Tăng tốc độ cao tốc thêm 10km/h: Nỗi buồn xin giảm tốc

31/12/2015 - 13:57

PNO - Đô thị của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc tăng tốc độ xe thêm 10km/h khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng.

Xin giảm không được còn tăng

Chiều ngày 30/12, trao đổi với Phunuonline, ông Phùng Văn On - Phó Ban ATGT tỉnh Long An cho biết, phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã có văn bản trả lời không đồng ý việc xin giảm tốc trên tuyến đường cao tốc Trung Lương - đoạn chạy qua tỉnh Long An với lý do "đường cao tốc làm theo quy chuẩn quốc gia".

Trước đó, vào tháng 10/2015, ông On đã kiến nghị xin giảm tốc trên tuyến đường cao tốc Trung Lương từ 120km/h xuống còn 100k/h. Nguyên nhân là do đoạn đường đi qua tỉnh Long An chưa có hoặc thiết bị chống chói không phù hợp, đèn chiếu sáng qua địa phận huyện Bến Lức vẫn chưa được lắp đặt khiến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Biết được thông tin dự kiến, đầu năm 2016 dự thảo mới của Bộ GTVT sẽ thay thế cho Thông tư 13. Theo đó, do cơ sở hạ tầng giao thông đã được nâng cấp so với thời gian trước nên các phương tiện tham gia giao thông sẽ được tăng tốc độ tối đa thêm 10km/h trên tất cả các tuyến đường khiến ông On cảm thấy lo lắng.

Ông On lo ngại việc đoạn đường cao tốc Trung Lương xin giảm tốc không được, giờ Bộ GTVT lại có ý định tăng tốc độ tối đa thêm 10km/h sẽ khiến cho tình trạng tai nạn giao thông thêm gia tăng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Các vụ tai nạn giao thông, nhất là trên đường cao tốc, nguyên nhân chủ yếu là do lái xe xử lý các tình huống không đúng, không phải chạy quá tốc độ".

Tang toc do cao toc them 10km/h: Noi buon xin giam toc
Việc tăng tốc độ tối đa cho các phương tiện tham gia giao thông trong đô thị dẫn đến nguy cơ tắc đường gia tăng.

Từ đó, ông Huyện khẳng định: "Việc điều chỉnh tăng tốc độ hoàn toàn theo thiết kế đường và sẽ không gây gia tăng tai nạn giao thông. Sau khi điều chỉnh tốc độ, Bộ GTVT sẽ tăng cường các biện pháp quản lý bằng thiết bị công nghệ, giám sát hành trình để theo dõi, phân tích dữ liệu giao thông.

Hệ thống giám sát hành trình được hoàn thiện để quản lý doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa. Hệ thống camera giám sát vi phạm trật tự an toàn giao thông được triển khai để tiến hành phạt nguội vào đầu năm 2016”.

Lợi bất cấp hại

TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng, việc tăng tốc độ sẽ nâng cao hiệu suất lao động, làm cho tốc độ kinh tế phát triển thông qua việc tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa.

"Với các tuyến đường thẳng không có ngã rẽ hoặc cơ sở hạ tầng tốt thì nên tăng tốc độ tối đa cho các phương tiện. Còn với tuyến đường đèo, sương mù dày đặc hoặc những đoạn đường xấu thì việc tăng tốc độ lên sẽ khiến cho tình trạng tai nạn giao thông tăng lên. Vì vậy, không thể tăng tốc độ tối đa ở những tuyến đường này" - ông Thủy góp ý.

Hiện nay, đường đô thị ở TP. Hà Nội và TP. HCM vẫn đang dày đặc phương tiện. Các khu vực ngã tư, đèn đỏ cũng đang rất yếu kém trong vấn đề đèn tín hiệu, đường lên đường xuống cũng rất ít, chướng ngại vật quá nhiều. Vì vậy, trong đô thị chưa nên cho phép tăng tốc độ.

"Nếu bây giờ tăng tốc độ tối đa trong đô thị thì tình trạng ách tắc giao thông trở nên nghiêm trọng hơn. Thứ nhất, theo nguyên tắc toán học, tốc độ càng cao thì xác suất gây ra tai nạn càng lớn. Mà tai nạn thì lại gây ra ùn tắc. Thứ hai, việc tăng tốc độ như vậy sẽ khiến các ngã tư dồn phương tiện, chưa được giải tỏa thì đã bị phía dưới lao lên gây ùn ứ thêm " - ông Thủy nói.

Ông Thủy dự đoán, với sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam như hiện nay thì ít nhất tới năm 2020, Việt Nam mới có thể áp dụng việc tăng tốc độ tối đa cho các phương tiện tham gia giao thông trong đô thị.

TS Đinh Thị Thanh Bình - Viện Trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT cho rằng, việc tăng tốc độ tối đa sẽ không làm ách tắc giao thông trong đô thị phức tạp hơn.

Bà Bình phân tích: "Thực tế hiện nay vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông khó có thể đi với tốc độ tối đa từ 30 - 40 km/h như quy định hiện hành. Đến khi dự thảo mới chính thức được áp dụng thì người tham gia giao thông cũng khó đi được với tốc độ tối đa. Chính vì thế, khó có thể nói tắc đường nghiêm trọng hơn sau khi tăng tốc độ tối đa cho các phương tiện".

Chi Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI