Tạo cơ hội việc làm từ cơ cấu kinh tế đa dạng

07/03/2024 - 06:26

PNO - Việc đa dạng cơ cấu kinh tế không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động nữ mà còn giúp họ thích ứng được với bối cảnh, môi trường làm việc tương đối bấp bênh như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội - đã nêu những nhận định cũng như gợi mở một số giải pháp cho vấn đề việc làm của lao động nữ lớn tuổi.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thực trạng việc làm của lao động nữ lớn tuổi hiện nay, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc: Rất khó để có con số thống kê toàn diện về tình trạng thiếu việc làm của lao động nữ lớn tuổi. Tuy nhiên, qua những số liệu về cắt giảm lao động vừa qua - đặc biệt là ở các ngành dệt, may, da giày, điện tử - có thể thấy, đối tượng bị cắt giảm chủ yếu là nhóm lao động nữ lớn tuổi, bởi họ yếu thế khi bị đo lường hiệu quả, năng suất lao động. 

Thêm nữa, hiện nay, chiến lược của các nhà máy là cắt giảm lao động, chuyển đổi công nghệ, hướng đến tự động hóa. Một số nhà máy có xu hướng chuyển đổi không gian sản xuất từ các vùng kinh tế trọng điểm về các tỉnh lân cận để tận dụng chính sách ưu đãi về lương theo vùng trong bối cảnh hạ tầng giao thông đã được cải thiện, chính quyền các tỉnh sẵn sàng mở cửa chào đón doanh nghiệp đầu tư. Điều đó sẽ khiến cho lao động lớn tuổi tại TPHCM đang dần mất đi cơ hội việc làm.

* Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, từ đầu năm 2024, đã có những tín hiệu tích cực về đơn hàng của doanh nghiệp cũng như công ăn việc làm của người lao động. Ông có cho rằng đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với lao động nữ lớn tuổi?

- Sau đợt dịch COVID-19, có tình trạng thiếu nguồn lao động là do đơn hàng bị dồn ứ trong đợt dịch. Lúc đó, doanh nghiệp có nhiều sáng kiến, nỗ lực trong việc tìm kiếm nguồn lao động, như đưa xe về tận các tỉnh để đón, thậm chí không ngại nhận lao động nữ lớn tuổi. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, hiện tượng trên không mang tính ổn định mà chỉ giải quyết tình thế lúc cao trào. 

Những tín hiệu tích cực đầu năm 2024 chỉ có thể giúp chúng ta yên tâm rằng, nhu cầu tuyển dụng sẽ ổn định trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, những trải nghiệm bấp bênh khiến người lao động thận trọng hơn trong việc quyết định tham gia vào các thị trường lao động bởi các doanh nghiệp cũng thay đổi nhiều về chế độ tính lương, như chuyển từ việc chi trả lương tháng sang lương sản phẩm. Đặc biệt, sau thời gian dài làm việc, một số người lao động sẽ chọn làm những công việc vừa sức, tự do về thời gian. 

* Ông có thể nêu một số giải pháp cho vấn đề việc làm của lao động nữ lớn tuổi?

- Với việc doanh nghiệp chuyển không gian sản xuất, nhiều người cho rằng, những người lao động lớn tuổi có thể trở về tìm việc ở quê. Nhưng thực tế, ở quê, các công ty vẫn ưu tiên tuyển người có sức khỏe, nhanh nhẹn. Thêm nữa, công việc ở các nhà máy với giờ giấc rạch ròi, cố định cũng không phù hợp với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Họ có xu hướng chọn làm ở khu vực phi chính thức, như buôn bán nhỏ, làm những công việc mang tính thời vụ. Do phải cân nhắc nhiều yếu tố để chọn lựa công việc phù hợp với sức khỏe, điều kiện gia đình nên cơ hội việc làm dành cho phụ nữ lớn tuổi ngày càng bị thu hẹp.

Các cơ quan tổ chức của TPHCM đang thảo luận nhiều về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đã xuất hiện những dịch vụ liên quan đến các sản phẩm thân thiện môi trường mà lao động nữ có thể tham gia được. Vì vậy, việc đa dạng cơ cấu kinh tế không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động nữ mà còn giúp họ thích ứng được với bối cảnh, môi trường làm việc tương đối bấp bênh như hiện nay.

* Xin cảm ơn ông. 

Nguyệt Minh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI