|
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, hoạt động kinh tế xã hội sôi động trong những tháng đầu năm |
Nỗ lực trong bối cảnh kinh tế khó khăn
Sáng 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Phó Thủ tướng đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra sôi động hơn. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. “Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên.
Quý I năm 2024, lực lượng lao động đạt 51,3 triệu người, tăng 174.100 người và tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng kinh tế chưa quay lại quỹ đạo cần thiết
|
Toàn cảnh phiên họp sáng 20/5 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn, tồn tại. Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỉ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp.
Giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng chưa đạt yêu cầu. Các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỉ đồng; mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỉ đồng.
Thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, cháy rừng, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn diễn biến phức tạp...
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - lưu ý, GDP Quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất giai đoạn 2020 - 2023, nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới nhưng vẫn thấp hơn tăng trưởng bình quân 6,2% giai đoạn 2015 - 2019 (trước dịch COVID-19).
“Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, mức tăng trưởng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững, và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. Ông dẫn chứng, tình trạng giá vé máy bay tăng cao, tác động tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch nội địa. Điều này thể hiện rõ qua dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, khi các địa phương hưởng lợi từ hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc như Thanh Hóa đón lượng khách tăng cao kỷ lục, trong khi địa phương phụ thuộc chủ yếu đường hàng không như Phú Quốc ghi nhận khách nội địa giảm.
Cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại.
“Có ý kiến cho rằng, tốc độ tăng giá nhà chung cư, giá đất ở tại các thành phố lớn gấp nhiều lần tốc độ tăng thu nhập, khiến nhu cầu mua nhà ở của người lao động, nhất là lao động trẻ, công chức, viên chức không được bảo đảm”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế nêu ý kiến.
Theo ông, xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn tới người có nhu cầu thực không thể tiếp cận đất đai, trong khi đất đai bị bỏ hoang. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng nêu trên.
Minh Quang