Tạo cho con một sân khấu nhỏ, hạnh phúc to và tình yêu lan tỏa

27/05/2017 - 12:21

PNO - Gắn vài bông hoa vô là tưng bừng. Gần chục bạn thú nhồi bông mèo, sóc thỏ, bà, mẹ ngồi xung quanh. Chỉ thế cũng đủ làm anh em con háo hức hát múa suốt buổi.

Sáng hôm qua, dẫn cô gái của mẹ đi học, mẹ và con gặp các bạn nhỏ đang đứng dưới sảnh lớn của trường tập múa, chắc là tiết mục biểu diễn tổng kết năm học. Mẹ rủ: “Mình dừng lại xem các bạn múa hát tí nhỉ?”.

Con lắc đầu dứt khoát, có phần bực bội: “Không, con không xem”. Rồi con ngoảnh đi với đôi mắt thật buồn. Lên cầu thang, lại xuất hiện hình ảnh các bạn múa hát, con lấy tay che mắt. Đó là thái độ rất lạ, lần đầu mẹ gặp.

Tao cho con mot san khau nho, hanh phuc to va tinh yeu lan toa
Ảnh minh họa

Và mẹ hiểu ngay nguyên nhân. Với một cô bé nhạy cảm, điệu đà, thích hát múa (dù hát còn ngang và ngọng), thích búp bê như con, thì việc không được biểu diễn cũng có thể là nỗi buồn lắm chứ.

Tuổi thơ của mẹ bạn chẳng bao giờ có nỗi buồn ấy, vì mẹ bạn mặc định: phải xinh mới được lên sân khấu. Bà ngoại của con thì hay nói rằng: “Ôi lớp con toàn các bé xinh như công chúa, con mình nằm trong số ít tồ tẹt”. Mẹ nghĩ, tồ tẹt thì sao mà múa hát. Sân khấu phải dành cho những bạn tươi xinh.

Tuổi thơ của con thì khác, tất cả người lớn không tiếc lời khen, chẳng ai nói “con tồ tẹt quá” và chuyện đa số các bé muốn lên sân khấu biểu diễn chẳng có gì lạ. Thậm chí còn có ông bố bỏ việc, bán nhà để ủng hộ ước mơ của con, được đứng trên sân khấu X. thi thố cơ mà.

Mẹ nhớ tới câu chuyện của anh Bốp, một cậu bé tăng động, con của bạn mẹ. Trong mắt mẹ anh ấy, anh ấy “chẳng biết gì đâu” ngoài việc “siêu quậy”. Đến việc học từng chữ cái còn khó khăn vật vã. Thế mà ngày hôm kia, anh đi học về khoe: “Con được lên sân khấu đóng kịch”. Mẹ anh ấy bất ngờ suýt rơi cả chén ăn cơm.

“Con á? Con mà đóng kịch á?”, người mẹ hỏi. “Vâng”, anh ấy khẳng định như đinh đóng cột. “Con đóng vai lính của Sơn Tinh”, rồi anh ấy tỏ ra nghiêm trọng: “Mẹ biết không, vai diễn ấy quan trọng lắm nhé. Nhờ có quân lính mà Sơn Tinh mới chiến thắng Thủy Tinh đấy”. Mẹ anh Bốp lập tức hiểu vấn đề.

Quả đúng là  hơn 30 bạn trong lớp anh Bốp đều được phân vai. Vai chính thì có Sơn Tinh, Thủy Tinh, công chúa Mỵ Nương. Vai phụ thì có hai phe quân lính. Tất cả các bé đều được mang niềm vui rằng mình quan trọng, mình được lên sân khấu. Điều bé nhỏ ấy khiến mẹ anh Bốp không giấu được xúc động. Cả hai bà mẹ đều nể cô giáo vì cách giải quyết có tâm và có lý.

Tao cho con mot san khau nho, hanh phuc to va tinh yeu lan toa
Ảnh minh họa

Tạo cho mỗi đứa trẻ có sự tự tin, có cảm hứng về bản thân mình, điều ấy quan trọng hơn rất nhiều việc đứng trên sân khấu. Và đó là điều mà mẹ học được từ cô giáo của anh Bốp. Mẹ liền nói với con gái mẹ rằng, thực ra việc lên sân khấu cũng chẳng đặc biệt lắm đâu.

Để cuối tuần mẹ làm sân khấu, hai anh em sẽ hát, mẹ sẽ mở nhạc thật hay. Rồi mẹ mở bài Gia đình nhỏ, hạnh phúc to con múa cho bố mẹ và các bạn gấu thỏ xem nhé. Con múa bài ấy mẹ thích lắm đấy. Con gái nói: “Dạ, mẹ nhớ làm cái bông gắn trên tay cho con giống các bạn ở trường nha”. “Chắc chắn rồi, một cái bông thiệt to và đẹp nha”. 
“Sân khấu” của mẹ con mình, chẳng đâu xa, là chiếc giường ngủ.

Gắn vài bông hoa vô là tưng bừng. Gần chục bạn thú nhồi bông mèo, sóc thỏ, bà, mẹ ngồi xung quanh. Lâu lâu lại có thêm khán giả là bố, dì Hoa, dì Huệ… Chỉ thế cũng đủ làm anh em con háo hức hát múa suốt buổi. Nhìn con, mẹ nhớ tới hình ảnh một gia đình người Hàn bên hồ bơi gần nhà mình.

Lúc anh chồng đã ngoài 40 tuổi khởi động trước khi bơi bằng việc hát một điệu hát, nhún nhảy theo điệu hát đó thì cô vợ trẻ đang cho con uống nước bật cười khanh khách. Cậu con trai nhỏ thả bình nước, hào hứng chạy lại nhảy nhót quanh bố. Và mẹ nhìn họ mê mải, thấy buổi sáng thật ngọt.

Có những “sân khấu” nhỏ, thật nhỏ thôi, mà tỏa sáng bằng tình yêu. 

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI