Đừng để kỳ thi vào lớp Mười làm khổ học sinh - Bài cuối:

Tăng xây dựng trường công, hỗ trợ trường tư để giảm học phí

18/12/2024 - 06:19

PNO - Ở các thành phố lớn, dân số tăng cơ học nhanh nhưng việc xây dựng trường không theo kịp, khiến kỳ thi vào lớp Mười ngày càng căng thẳng. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, Nhà nước nên mở thêm trường công, có cơ chế thuận lợi để phát triển trường tư, tạo điều kiện tối đa cho học sinh có mong muốn đạt trình độ học vấn THPT.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Tìm phương án mới để giảm áp lực thi lớp Mười

Kỳ thi lớp Mười đã và đang gây áp lực cho cả người học và gia đình. Tỉ lệ học sinh lớp Chín được vào học lớp Mười công lập ngày càng giảm, do đó, học sinh phải học ngày, học đêm, luyện thi ở trường và ở cả các trung tâm để có thể chắc suất đậu. Tuy nhiên, nếu ngay lập tức bỏ kỳ thi tuyển sinh mà dựa vào điểm học bạ để xét tuyển vào lớp Mười thì không ổn. Bởi thực tế, có một số trường THCS chất lượng tốt, trình độ học sinh cao hơn, ngoài dạy học theo sách giáo khoa, thầy cô còn mở rộng các kiến thức khác. Khi thi hoặc kiểm tra, đề sẽ có phần khó hơn, điểm số chặt chẽ hơn. Một số trường khác lại có tình trạng thầy cô thương học sinh, chấm điểm châm chước. Việc dùng điểm học bạ để xét vào lớp Mười có thể giảm căng thẳng nhưng không bảo đảm công bằng.

Trước đây, TPHCM từng có ý định: những quận, huyện đủ điều kiện xây dựng thêm trường lớp, tiếp nhận được khoảng 70 - 80% học sinh tốt nghiệp lớp Chín vào học lớp Mười công lập thì chỉ xét tuyển. Ý định này đã được thí điểm tại một số huyện như: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Nhưng qua thời gian, các trường THPT kêu rằng chất lượng học sinh rất kém vì ở lớp Chín các em không chịu học. Từ đó, Sở GD-ĐT quyết định thi tuyển sinh trên toàn thành phố.

Để có thể xét tuyển vào lớp Mười, TPHCM cần bảo đảm nhiều điều kiện. Đầu tiên là xây dựng đầy đủ trường lớp để tiếp nhận học sinh vào công lập. Tiếp theo là quản lý tốt việc dạy và học. Nghĩa là bảo đảm việc đánh giá của các trường dù lớn hay nhỏ, ở nội thành hay ngoại thành đều chặt chẽ và giống nhau. Thầy cô phải dạy tốt dù có thi hay không thi. Một điều rất quan trọng nữa là trường học phải giáo dục được ý thức học tập của học sinh. Học không phải để thi cử mà để có kiến thức, có điều kiện học những ngành nghề yêu thích, trở thành người công dân tốt. Chỉ khi thực hiện được những điều trên thì mới có thể nghĩ đến chuyện xét tuyển vào lớp Mười.

Lãnh đạo ngành cần thông qua các kỳ thi đã diễn ra, khảo sát mong muốn của học sinh, gia đình học sinh và xã hội để tìm ra phương án mới, bảo đảm giảm bớt căng thẳng, áp lực cho người học và gia đình người học.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền: Cần hình thành đội ngũ tư vấn hướng nghiệp có chuyên môn

Hệ thống giáo dục phổ thông ở mỗi quốc gia có số năm khác nhau. Ở Anh là 11 năm, 2 năm tiếp theo gọi là sau phổ thông. Ở Phần Lan thì kéo dài từ tiền tiểu học cho đến hết lớp Chín, sau đó vận hành như hệ thống tại Việt Nam. Hệ thống giáo dục sau khi tốt nghiệp bậc THCS của nước ta khá tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới. Học sinh có nhiều con đường khác nhau để tiếp tục học tập như học tại hệ thống THPT bình thường theo hướng học thuật hoặc học nghề song song với kiến thức phổ thông.

Định hướng này phù hợp với xu hướng thế giới, năng lực của nhiều học sinh. Nhưng vấn đề của nước ta là phụ huynh, học sinh chưa đánh giá cao giá trị của các hệ thống giáo dục ngoài các trường THPT công lập. Nguyên nhân là do tác động của yếu tố về văn hóa truyền thống, người dân Việt Nam luôn có niềm tin lớn hơn vào hệ thống trường THPT công lập, chưa đánh giá cao khả năng của các trường trung cấp nghề…

Muốn thay đổi cách nhìn của phụ huynh, chúng ta phải làm tốt hơn công tác tư vấn hướng nghiệp. Hiện nay, các trường THCS đều đã có đội ngũ tư vấn hướng nghiệp nhưng năng lực của đội ngũ này chưa tốt. Chỉ có ít thầy cô phân tích được khả năng, sở trường của học sinh, để các em tin mình phù hợp với môi trường nào, từ đó thay đổi mong muốn, nguyện vọng. Hoặc học những nghề nào thì ra trường có việc làm ngay, thậm chí lương bằng người học đại học…

Muốn công tác tư vấn hướng nghiệp tốt hơn, chúng ta phải hình thành đội ngũ tư vấn viên có đủ năng lực và am hiểu chuyên môn. Nhưng chúng ta không thể ngồi chờ những giáo viên này tự mình nâng cao kỹ năng. Chỉ khi nước ta có hẳn mã số nghề nghiệp và một ngành đào tạo nhân viên tư vấn hướng nghiệp như ở Phần Lan thì mới có thể bỏ kỳ thi vào lớp Mười.

Tôi không ủng hộ việc bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp Mười, trừ khi các trường THCS làm tốt hơn công tác đánh giá học sinh và công tác hướng nghiệp.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT: Hỗ trợ trường tư để có thể thu học phí thấp

Ở nước ta, phần lớn các gia đình - kể cả những gia đình có thu nhập thấp - đều quan niệm người ở độ tuổi 14-15, vừa tốt nghiệp THCS thì chưa đủ vững vàng để gia nhập vào thị trường lao động. Nên các gia đình đều mong muốn sau THCS, con em mình được học lên THPT. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, để đáp ứng được nguyện vọng đó lại phụ thuộc chính sách phổ cập - tiềm lực kinh tế của địa phương, phúc lợi xã hội của quốc gia càng lớn thì bậc phổ cập càng cao.

Nước ta hiện nay mới phổ cập đến bậc THCS. Lên bậc THPT, chỉ có một bộ phận học sinh vào được trường công lập. Để khắc phục, chúng ta đã có chính sách phát triển hệ thống các trường nghề, các trường ngoài công lập.

Và tôi chủ yếu muốn nói đến các trường tư thục. Nếu học sinh không đậu lớp Mười THPT công lập thì phải tiếp cận các trường tư thục. Tôi cho rằng điều đó cũng bình thường. Tuy nhiên, việc có một bộ phận khá lớn học sinh phải vào các trường THPT tư thục như hiện nay lại là vấn đề. Nó dẫn đến thực trạng cạnh tranh, áp lực trong các kỳ thi vào lớp Mười. Số các trường tư thục chiếm tỉ lệ tương đối, thậm chí là khá lớn cũng cho thấy sự cố gắng theo tinh thần xã hội hóa của các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Mọi học sinh THPT, dù công lập hay tư thục cũng đều bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Nhưng rõ ràng, đối với những gia đình có thu nhập thấp, thậm chí thu nhập trung bình cũng khó có thể cho con em mình theo học ở các trường tư thục.

Do đó, để học phí trường tư không cách quá xa thu nhập của các gia đình, Nhà nước có thể tạo điều kiện cho mượn đất hoặc cho thuê đất với giá ưu đãi và giảm thuế cho các trường. Bởi tiền mặt bằng đang là một trong những khó khăn lớn và chiếm chi phí đầu tư lớn nhất. Khi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng của các trường này giảm, mức đóng góp của người học cũng sẽ giảm.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: Mở rộng, xây dựng trường THPT công lập

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến áp lực trong kỳ thi vào lớp Mười công lập ở các thành phố lớn là thiếu trường lớp. Đặc biệt ở những quận nội thành, số trường THPT công lập rất ít. Có những quận, học sinh tăng theo từng năm, trong khi nhiều năm qua không có thêm trường THPT công lập nào được xây dựng.

Để giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp Mười cũng như đáp ứng nhu cầu học tập khi tăng dân số, việc cần làm là phải nhanh chóng mở rộng, xây dựng trường THPT công lập nói riêng và trường học công lập các cấp nói chung. Bên cạnh chính sách của Nhà nước, có thể mở rộng chính sách công - tư hợp tác để từng quận, huyện căn cứ nhu cầu phát triển dân số trong quá trình đô thị hóa, giao đất sạch cho các nhà đầu tư xây dựng trường. Nhà nước giao đất, có thể yêu cầu nhà đầu tư áp mức học phí bảo đảm phù hợp với nhiều đối tượng người dân, thay vì học phí trường tư quá cao, người dân không theo kịp như hiện nay.

Quyền của học sinh là được đi học. Các em có quyền được chọn học ở đâu, làm nghề gì và không ai được phép ngăn cản.

Trang Thư - Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI