Lo lắng vì Omicron quá mới mẻ và thiếu dữ liệu
Một tuần sau khi biến chủng B.1.1.529 - còn được gọi với cái tên Omicron xuất hiện, toàn thế giới bùng lên nhiều nỗi lo mới về dịch bệnh trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Omicron là biến thể “đáng lo ngại” xếp cùng với biến thể Delta, Alpha trước đó.
|
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhấn mạnh, tăng cường tiêm chủng, bao phủ vắc xin COVID-19 cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng trong phòng ngừa, kiểm soát biến chủng mới của SARS-CoV-2. Trong ảnh: Kiểm tra thân nhiệt trước khi khám sàng lọc cho học sinh ở Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang |
Với số lượng đột biến protein gai chưa từng có, WHO lo ngại, Omicron có thể sẽ có nguy cơ làm thay đổi quỹ đạo đại dịch, khiến khả năng lây lan xa hơn ở cấp độ toàn cầu và có thể gây thêm các làn sóng COVID-19 trong tương lai, để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhận định ban đầu, biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Dịch tễ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tới nay, vẫn còn quá mới mẻ và thiếu các dữ liệu để có thể khẳng định biến thể virus này nguy hiểm tới đâu, độc lực như thế nào… Trong các tuyên bố mới nhất, WHO cũng thông tin cần phải có thêm những nghiên cứu và tiếp tục làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của chủng Omicron đối với những biện pháp ứng phó hiện nay, trong đó có cả vắc xin .
“Theo đánh giá của Nam Phi, có thể là nhẹ hơn, nhưng chưa có đủ bằng chứng, vì có thể biến chủng này lây nhiễm trên cộng đồng đã tiêm vắc xin hoặc cộng đồng đã nhiễm các chủng trước đây. Chúng ta phải đánh giá với đối tượng chưa nhiễm, chưa tiêm bao giờ thì mới có thể so sánh được”, vị chuyên gia dịch tễ phân tích. Tuy nhiên, theo ông, chính vì Omicron quá mới mẻ nên đây là điều đáng lo ngại vì chưa lường trước được những gì Omicron có thể mang lại, đặc biệt là sau làn sóng bệnh dịch mà Delta đã gây ra trên toàn cầu.
Do đó, hiện Bộ Y tế đã đề xuất tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ một số nước của châu Phi cũng như ngừng nhập cảnh người từ các nước này vào Việt Nam để ngăn chặn sự lây lan của siêu biến thể này. Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay, theo bác sĩ Phạm Quang Thái là cần tăng cường giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, tăng cường giải trình tự gen khi phát hiện các trường hợp nhập khẩu hoặc ổ dịch không rõ nguồn gốc.
“Việt Nam hiện chủ trương cách ly bảy ngày đối với người từ nước ngoài về và tiêm đủ vắc xin , vậy nên cần sự theo dõi chặt của địa phương. Phải lấy mẫu khi có ca nhiễm bệnh và cho giải trình tự gen ngay với các trường hợp đáng lưu tâm và thực hiện việc này ở tần suất thường xuyên hơn. Thực tế cho thấy, hàng loạt các nước châu Âu đã ghi nhận, và chưa biết khi nào virus sẽ xuất hiện tại Việt Nam”, bác sĩ Phạm Quang Thái nói thêm.
Tăng cường bao phủ vắc xin COVID-19
Trước sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron, ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc khẩn với WHO tại Việt Nam, đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Việt Nam và Đông Nam Á.
|
Hà Nội đã gấp rút tiêm vắc xin cho học sinh trước khi mở cửa trường học vào tháng 12/2021 - Ảnh: Bảo Khang |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19. Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur các địa phương chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các nước khu vực Nam Phi. Việc nâng cao năng lực y tế cơ sở được đánh giá là một trong những biện pháp mấu chốt để Việt Nam ứng phó với biến chủng Omicron.
Với những thông tin hiện tại về biến chủng siêu lây nhiễm, WHO và CDC Mỹ đã lưu ý Việt Nam bốn yếu tố trong phòng chống, kiểm soát Omicron. Theo đó, Việt Nam tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở; truyền thông rộng rãi và công bố kết quả giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới… Đặc biệt, các tổ chức y tế quốc tế này nhấn mạnh Việt Nam cần tăng tốc độ bao phủ vắc xin cho người dân.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, liệu tiêm chủng có thể bảo vệ khỏi biến chủng virus SARS-CoV-2 mới hay không? Theo bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, còn quá sớm để đặt vấn đề này trong khi WHO và các chuyên gia trên thế giới đang tiếp tục nghiên cứu. Theo các chuyên gia, tiêm chủng hiện vẫn là vũ khí quan trọng trong chiến dịch đối phó với COVID-19 trên toàn cầu nhờ giảm được số ca trở nặng và tử vong.
Thống kê mới nhất, Việt Nam đã tiêm được gần 122 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có khoảng 50 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi. “Tính trên nhóm đối tượng 72 triệu dân thì chúng ta đã xấp xỉ đạt 70% độ bao phủ đủ hai mũi vắc xin”, bà Hồng thông tin.
Ngoài các đối tượng cao tuổi, có nguy cơ, Việt Nam cũng đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại hơn 30 tỉnh, thành phố… Hiện nay, tiến độ vắc xin về Việt Nam đang đảm bảo theo hợp đồng của Bộ Y tế nên trong tuần này, bộ sẽ phân bổ hết tới tất cả các tỉnh. “Phấn đấu trung tuần tháng 12, hầu hết người dân Việt Nam trên 18 tuổi được bao phủ hai mũi vắc xin . Song song đó, chúng ta tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo khuyến cáo của WHO”, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ nói.
Còn theo bác sĩ Phạm Quang Thái, việc tăng cường tiêm chủng, nhanh chóng bao phủ vắc xin để hạn chế lây lan là vô cùng quan trọng để hạn chế việc xuất hiện các biến thể trong thời gian tới. Bởi bản chất của các virus , theo ông là luôn biến đổi khi lây lan. “Ngay khi bao phủ xong mũi hai, cần sớm tính tới phương án triển khai tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba - PV) cho những đối tượng nguy cơ để hạn chế thấp nhất khả năng bùng phát dịch và tử vong”, chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh.
Không quá hoang mang, tuân thủ chặt 5K
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định với đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta, Omicron dự báo lây lan hơn nhiều lần so với Delta, điều này vô cùng nguy hiểm. Do đó, ông đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế là dừng các chuyến bay đi tới các nước châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu… Đặc biệt, cần tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về.
“Hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người, nhưng nguy cơ lây lan nhanh mà kháng vắc xin thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế. Điều đó đồng nghĩa với việc dù Omicron không gây bệnh cảnh nặng hơn biến chủng Delta nhưng khi lây lan nhanh sẽ dẫn tới quá tải bệnh nhân, nhiều trường hợp nặng lên do không được can thiệp y tế kịp thời, thậm chí sẽ tử vong”, ông phân tích và khuyến cáo người dân tăng cường 5K và tiêm chủng vắc xin.
Ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng kêu gọi người dân tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế: “Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như trong ứng phó với biến chủng mới. Người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, tuy nhiên không nên quá hoang mang, lo lắng”.
Cục Hàng không đồng thuận tạm dừng chuyến bay quốc tế từ châu Phi Liên quan đến việc Bộ Y tế đã có báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các nước châu Phi trước lo ngại biến chủng Omicron, chiều 30/11, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hoàn toàn đồng thuận về việc tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ một số nước châu Phi là Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique. Theo lãnh đạo Cục Hàng không, với các chuyến bay quốc tế đưa người nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài chuyến bay thí điểm đưa khách du lịch đến năm địa phương Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Kiên Giang, các chuyến đưa công dân Việt Nam về nước theo hình thức hành khách tự trả chi phí cách ly trọn gói, nếu muốn thực hiện đều phải nhận được sự đồng ý của năm bộ gồm Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng và Công an. |
Huyền Anh