Tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm thêm có thể dẫn đến nhiều hệ lụy

29/05/2019 - 10:51

PNO - Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu chưa làm rõ được tính hợp lý về khoảng cách tuổi giữa nam và nữ; việc tăng giờ làm thêm có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội và bất lợi cho người lao động.

Sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Cần bổ sung danh mục ngành nghề được nghỉ hưu sớm

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ theo hai lộ trình.

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tang tuoi nghi huu va gio lam them co the dan den nhieu he luy
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày phương án tăng tuổi nghỉ hưu với 2 lộ trinh

Với hai phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ, kể từ năm 2021).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026  và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ, kể từ năm 2021).

Đồng thời, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Nguyễn Thúy Anh - cho biết, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Chính phủ chưa làm rõ được tính hợp lý về khoảng cách nghỉ hưu giữa nam và nữ, trong khi khoảng cách này tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.

Tang tuoi nghi huu va gio lam them co the dan den nhieu he luy
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, còn nhiều vấn đề cần làm rõ để xem xét đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Do đó, ủy ban này đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu dựa trên các yếu tố: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe, mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội, các yếu tố ảnh hưởng khác.

Bên cạnh đó, cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán.

Cần rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

Tăng giờ làm thêm là đi ngược xu hướng tiến bộ

Dự thảo luật cũng quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Theo đó, mức tăng giờ làm thêm cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe cho người lao động, dự thảo luật quy việc thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ, trả lương ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết.

Tang tuoi nghi huu va gio lam them co the dan den nhieu he luy
Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng giờ làm sẽ gây ra nhiều hệ lụy xã hội

Liên quan tới vấn đề này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp nhận hai loại ý kiến khác nhau. Ngoài ý kiến tán thành, có ý kiến đề nghị không tăng giờ làm thêm vì không phù hợp với xu hướng tiến bộ “tăng lương, giảm giờ làm”.

“Việc tăng giờ có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội và bất lợi cho người lao động trong bối cảnh các chỉ số phát triển con người của Việt Nam đang chững lại, hệ số bất bình đẳng thu nhập có xu hướng tăng” - bà Nguyễn Thúy Anh dẫn ý kiến.

Do đó, ủy ban này cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Từ đó, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI