Tăng trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ trẻ

03/04/2023 - 06:16

PNO - Có dịp dự các phiên họp bàn về phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em, tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ trẻ em sống ở các khu nhà trọ và chung cư cao cấp.

Ở những chung cư cao cấp có ứng dụng công nghệ (cửa căn hộ được mã số hóa, thẻ từ ra vào cổng chỉ dành cho cư dân…) nên việc nắm bắt, quản lý dân cư không đơn giản. Phần lớn các vụ việc trẻ bị xâm hại ở không gian sống này, từ nhận tin báo “có nguy cơ” cho đến tiếp cận được thì đã muộn.

Trẻ em ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân được cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong dịp sinh hoạt hè
Trẻ em ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân được cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong dịp sinh hoạt hè (Ảnh minh họa)


TPHCM là đô thị tập trung khu công nghiệp nhiều nhất cả nước (17 khu chế xuất và khu công nghiệp) với hơn 260.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm hơn 30% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tương ứng, TPHCM cũng đón lượng người khổng lồ từ nơi khác đến làm việc, sinh sống. Họ phải thuê phòng trọ, nhà trọ để ở. 

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM đầu năm 2022, thành phố có hơn 60.000 nhà trọ do người dân tự xây, trong đó có hơn 25.000 nhà trọ là nhà ở ngăn phòng, còn lại là các dãy phòng. Gần 37.000 phòng trọ có diện tích dưới 10m2, hàng ngàn phòng trọ có diện tích dưới 5m2. 

Không chỉ hạ tầng khu nhà trọ thiếu an toàn, thiếu sân chơi cho trẻ, mà việc tiếp cận người dân trong không gian sống đó của cơ quan chức năng cũng không dễ. Một cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cho biết một thực tế, người thuê trọ thay đổi chỗ ở nhiều lần nên khó quản lý, tuyên truyền; họ cũng không mấy mặn mà với các hoạt động tuyên truyền, vận động.  

Cuộc sống khó khăn, nhiều áp lực khiến những người thuê trọ chưa thực sự quan tâm đến sự an toàn của con hay trang bị cho con kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại. Thậm chí, không ít người làm cha, làm mẹ còn bạo hành con hoặc mải miết đi làm, gửi con cho hàng xóm, rồi con trẻ bị bạo hành, xâm hại cũng không hay. Có những vụ trẻ bị xâm hại tình dục đến lần thứ hai, thứ ba, phụ huynh mới biết. Cũng có trường hợp con bị hiếp dâm, cha mẹ còn nhân đó “làm tiền”  thủ phạm. Thật quá đau thương cho trẻ! 

Việt Nam có Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, có chương trình hành động triển khai Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… 

Với đặc thù dân cư, TPHCM có thêm nhiều phương án, như bổ sung 5 tổng đài tiếp nhận thông tin về trẻ em, trong đó có Đường dây khẩn 0913 15 93 15 của Báo Phụ nữ TPHCM. UBND thành phố cũng ban hành Quyết định 2017 về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại. Các đoàn thể cũng có giải pháp riêng, như thành lập câu lạc bộ nam giới tiên phong bình đẳng giới, lập các câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ, chi hội nữ công nhân nhà trọ…

Thế nhưng, tính hiệu quả, tính khả thi của các điều luật, các chương trình hành động trong thực tiễn cuộc sống còn nhiều  hạn chế, chưa như mong đợi.

Triển khai nghị quyết của Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, UBND TPHCM đã đề ra chỉ tiêu xây mới 35.000 nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong giai đoạn này. Giải pháp này nếu được triển khai đảm bảo tiến độ như kế hoạch, kỳ vọng sẽ góp phần giúp người lao động và con em họ có chỗ ở tốt hơn, giúp trẻ được an toàn hơn. 

Tuy nhiên, cần thấy rằng, các vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em thường diễn ra trong gia đình, khu dân cư, xuất phát từ mâu thuẫn nội tại của từng cá nhân trong gia đình, tạo kẽ hở khiến kẻ xấu lợi dụng. Do đó, rất cần sự thay đổi nhận thức của người làm cha làm mẹ khi giải quyết vấn đề của mình, có ý thức đề cao sự bảo vệ an toàn, phát triển của con trẻ.  

Việc phát huy trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm từng cá nhân trong từng khu nhà trọ, xóm trọ, cộng đồng dân cư, biết quan tâm, giúp đỡ, nhắc nhở nhau không được dung dưỡng, cho qua những hành vi sai trái, tổn hại đến trẻ có lẽ là giải pháp dễ thực hiện nhất, kịp thời nhất khi mọi người cùng ý thức, tấm lòng chung tay bảo vệ trẻ. 

Và điều quan trọng nữa là trẻ em cần được sống trong những ngôi nhà đảm bảo nhu cầu cơ bản, trong môi trường an toàn, văn minh, được học hành và hưởng đầy đủ các điều kiện tốt để phát triển. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI