Tăng trưởng xanh là vấn đề sống còn

27/01/2024 - 06:21

PNO - Cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, TPHCM cũng đồng thời chịu nhiều hệ lụy của tăng trưởng nóng, đó là kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm, TPHCM thiệt hại kinh tế do ngập nước là 250 triệu USD và có thể tăng lên mức trên 300-350 triệu USD trong thời gian tới. Còn theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, kẹt xe khiến TPHCM thiệt hại khoảng 6 tỉ USD vào năm 2023, trong khi con số này năm 2015 chỉ khoảng 1,3 tỉ USD.

Hệ thống rừng Cần Giờ có giá trị quy đổi tín chỉ các bon rất lớn - Ảnh: Sơn Vinh
Hệ thống rừng Cần Giờ có giá trị quy đổi tín chỉ các bon rất lớn - Ảnh: Sơn Vinh

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu trước tình trạng nhiệt độ cao và hiện tượng thời tiết cực đoan. TPHCM là 1 trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), trung bình mỗi năm, tổng lượng phát thải khí nhà kính ở TPHCM là hơn 60 triệu tấn CO2, lượng bụi mịn (PM2.5) và khí độc hại (như NO2, SO2, CO...) đều vượt quá 4-5 lần ngưỡng khuyến nghị về sức khỏe theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Thực trạng trên cho thấy, tăng trưởng xanh mà gắn với nó là kinh tế xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, lối sống xanh... không đơn thuần là một sự lựa chọn mà là vấn đề sống còn của TPHCM hiện nay và trong tương lai. Nhận thức được điều đó, chính quyền thành phố chú trọng đến tăng trưởng xanh, trong đó đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030, nhằm xây dựng môi trường sống, làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa từ năm 2012 và sau đó là năm 2021 thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược nêu rõ, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Theo các chuyên gia, TPHCM hội đủ các yếu tố để đi đầu trong chiến lược tăng trưởng xanh bởi đây là nơi hội tụ nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, sáng tạo; ý thức của lãnh đạo chính quyền, người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, lối sống xanh được định hình từ rất sớm.

TPHCM còn được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15. Để việc kêu gọi đầu tư cho chuyển đổi xanh hiệu quả, chính quyền thành phố cần nhanh chóng cụ thể hóa các chính sách, xây dựng lộ trình nhất quán, rõ ràng, hiệu quả, đồng thời đầu tư hạ tầng giao thông, bến cảng, kho bãi, khu công nghiệp xanh để thu hút những tập đoàn công nghệ lớn của thế giới.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Minh Khương - giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) - gợi ý, TPHCM có thể học hỏi Singapore trong quá trình phát triển kinh tế xanh, với bước đi đầu tiên là sinh tồn (survival). Nghĩa là, chính quyền và người dân thành phố phải ý thức được rằng, chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn. Ở bước này, Singapore xem việc làm sạch các dòng sông giai đoạn 1977-1987 là điều cơ bản, chiến lược trọng tâm trước khi chuyển đổi xanh. Theo ông, TPHCM cũng nên bắt đầu bằng việc cải tạo, làm sạch sông Sài Gòn và các kênh, rạch. 

Dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này. Phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân”. 

Quả vậy. Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh cần bắt đầu từ những điều rất thiết thực cho người dân, đảm bảo chất lượng sống của người dân.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI