Tăng trưởng kinh tế 2 con số là “trong tầm tay”

14/02/2025 - 06:38

PNO - Đại biểu Quốc hội đánh giá, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số, giúp Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mục tiêu táo bạo, ý nghĩa chiến lược

Tại kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 12/2, Chính phủ đã trình Quốc hội đề án bổ sung về phát triển kinh tế, xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên. Con số này cao hơn mục tiêu đã được Quốc hội quyết nghị là 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025. Do đó, mức tăng trưởng GDP cả nước cần đạt 8% trở lên để góp phần tạo nền tảng vững chắc giúp đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số bắt đầu từ năm 2026.

Các đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần tăng năng suất lao động - Ảnh minh họa: N.Thu
Các đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần tăng năng suất lao động - Ảnh minh họa: N.Thu

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đánh giá, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 2 con số mang ý nghĩa chiến lược, đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển vượt bậc. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì phải có ít nhất 10 năm đạt mức tăng trưởng 2 con số, như bài học của Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc... “Đây không chỉ là khát vọng mà hoàn toàn có cơ sở để biến thành hiện thực và đây là thời điểm bắt đầu” - ông nói.

Ông cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên trong năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ đen tối của đại dịch, lạm phát cao, tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng dương, được đánh giá là ngôi sao sáng”. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư, được các nhà đầu tư lựa chọn. Đây là tiềm năng và lợi thế rõ rệt của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Nguồn ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Nguồn ảnh: Media Quốc hội

Năm 2025, việc sửa đổi, bổ sung 3 luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và nhiều luật khác chính thức có hiệu lực sẽ tháo gỡ “nút thắt” về thể chế, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển. Các động lực cho tăng trưởng đang được duy trì, như nguồn lực đầu tư công, môi trường đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch. Ông nói: “Trên hết, chúng ta có sự đồng lòng, quyết tâm cao của toàn xã hội, nghĩa là có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nên hoàn toàn vững tin để thực hiện”.

Cần tăng năng suất lao động

Bàn về chỉ tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nói: “Đây là con số rất cao nhưng có cơ sở để thực hiện”. Theo ông, trong năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,09%, vượt mục tiêu đề ra và là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn khó khăn. Tới nay, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn so với doanh nghiệp ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Nguồn ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Nguồn ảnh: Media Quốc hội

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong tương lai, điều cốt yếu là tăng cao năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất thế giới, là do 60% người lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức, là những người làm việc không có hợp đồng, chủ yếu làm trong lĩnh vực nông nghiệp, làm tự do, kinh doanh hộ gia đình, không có quy tắc, quy trình, giờ giấc cụ thể. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước phải có chính sách để “hút” bớt lao động ở khu vực này sang khu chính thức bằng cách khuyến khích và thúc đẩy kinh tế tư nhân. Ngoài ra, ở khu vực chính thức, người lao động Việt Nam chủ yếu làm ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thay đổi tư duy “không quản được thì cấm”. Luật pháp không nên quy định “được phép làm gì” mà nên khuyến khích công dân làm thế nào để hiệu quả, đưa ra nguyên tắc để tăng tính chủ động sáng tạo.

Tinh giản nhưng phải giữ được người tài đức

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc tinh giản chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của bộ máy cơ quan công quyền trong thời gian đầu, nên cần phải ổn định một cách khẩn trương, trơn tru: “Giữ lại những người cùng phe cánh, “con ông cháu cha” mà để người tài ra đi là thiệt thòi rất lớn. Chúng ta phải có được những người có tài, phẩm chất đạo đức để tạo ra sức bật, nâng cao hiệu quả lao động”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI