Tăng trữ nước, nạo vét sông để giảm ngập cho Hà Nội

08/08/2024 - 06:21

PNO - Sau trận mưa lớn cuối tháng 7/2024, khu đô thị mới Geleximco (huyện Hoài Đức), khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) và hàng loạt tuyến đường của TP Hà Nội chìm trong biển nước.

Khu đô thị thành ốc đảo

Cứ tới mùa mưa bão, gia đình anh Nguyễn Chung - ở chung cư Gemek 1 trong khu đô thị mới Geleximco, huyện Hoài Đức - lại lo bị ngập lụt, cuộc sống bị đảo lộn. Chỉ cần một trận mưa lớn, kéo dài qua đêm, cả khu vực nằm cạnh công viên giải trí Thiên đường Bảo Sơn này lại ngập nặng.

Nước ngập trên phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân - ẢNH: BẢO KHANG
Nước ngập trên phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân - ẢNH: BẢO KHANG

Chỉ riêng với trận mưa lớn cuối tháng Bảy vừa rồi, khu này đã bị ngập cao quá đầu gối người lớn. Anh Chung đi làm từ sáng nhưng tới trưa mới vào đến cơ quan bởi xe chết máy, phải dắt xe qua nhiều đoạn đường ngập nối tiếp nhau giữa lúc kẹt cứng xe cộ. Người dân sống trong những căn biệt thự đắt tiền trong khu đô thị mới Geleximco phải đắp bờ bao cho tầng hầm để ngăn nước chảy vào, trang bị máy bơm công suất lớn để đẩy nước ra ngoài.

Cũng sau đợt mưa cuối tháng Bảy, mọi con đường ra vào khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông mênh mông nước khiến việc đi lại khó khăn, hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước TP Hà Nội, thành phố này có hơn 30 điểm ngập úng sau mỗi trận mưa lớn.
Chỉ với những cơn mưa có vũ lượng từ 50 - 70mm, TP Hà Nội đã có khoảng 11 điểm ngập. Trong khi đó, lượng mưa đo được trong trận mưa lớn cuối tháng Bảy vừa qua ở các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Quốc Oai và quận Hà Đông là từ 90 - 114mm.

Cần làm “sống lại” những dòng sông

Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, ngập úng là do biến đổi khí hậu và do quy hoạch: “Chỉ những thành phố có hệ thống cống ngầm thoát nước mới chống được ngập do mưa lớn, nhưng Hà Nội lại không có”.

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cũng cho rằng, ngập lụt đô thị là do biến đổi khí hậu gây ra những trận mưa lớn kéo dài, trong khi quy hoạch cũ chưa tính tới sự biến đổi khí hậu nhanh như vậy. Ví dụ, kích thước cống thoát nước chỉ đáp ứng lượng mưa 50 mm/giờ nhưng hiện nay, lượng mưa tăng gấp 2-3 lần. Thêm vào đó, các công trình ở Hà Nội được xây dựng ồ ạt nhưng chưa quan tâm tới thoát nước. Tình trạng bê tông hóa ngày càng cao khiến nước mưa không thoát được, cũng không thấm xuống đất được mà ứ đọng lại trên đường, giữa thành phố.

Cũng theo ông, toàn bộ kênh thoát nước ở Hà Nội phụ thuộc vào hệ thống sông chảy quanh, nhưng khi mưa lớn, mực nước các sông cũng lên cao nên nước không thể thoát ra. Hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích... lâu nay không được nạo vét, trở thành những dòng “sông chết”. Tính liên kết vùng trong thoát nước cũng kém. Không ít người dân còn ném rác bừa bãi, lấp kín miệng cống thoát nước.

Để chống ngập hiệu quả cho Hà Nội, theo tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - không nên chỉ chú trọng giải quyết ngập trong các khu đô thị mà bỏ quên việc đảm bảo sự hài hòa, đồng bộ hệ thống kỹ thuật với bên ngoài. Chính quyền TP Hà Nội cần điều chỉnh lại quy hoạch, bổ sung các kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, đặc biệt tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn.

Ông đề nghị đầu tư để chống úng ngập cục bộ bằng các trang thiết bị hiện đại, xây dựng các trạm ngập úng cục bộ có gắn kết với hệ thống thoát nước của thành phố.

Mới đây, để chống ngập ở khu vực phố cổ, UBND TP Hà Nội đã khởi động lại việc xây bể điều tiết ngầm tại ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Một số chuyên gia cho rằng, xây các bể điều tiết ngầm là giải pháp hữu hiệu, nhưng ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đây không phải là phương án tối ưu.

Ông dẫn chứng, việc xây dựng bể điều tiết ngầm dưới sân Trường THCS Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa) chỉ làm giảm độ ngập chứ không làm cho hết ngập. Theo ông, hiện Hà Nội mới có khoảng 6.000ha diện tích mặt nước, chiếm 2% diện tích bề mặt, trong khi cần phải đạt 5 - 6%. Do đó, cần tăng diện tích trữ nước bề mặt bằng nhiều giải pháp đồng bộ như bảo vệ mạng lưới sông hồ, đảm bảo diện tích mặt hồ trong các khu đô thị, tăng mảng xanh...

Ông Trần Ngọc Chính cho rằng, các cơ quan chức năng nên xem xét lại quy hoạch, liên kết các hệ thống thoát nước. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần tính toán lại các tiêu chuẩn kỹ thuật mới để phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, như nâng kích thước lòng cống, điều chỉnh miệng cống. Việt Nam cũng cần có những giải pháp táo bạo như ở Nhật Bản và một số nước, chẳng hạn xây các hầm lớn để chứa nước trong mùa mưa và tưới tiêu trong mùa hạn.

Một giải pháp khác là nạo vét các sông mà trước hết là sông Nhuệ. Khi các dòng sông này được hồi sinh, dòng chảy được khơi thông thì nước mới thoát được ra biển.

Huyền Anh - Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI