Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây bất lợi cho nữ công nhân

29/05/2019 - 08:14

PNO - Dự thảo Luật Lao động quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam và nữ đã bị nhiều đại biểu Quốc hội phản đối, cho rằng sẽ gây bất lợi cho người lao động.

Phản đối quy định tại dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho rằng, nếu áp dụng vào thực tế, nhiều người lao động - đặc biệt là nữ - sẽ mất việc hoặc không đủ sức khỏe và khả năng đáp ứng các yêu cầu công việc.

Tang tuoi nghi huu se gay bat loi cho nu cong nhan
Quy định tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đang gặp nhiều ý kiến phản đối

Tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm tăng xung đột

Hôm nay (29/5), Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Lao động (sửa đổi). Một trong những quy định mới thu hút sự quan tâm của người dân là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho rằng, các giải trình hiện nay về sự cần thiết tăng độ tuổi nghỉ hưu chưa thuyết phục và không đứng về phía lợi ích của người lao động.

“Hiện nay, trong thị trường lao động của Việt Nam, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, lực lượng đông nhất là công nhân. Họ trực tiếp gia công các sản phẩm, bán thành phẩm. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì lực lượng lao động này, đặc biệt là nữ giới, sẽ không thể nào giữ được việc. Nếu giữ được việc thì sức khỏe cũng không thể đảm bảo để đáp ứng yêu cầu công việc” - đại biểu Thúy phân tích.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, hiện sức khỏe của người Việt đã cải thiện đáng kể, người lao động ở nhiều vị trí, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, trí thức có nguyện vọng được cống hiến lâu dài hơn, đại biểu này khẳng định, không có gì trở ngại nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, bởi nghị định của Chính phủ đã có quy định riêng dành cho các chuyên gia khi đến tuổi nghỉ hưu: dù không tiếp tục làm công việc quản lý thì vẫn được tiếp tục công tác 5 năm ở các vị trí giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cho lĩnh vực họ thực hiện. 

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai - đề nghị, cần phải tính toán kỹ và quan tâm tới các nhóm đối tượng điều chỉnh. Cụ thể, tại khu vực công, quy định nâng tuổi nghỉ hưu có thể hợp lý và thực hiện được, nhưng đối với các doanh nghiệp, với những người lao động nặng nhọc, các ngành nghề gây suy giảm sức khỏe nhiều như dệt may, điện tử, giày da, cao su, phải xem xét và có quy định đặc thù.

“Tại địa phương, qua tiếp xúc ban đầu, không có người lao động nào đồng thuận với phương án tăng tuổi như dự thảo luật đưa ra. Họ đã phản ứng và phân tích rất nhiều lý lẽ để phản bác lại quy định này” - bà Như Ý cho hay. Bà đề xuất, để có những quy định hài hòa giữa lợi ích của các nhóm đối tượng lao động, cần phải tổ chức lấy ý kiến cụ thể và rộng rãi.

Trong khi đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đánh giá, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng có thể tạo ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, bởi các chủ doanh nghiệp luôn muốn sử dụng nguồn lao động trẻ, vì đối tượng này có năng suất cao và chi phí tiền lương lại thấp hơn. “Tôi cho rằng, cần thiết kế để có tuổi nghỉ hưu linh hoạt, đảm bảo quyền lợi người lao động. Khi sức khỏe không còn đủ, động lực làm việc không còn tốt thì chúng ta buộc họ phải làm việc cũng không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, không mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Có lộ trình để tránh sốc

Liên quan tới lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đề ra hai phương án.

Phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đồng tình rằng, nếu áp dụng ngay quy định tăng lên 62 và 60 tuổi vào năm 2021, sẽ gây sốc. Bà thiên về phương án 1 để có thời gian cho người lao động “thích nghi”, tạo các bước đệm cần thiết cho các chính sách đi kèm.

Dù đồng tình về việc có lộ trình khi tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng nhiều ý kiến cũng băn khoăn, việc tăng “lắt nhắt” 3-4 tháng tuổi nghỉ hưu/năm có thể gây nhiều phiền phức cũng như không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) đặt câu hỏi, tại sao không tăng theo lộ trình, ví như đối với nam giới, 5 năm nâng một tuổi, 10 năm tăng 2 tuổi để “dễ tính toán”: “Đến 2021, tôi tròn 60 tuổi, làm thêm 3 tháng thì liệu 3 tháng của tôi có hiệu quả không, năng suất tốt không? Điều này cũng cần lấy ý kiến của tất cả đối tượng để có phương án đúng”. 

Cần chi phí thỏa đáng khi tăng giờ làm thêm

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho biết, xu hướng của thị trường lao động hiện nay là giảm giờ làm, tăng thu nhập.

Trên thực tế, với nhu cầu sản xuất, áp lực gia tăng hàng hóa thì không cho tăng ca, nhiều đơn vị vẫn tăng ca. Do đó, đại biểu này ủng hộ quy định như dự thảo, nhưng cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn về mức lương lũy tiến theo giờ làm thêm để đảm bảo khoản tiền này xứng đáng với công sức người lao động bỏ ra.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, hệ số tăng lương lũy tiến cần tính toán theo các nhóm ngày làm việc khác nhau, không thể đồng nhất. Cụ thể, lương lũy tiến theo giờ làm thêm vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật phải cao hơn so với ngày thường. Bên cạnh đó, đại biểu này đề xuất giảm giờ làm hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần, từ đó, người lao động có thể lựa chọn làm thêm 4 giờ còn lại và hưởng tiền tăng thêm.

“Hiện nay, chính sách lao động này đang được các nước tiên tiến thực hiện, tại sao Việt Nam chưa áp dụng? Đừng chỉ chăm chăm tăng giờ làm để tăng thu nhập cho người lao động, đó không phải chính sách để chuẩn bị cho một lực lượng lao động tốt mà là vắt kiệt sức của họ” - đại biểu Thúy nói.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI