ máy, HĐND TPHCM có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, đảm bảo tinh gọn. UBND TPHCM có thẩm quyền quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, quận, huyện và TP Thủ Đức.

Tiềm năng, nguồn lực của TPHCM rất lớn, có khả năng triển khai những dự án đột phá và thí điểm một số vấn đề như một trung tâm thử nghiệm thể chế. Nghị quyết thay thế này được kỳ vọng đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền, theo hướng được giao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn, gắn với nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo động lực phát triển.

Phạm Phương Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI