Tạo áp lực lên trẻ đến mức nào là đủ?

08/03/2016 - 07:54

PNO - Dùng các biện pháp gây áp lực để thúc đẩy trẻ cố gắng học tập được nhiều thầy cô và cha mẹ sử dụng thường xuyên. 

Từ nhẹ như là mắng, phạt ra đứng ở một góc, tăng thêm thời gian học hay lao động chân tay, cho đến nặng hơn như sỉ nhục trẻ, roi vọt. Dù hình phạt là để thúc ép trẻ cố gắng, nhưng thường để lại các hậu quả tai hại về về sau. Nhiều trẻ bị ám ảnh bởi áp lực, hình thành tâm lý sợ học, nhiều trẻ bị dồn nén stress tìm cách giải tỏa bằng hành vi xấu, nổi loạn hoặc tìm đến cái chết.

Người lớn thúc ép trẻ đến mức nào có thể chấp nhận được? Kết quả của việc đặt áp lực lên trẻ có đáng với những tác hại chúng gây ra hay không?

Tao ap luc len tre den muc nao la du?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tại sao người lớn hay thúc ép trẻ?

Khi thầy cô, cha mẹ la mắng trẻ vì chúng quên làm bài tập; bực tức vì chúng không thể tiếp thu được mộ  kỹ năng, họ tìm kiếm kết quả gì ? Lý do đến từ thực tế có sự cách biệt rất lớn về chất lượng sống giữa người thành công trong sự nghiệp và người kém thành công hơn. Để thành công, một cá nhân phải trải qua quá trình giáo dục tốt, với sự thúc đẩy cần thiết của bố mẹ, thầy cô, môi trường xung quanh và chính bản thân họ.

Bố mẹ nào chẳng muốn con của họ hạnh phúc trong tương lai. Nên dù thấy trẻ khó chịu, họ vẫn lựa chọn các biện pháp gây áp lực, cùng lúc đòi hỏi cả thầ  cô cũng sử dụng cách giáo dục tương tự. Những câu nói như “Thầy cứ phạt nếu cháu không chịu học” được nhiều phụ huynh sử dụng.

Hậu quả của áp lực

Một trong những biện pháp gây áp lực phổ biến mà cha mẹ thường áp dụng là liên tục lặp lại thông điệp kiểu như “Nếu con không học tốt, sau này không vào đại học được, chỉ còn nước đi bán vé số!”. Lạm dụng cách thức này, cha mẹ có thể vô tình làm mất đi động lực cố gắng của trẻ, khiến chúng tìm cách né tránh chủ đề “học để vào đại học”, với suy nghĩ sợ mình không thể thỏa mãn được mong đợi của bố mẹ. Đối với những trẻ cố gắng theo đuổi nguyện vọng của cha mẹ, thầy cô, nhưng thất bại, áp lực sẽ lại tiếp tục làm trẻ thêm thất vọng, buồn chán. Nhiều trẻ không chịu nổi áp lực từ sự kỳ vọng của người lớn và tìm đến những cách ứng xử tiêu cực.

Cuối tháng 12/2015, một nữ sinh lớp 11 ở Bình Phước để lại năm bức thư tuyệt mệnh gửi gia đình, bạn bè rồi nhảy hồ tự tử vì thất vọng về bản thân khi “không thể hoàn thành ước mơ của bố mẹ”. Trong thư, có đoạn em viết “Bố mẹ biết không, con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng mặc được bộ quân phục ấy dù chỉ một lần. Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết. Nhưng con luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn… Con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được. Con xin lỗi”.

Căng thẳng, lo lắng gây tác động không tốt cho trẻ trong quá trình học tập. Khi stress, nhiều trẻ còn bị chóng mặt, ói mửa, mệt mỏi... Với những trẻ sống nội tâm, stress do áp lực còn dẫn đến các rối loạn về tâm lý. Những trẻ hướng ngoại thì tìm đến các hành vi nổi loạn, chống cự và tự bảo vệ trước áp lực. Nguy hiểm hơn, các biện pháp thúc ép trẻ quá đáng sẽ gây rạn nứt mối quan hệ giữa bố mẹ, thầy cô và con trẻ, gây cản trở rất lớn đến sự phát triển và học tập.

Tạo áp lực như thế nào?

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, những biện pháp thúc ép trẻ không phải lúc nào cũng để lại kết quả tiêu cực. Chuyên gia tâm lý ThS Nguyễn Thụy Chi khuyến cáo: “Cha mẹ và thầy cô cần hiểu rõ tính chất của từng biện pháp, cho từng trường hợp, điều chỉnh phù hợp với trẻ để giảm nhẹ hậu quả mà chúng có thể để lại. Hơn nữa, sử dụng áp lự  đúng cách còn có thể tăng thêm hiệu quả khuyến khích trẻ mà ta mong muốn”.

Mấu chốt nằm ở việc cân bằng giữa tạo áp lực và giữ cho trẻ môi trường học tập vui tươi, thích hợp với nhu cầu của trẻ. Lằn ranh giới hạn “quá mức” chính là lúc người lớn thúc ép trẻ đến mức chúng không còn thích thú với hoạt động hay việc học tập nữa. Mức độ ưa thích công việc của trẻ càng cao, người lớn càng có thể gây áp lực nhiều hơn lên trẻ. Với một môn học trẻ không mấy thích thú, nếu muốn trẻ đạt kết quả tốt hơn, hãy tìm cách tăng sự hứng thú của trẻ với bộ môn này trước khi đặt áp lực buộc em cố gắng hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI