Tăng xử phạt nồng độ cồn, giảm người nhập viện do say xỉn

25/12/2023 - 06:53

PNO - Sau 1 tháng cao điểm xử phạt vi phạm nồng độ cồn tại TPHCM, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 2.256 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Nhờ vậy, số người đến bệnh viện cấp cứu liên quan đến bia, rượu giảm mạnh.

 

Giảm người cấp cứu liên quan đến rượu, bia

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - thông tin, từ ngày 16/11 đến 15/12/2023, lực lượng công an đã kiểm soát, phát hiện, xử lý 2.256 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 1.095 trường hợp (94%), so với tháng liền kề tăng 595 trường hợp (36%).

Số người đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu liên quan đến rượu, bia có xu hướng giảm mạnh khi lực lượng chức năng siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Phạm An
Số người đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu liên quan đến rượu, bia có xu hướng giảm mạnh khi lực lượng chức năng siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Phạm An

Cùng thời điểm trên, TPHCM xảy ra 180 vụ tai nạn giao thông, làm 40 người chết, 131 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông so với tháng liền kề giảm 25 vụ, giảm 36 người chết, giảm 2 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 8 vụ, giảm 10 người chết, tăng 5 người bị thương. “Hiệu quả nhận thấy rất rõ của đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nồng độ cồn là số người chết so với cùng kỳ năm 2022 giảm rất sâu” - đại diện Công an TPHCM đánh giá.

Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, mỗi năm có khoảng 1.000-2.000 trường hợp liên quan đến nồng độ cồn được đưa đến cấp cứu, thường gặp nhất ở các ngày cuối tuần, vào ban đêm. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sử - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - chia sẻ: “Do thành phố mới vừa ra quân đo nồng độ cồn, bệnh viện chưa có thống kê chính xác số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông do bia rượu đưa đến cấp cứu. Nhưng theo cảm nhận cá nhân, tính tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện, các trường hợp người dân được đưa đến cấp cứu liên quan đến bia, rượu giảm gần như một nửa”.

Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an TPHCM kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe tải trên Quốc lộ 1, khu vực qua quận Bình Tân - Ảnh: Minh Vương
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an TPHCM kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe tải trên Quốc lộ 1, khu vực qua quận Bình Tân - Ảnh: Minh Vương

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Hòa Khánh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM - cho rằng: “Chắc chắn xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ mang đến nhiều hiệu quả tích cực. Trước mắt là giúp giảm đáng kể người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, kéo theo tai nạn giao thông cũng sẽ giảm. Ngoài ra, thói quen “chén bạn chén thù” của người dân, đặc biệt là nam giới ở nước ta cũng sẽ dần được điều chỉnh. Sử dụng bia, rượu ở mức độ nhất định cũng có thể giảm thiểu tai nạn sinh hoạt, bạo lực gia đình, mâu thuẫn đánh nhau…”. Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, tính từ đầu năm 2023, có đến hơn 4.100 trường hợp phải nhập viện cấp cứu được kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả, có 590 trường hợp dương tính, chiếm tỉ lệ 4,5% trong tổng số ca.

Khó cấp cứu cho người say

Với thực tế Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận nhiều trường hợp liên quan đến nồng độ cồn được đưa đến cấp cứu vào các ngày cuối tuần, ban đêm, bác sĩ Nguyễn Thanh Sử cho rằng, có thể các ngày nghỉ, mọi người rủ nhau gặp mặt nói chuyện, mời nhau vài ly. Càng nhậu, nhịp độ càng “nóng” hơn, cho đến khi không làm chủ được mình, lời qua tiếng lại rồi gây gổ, đánh nhau. Một số ít bệnh nhân gây tai nạn giao thông cho chính mình và người khác. Chưa dừng lại, khi được đưa vào cấp cứu, lúc này người bệnh không làm chủ được bản thân, biểu hiện phản đối khi bác sĩ đến thăm khám. Bên trong bệnh nhân mắng chửi, la hét; ở ngoài người thân nghe, xót ruột chạy vào hăm dọa, thậm chí nhục mạ, hành hung nhân viên y tế.

Cán bộ của Đội Cảnh sát giao thông Phú Lâm kiểm tra nồng độ cồn, test ma túy với tài xế ở bến xe Miền Tây vào cuối tháng 11/2023 - Ảnh: Minh Vương
Cán bộ của Đội Cảnh sát giao thông Phú Lâm kiểm tra nồng độ cồn, test ma túy với tài xế ở bến xe Miền Tây vào cuối tháng 11/2023 - Ảnh: Minh Vương

Hầu như trong các tình huống xung đột, nhân viên y tế rất khó giải thích. Với người bệnh thì “bia nói, rượu đánh”, còn điều dưỡng, bác sĩ luôn phải cố gắng tìm cách để khám bệnh, đánh giá chấn thương, đưa ra hướng điều trị sớm và tốt nhất. “Nhân viên y tế không thể dùng biện pháp mạnh, trong khi người say xỉn rất hung hãn, thậm chí đã từng có nhiều vụ việc bệnh nhân, thân nhân quậy phá, chửi bới, hành hung bác sĩ, điều dưỡng; bệnh viện phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp” - bác sĩ Nguyễn Thanh Sử cho biết.

Bác sĩ Võ Hòa Khánh cũng ghi nhận Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM có tình huống bệnh nhân say xỉn chửi bới, la hét… khi nhân viên y tế khám, điều trị. “Nhất là lúc người bệnh được đưa vào cấp cứu, ê kíp khá chật vật vì có người uống bia, rượu rất nhiều, không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình. Vì vậy, mỗi lần có bệnh nhân say xỉn được đưa đến, bác sĩ, điều dưỡng trực cấp cứu rất bất an, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng. Bệnh nhân khác thì bất an về tinh thần” - bác sĩ Võ Hòa Khánh nói.

Trên thực tế, người bệnh say xỉn thường trong trạng thái hưng phấn quá độ, hung dữ, dễ cáu gắt, dễ tự khiến vết thương nặng nề thêm. Đã có trường hợp người bệnh bị tai nạn chỉ xây xát nhẹ, nhưng lại có hành vi quá khích, hoảng loạn, đe dọa, yêu cầu nhân viên y tế phải chăm sóc vết thương, khâu vá nhanh cho mình. Tuy nhiên, trong lúc bác sĩ đang chuẩn bị kim, chỉ khâu thì bệnh nhân lại gào thét, tự xé toạc vết thương rồi đổ lỗi và mắng chửi bác sĩ điều trị.

Một số trường hợp người bệnh đã uống rượu, bia rồi tham gia giao thông và gây tai nạn; được người đi đường đưa đến bệnh viện trong tình trạng gãy hở xương, đứt lìa tay hoặc chân. Vì say xỉn, không còn cảm giác đau nên bệnh nhân vẫn tiếp tục “quậy” phòng cấp cứu. Những tình huống này, nhân viên y tế phải rất vất vả để khám, chẩn đoán và khó để phẫu thuật xử lý nhanh chóng, vì cần phải có những xét nghiệm, tầm soát liên quan. Việc quậy phá, cản trở bác sĩ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm… liên tục bị kéo dài, thời gian vàng trôi qua, ảnh hưởng lớn đến điều trị. Nguy cơ người bệnh đối mặt với di chứng sau này rất lớn.

Nhiều ca bệnh khi được đưa đến bệnh viện đã trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê hay hôn mê, mất nhận thức; rất khó để đánh giá người bệnh mất nhận thức do bia rượu hay đa chấn thương, chấn thương sọ não… gây ra. Hầu hết trường hợp bệnh nhân không có người nhà đi cùng nên đôi khi gây khó khăn cho bác sĩ trong chẩn đoán hoặc thực hiện các chỉ định liên quan. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là bệnh viện chuyên khoa, nếu không loại trừ được nguyên nhân, phải chuyển người bệnh đến các bệnh viện đa khoa như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115… để tầm soát toàn cơ thể người bệnh, cũng như kiểm tra về ngộ độc ethanol; sẽ vô tình kéo dài thời gian cấp cứu cũng như tăng chi phí không cần thiết cho bệnh nhân. 

Bệnh nhân say xỉn ăn vạ, xù tiền bệnh viện

Không những gặp khó khăn khi cấp cứu các trường hợp say xỉn gặp tai nạn, một số bệnh viện cũng không thể thu được viện phí. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, một số ít bệnh nhân sau khi đã được cấp cứu, điều trị thành công thì tự ý bỏ về mà không thanh toán viện phí. Lúc nhân viên bệnh viện phát hiện, người bệnh và cả thân nhân “ăn vạ” tiền viện phí. Bệnh nhân một mực cho rằng bản thân khỏe mạnh, không bị chấn thương cũng không đi vào bệnh viện. Bác sĩ tự ý điều trị chứ không yêu cầu chữa bệnh nên không trả tiền. 

“Ở những tình huống này, nhân viên y tế buộc phải để bệnh nhân về nhà, rồi đợi đến khi người bệnh tỉnh táo thì liên hệ lại sau. Tuy nhiên, vẫn không thể lấy lại được tiền viện phí” - bác sĩ Nguyễn Thanh Sử cho hay.

Phạm An

Cần đầu tư hạ tầng giao thông 

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 15/12/2022 đến 14/11/2023, cả nước xảy ra 11.776 vụ tai nạn giao thông (tăng 2,99% so với cùng kỳ), làm chết 6.381 người, bị thương 8.488 người. Tuy nhiên, có một tín hiệu rất đáng mừng là số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm 25% về số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22,6% số người bị thương.

Kiến trúc sư Trần Hùng - công tác tại một đơn vị chuyên thiết kế công trình công cộng ở TPHCM - cho biết, ngoài nguyên nhân tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm nồng độ cồn thì còn một nguyên nhân khác là hạ tầng giao thông. Nhìn chung, hạ tầng giao thông tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được với mật độ giao thông hiện nay.

“Để kéo giảm tai nạn giao thông, việc tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn là chưa đủ. Ở TPHCM vẫn có những con đường được mệnh danh là “tử thần” như: Nguyễn Duy Trinh, Quốc lộ 50… thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn chết người do hạ tầng giao thông không đảm bảo. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp nâng cao hiệu quả việc xử phạt các lỗi chủ quan khác của người tham gia giao thông như: chạy quá tốc độ, vượt ẩu… thì mới mong kéo giảm tai nạn giao thông một cách đồng bộ” - kiến trúc sư Trần Hùng chia sẻ.

Hoàng Lâm 

Nhiều vụ hành hung nhân viên y tế do say xỉn

Cuối tháng 11 đầu tháng 12/2023, nhân viên y tế tại Bệnh viện quận 7 (TPHCM) liên tiếp bị hành hung liên quan đến bệnh nhân, thân nhân say xỉn. Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ - Giám đốc bệnh viện - phải gửi báo cáo đến Sở Y tế TPHCM và chính quyền địa phương nhờ can thiệp. 

Theo đó, tối muộn ngày 22/11, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T. được người nhà đưa đến trong tình trạng có vết thương hở do té ngã. Sau khi thăm khám, bác sĩ tư vấn người bệnh khâu vết thương, bệnh nhân đồng ý. Lúc này, người thân của bệnh nhân không chịu ra ngoài để bác sĩ làm việc, lại có lời nói, hành vi chửi bới, nhục mạ nên bác sĩ cấp cứu buộc phải ngưng khâu vết thương và rời khỏi phòng tiểu phẫu. Thấy vậy, người này đuổi theo, đánh vào mặt trái của bác sĩ. Bệnh viện phải báo Công an phường Tân Phú.

Tiếp đến, khoảng 17g ngày 3/12, bệnh viện nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 tại quán nhậu trên đường 47 phường Tân Quy, quận 7, có nạn nhân bị té ngã bất tỉnh. Nhân viên y tế lập tức đến nơi. Các bác sĩ vào nhà vệ sinh để kiểm tra tình trạng người bệnh, nhận thấy bệnh nhân vẫn bất tỉnh, còn nằm nguyên tại chỗ. Do nhà vệ sinh hẹp, nhân viên y tế nhờ người thân trong cuộc nhậu cùng hỗ trợ để đưa bệnh nhân lên băng ca chuyển đi bệnh viện. Người này mắng nhân viên y tế “sao không tự làm mà bắt hỗ trợ”. Sau khi đưa được bệnh nhân vào băng ca chuyển ra ngoài, người này đi phía sau dùng chân đạp mạnh vào lưng nhân viên y tế. Bệnh viện cũng đã trình báo vụ việc cho Công an phường Tân Phú. 

“Việc cấp cứu cho bệnh nhân là của nhân viên y tế, nhưng việc bảo vệ nhân viên y tế thực sự cần được quan tâm. Bệnh viện mong Công an quận 7 chỉ đạo điều tra, xử lý theo đúng pháp luật hành vi hành hung nhân viên y tế để không còn tình trạng như trên tiếp tục xảy ra với nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế của Bệnh viện quận 7 nói riêng” - bác sĩ Nguyễn Thế Vũ nói.

Không chỉ riêng với Bệnh viện quận 7, các bệnh viện khác ở TPHCM cũng từng gặp tình huống người bệnh, thân nhân say xỉn không hợp tác điều trị, chửi bới, đe dọa, hành hung… Hầu hết các hành vi đều xảy ra đột ngột, bất ngờ nên nhân viên y tế không kịp phản ứng, tránh đòn. Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng cho biết, tình trạng nhân viên y tế bị bệnh nhân say xỉn hành hung là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và sự phục vụ của nhân viên y tế, nhất là trong tình huống cấp cứu người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho đội ngũ nhân viên y tế. Hành vi hành hung nhân viên y tế là vi phạm pháp luật, cần được xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh.

Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TPHCM phát huy hiệu quả quy chế phối hợp, tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình cấp cứu người bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường hỗ trợ kịp thời cho các bệnh viện triển khai quy trình báo động “Code grey” để giữ an ninh, trật tự bệnh viện. Trong đó, lưu ý thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.

P.An 
 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI