Táo đỏ có phải “thần dược”?

10/12/2024 - 06:12

PNO - Táo đỏ chỉ là món ăn vặt, không nên “thần thánh hóa” công dụng, cũng như không thể trông đợi vào việc ăn táo đỏ để cải thiện sức khỏe.

Thưa bác sĩ, gần đây, người ta quảng cáo “mỗi ngày ăn 3 quả táo đỏ, cả đời khỏe mạnh”. Điều này có đúng hay không? Tôi bị tiểu đường có nên ăn táo đỏ không?

Nguyễn Hường (TP Hà Nội)

Bác sĩ Đoàn Thu Hồng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - trả lời: Táo đỏ sấy khô từ lâu đã được biết trong y học với công dụng giúp cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu. Táo có lượng calo thấp, giàu chất xơ và chứa một số loại vitamin, khoáng chất như vitamin C, Kali. Ngoài ra, táo đỏ cũng chứa các chất chống ô xy hóa như flavonoid, polysaccharides và acid triterpenic… Các chất chống ô xy hóa trong táo đỏ đã được chứng minh là giúp cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chất chống ô xy hóa giúp cải thiện trí nhớ, giúp bảo vệ các tế bào não khỏi bị tổn thương do các hợp chất phá hủy thần kinh, điều trị chứng mất trí nhớ do bệnh Alzheimer… Chất xơ trong táo đỏ làm giảm táo bón, tăng cường lợi khuẩn, tăng cường niêm mạc dạ dày và ruột, giúp giảm nguy cơ tổn thương do loét, chấn thương, vi khuẩn có hại.

Tuy nhiên, táo đỏ khô thường có lượng đường và calo cao hơn táo đỏ tươi. Do đó, người mắc tiểu đường type 2 hay người thừa cân, béo phì không nên ăn quá nhiều. Ngoài ra, người đang sử dụng một trong những loại thuốc sau không nên ăn táo đỏ. Cụ thể là thuốc chống trầm cảm (Venlafaxine), thuốc chứa các chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SSNRI), một số loại thuốc chống co giật: phenytoin, phenobarbital, carbamazepine.

Táo đỏ chỉ là món ăn vặt, không nên “thần thánh hóa” công dụng, cũng như không thể trông đợi vào việc ăn táo đỏ để cải thiện sức khỏe. Chìa khóa cho 1 cơ thể khỏe mạnh là chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.

H.Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI