Tạo điều kiện doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo: Chuyên gia chỉ hướng cạnh trạnh

24/11/2016 - 05:48

PNO - GS Võ Tòng Xuân cho rằng, ta phải làm thương hiệu gạo Việt Nam thì mới có thể cạnh tranh không chỉ trên thế giới mà phải cạnh tranh ngay tại sân nhà.

Vừa qua, VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã đề nghị bỏ “kinh doanh xuất khẩu gạo” ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo VCCI, gạo được xem là loại hàng hóa liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, vì vậy các chính sách quản lý đặc thù liên quan gạo có thể là cần thiết.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo. Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp.

Không nên xóa hết các điều kiện

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nghiên cứu lâu năm về ngành nông nghiệp và lúa gạo chia sẻ, ông hiểu vì sao VCCI đưa ra kiến nghị trên. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, không nên xóa hết các điều kiện mà chỉ xóa các điều kiện không cần thiết và gây khó khăn cho doanh nghiệp như kho chứa 5000 tấn, năng suất xay xát 10 tấn/giờ.

"Các điều kiện về mặt chất lượng như không được dư thừa thuốc bảo vệ thực vật, có vùng nguyên liệu vẫn nên giữ lại. Bởi vì, nếu để các công ty mạnh ai nấy xuất thì sẽ làm cho gạo VN không có uy tín", GS Xuân nhận định.

GS Võ Tòng Xuân phân tích qua một ví dụ điển hình, phần lớn các công ty xuất khẩu gạo, kể cả Vinafood hiện nay đều không có vùng nguyên liệu, mua tạp của các thương lái, mà thương lái mua không biết nông dân phun thuốc gì. Gạo nước ta hay bị trả lại vì dư thừa chất BVTV là do vậy.

"Sắp tới, phải gắn “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) với nhau. Nhưng chính nhà nông cũng phải biết gắn với nhau trong một vài xã để có chung vùng nguyên liệu. 1.000 nông dân phải làm chung một quy trình Viet GAP trong sản xuất lúa để cho ra chung một giống lúa cung cấp cho nhà doanh nghiệp.

Tao dieu kien doanh nghiep Viet xuat khau gao: Chuyen gia chi huong canh tranh
GS. Võ Tòng Xuân. Ảnh: CafeF

Nếu không như vậy, các doanh nghiệp cứ tiếp tục làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy tranh mua tranh bán lấy lời, chỉ có nông dân là mất đi quyền lợi của mình", vị chuyên gia cho biết thêm.

Theo chuyên gia, nếu làm được điều này chúng ta cũng sẽ giống Thái Lan giờ chỉ có 3 loại gạo hoặc Campuchia có 2 loại gạo đảm bảo về mặt chất lượng. Như Campuchia, họ có liên đoàn nhà máy gạo và liên đoàn phân phối, nhà máy được kiểm tra đàng hoàng, không đạt yêu cầu thì đề nghị nhà nước cho được vay vốn ưu đãi để nâng cấp nhà máy lên, đảm bảo gạo ở mức ngon nhất. Vì vậy, GS Võ Tòng Xuân, hiện nay Campuchia còn thắng cả Thái Lan trong việc sản xuất gạo ngon có thương hiệu đến các thị trường.

Từ trước đến nay, chúng ta không có nhà máy, cũng không có cam kết sản xuất, chỉ để Vinafood độc quyền, một mình một sân xuất khẩu, nhưng thường xuyên bị trả về hoặc bị ép bán giá rẻ, cuối cùng người chịu thiệt thòi là người dân.

Hướng đi nào cho xuất khẩu gạo Việt Nam?

Một thực tế được đặt ra, từ trước đến nay, nông dân tại ĐBSCL vẫn luôn khóc ròng vì chịu cảnh giá cả lúa gạo lên xuống thất thường do các doanh nghiệp không thu mua trực tiếp mà thông qua các thương lái.

Trước thực tế này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: "Nếu được, chúng ta phải làm công ty cổ phần nông nghiệp. Trong đó, nông dân là cổ đông của công ty này. Công ty phải có đủ vùng nguyên liệu, nhà máy sấy, nhà máy xay xát chế biến gạo, kho dự trữ, nhà máy bao bì, làm thương hiệu… và sản xuất theo quy trình Viet GAP. Tiền lời kinh doanh hằng năm chia cho nông dân.

Tao dieu kien doanh nghiep Viet xuat khau gao: Chuyen gia chi huong canh tranh
Xuất khẩu gạo gặp khó khăn người chịu thiệt thòi cuối cùng lại là nông dân. Ảnh: Internet

Trong chuỗi giá trị có nhiều công ty cung ứng, công ty cung ứng về vật tư, công ty cung ứng về nguyên liệu, thương lái sẽ không làm như xưa, mà tập hợp lại thành lập công ty, đề xuất khẩu lúa, nguyên liệu".

Vị chuyên gia phân tích, hiện nay Thái Lan trợ giá bằng cách mua lại lượng lúa của nông dân vừa đủ kiểm soát thị trường. Số còn dư thừa, các công ty được quyền mua bán, nhưng mức giá không thấp hơn giá chính phủ. Số gạo dự trữ, tuỳ vào tình hình thị trường, nếu thấy có lợi, Chính phủ sẽ mở thầu bán lại cho các công ty trong nước (không phân biệt đối xử) để họ xuất khẩu.

Như vậy, chính sách hỗ trợ đến trực tiếp nông dân chứ không phải doanh nghiệp và cơ chế này cũng không mang lại đặc quyền cho doanh nghiệp nào. 

"Việt Nam cũng có thể làm theo cách này, nhưng số tiền bỏ ra thu mua lúa dự trữ hàng năm phải rất lớn", vị chuyên gia nhận định.

Nói về hướng đi cho việc xuất khẩu gạo nước ta, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, ta phải làm thương hiệu gạo Việt Nam thì mới có thể cạnh tranh không chỉ trên thế giới mà phải cạnh tranh ngay tại sân nhà.

"Mình phải phổ biến giống của Việt Nam mình. Phải làm theo chuỗi giá trị, liên kết "4 nhà" để cùng sản xuất. Nông dân hợp tác với nông dân, theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Bây giờ có hợp tác xã kiểu mới rồi thì mình phải có doanh nghiệp đầu ra để gắn kết với hợp tác xã kiểu mới này. Có hợp tác xã kiểu mới thì chúng ta phải có những nông dân đổi mới, có tư duy mới trong sản xuất lúa gạo. Xóa bỏ tình trạng nông dân tự làm theo tự ý mình theo kiểu “lão nông tri điền” mỗi người làm một kiểu không đồng nhất, gây khó quản lý và hiệu quả thấp hơn.

Từ đó hướng người nông dân theo quy trình VietGAP vừa ít tốn kém, vừa ít sâu bệnh, chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm", vị chuyên gia đưa ra định hướng.

GS Võ Tòng Xuân nhận định, khi nguyên liệu lúa được tiêu thụ với giá phải chăng, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng, giá tốt, bảo đảm chất lượng, có nhà máy cơ sở chế biến, đóng gói bao bì hiện đại thì ngành lúa gạo Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI