Tăng tiết mồ hôi, tăng nỗi lo

15/02/2022 - 04:44

PNO - Tự ti, thậm chí xấu hổ, ngại giao tiếp là nỗi lòng của nhiều người gặp phải tình trạng tăng tiết mồ hôi khiến cơ thể có mùi khó chịu. Các chuyên gia cho hay, hiện có rất nhiều phương pháp khắc phục được nỗi ám ảnh tưởng chừng không có lời giải này.

Hoại tử vì thuốc bôi trôi nổi

Sở hữu gương mặt xinh xắn, ưa nhìn, tuy nhiên, nhiều năm nay, chị N.T.M. (Nam Định) luôn trong tình trạng tự ti, thiếu thoải mái khi giao tiếp do mắc phải chứng “viêm cánh”. Đặc biệt vào mùa hè, khi thời tiết nóng nực, mồ hôi vùng nách của chị tiết nhiều và có mùi vô cùng khó chịu khiến nhiều người xung quanh cũng phải e ngại. Dù chị đã thực hiện rất nhiều biện pháp như sử dụng chanh và phèn chua, dùng lăn khử mùi… tuy nhiên, hiệu quả rất ngắn, không đủ để chị có thể ngăn mùi cơ thể trong một ngày làm việc. Thậm chí, chị M. không dám mặc áo sáng màu, bởi mồ hôi nách tiết ra quá nhiều, không chỉ lộ vùng vải bị ướt mà sau đó còn làm ố màu chiếc áo. Trong gia đình, căn bệnh ám ảnh này cũng khiến chị e ngại mỗi khi gần gũi chồng, con.


Chị M. đã mua đủ loại thuốc bôi, uống từ Đông y tới các loại thực phẩm chức năng nhập khẩu nhưng đều không hiệu quả. Mới đây, chị nghe người bạn mách một loại thuốc bôi bán trên mạng được khẳng định rất hiệu quả, không khỏi người bán sẵn sàng hoàn tiền. Theo đó, loại thuốc này “hôi đâu, bôi đấy”, hiệu quả tức thì và dài lâu, xử lý triệt để căn bệnh “viêm cánh”. Chị M. tiếp tục hy vọng và sử dụng. Tuy nhiên, sau khi bôi khoảng một tuần, chị bắt đầu có cảm giác ngứa ngáy, da mẩn đỏ và nổi sẩn. Dù ngừng bôi thuốc song những vết mẩn đỏ ngày càng lớn hơn và sau đó chảy mủ… Khi tới bệnh viện thăm khám, vùng nách của chị đã hoại tử nặng và phải điều trị dài ngày, phức tạp.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chứng năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho hay đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng hoại tử nách nặng do sử dụng thuốc bôi trôi nổi để điều trị căn bệnh này. Nhiều trường hợp khác dù nhẹ hơn nhưng khi tới bệnh viện khám cũng đã bị viêm loét, đau rát vô cùng khó chịu. Bên cạnh các loại thuốc bôi, trên thị trường, còn có rất nhiều loại thuốc tiêm, uống để điều trị hôi nách. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hữu Quang khuyến cáo, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, và không được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên ngành vô cùng nguy hiểm. Bởi, người sử dụng hoàn toàn không biết rõ thành phần có trong thuốc. Khi đi vào cơ thể, các chất này có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, ngộ độc gan, ngộ độc các cơ quan nội tạng, thậm chí tử vong nếu bệnh diễn tiến nặng.

Trị “viêm cánh” bằng phương pháp nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương), tăng tiết mồ hôi nách là một trong những bệnh phổ biến.

Thống kê cho thấy, có khoảng 20% người gặp phải hội chứng này. “Cơ thể con người có hai loại tuyến mồ hôi. Thứ nhất, tuyến mồ hôi không gây mùi, nằm khắp bề mặt da. Loại thứ hai, chỉ tập trung ở một số vùng nhất định như nách, bẹn, sinh dục. Chất tiết mồ hôi về bản chất không có mùi, nhưng khi ra tới bề mặt da, có nhiều chất bị phân hủy. Một số loại vi khuẩn phân hủy gây ra mùi khó chịu dẫn tới hôi nách, hôi chân… Đó là lý do có nhiều người dù tắm suốt ngày nhưng vẫn không khử được một số vùng có mùi hôi của cơ thể”, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn phân tích.

Hiện nay, theo các chuyên gia, chưa có nghiên cứu nào khẳng định xử lý triệt để được căn bệnh “viêm cánh”. Tuy nhiên, rất nhiều biện pháp có thể cải thiện nỗi ám ảnh này một cách hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn lưu ý, người bị tăng tiết tuyến mồ hôi nách không nên mặc quần áo bó sát, thay quần áo thường xuyên, dùng các loại vải có tính thấm mồ hôi tốt, hạn chế sử dụng các sản phẩm có khả năng gây tăng tiết mồ hôi như rượu, cà phê... Ngoài ra, có một số biện pháp ngoại khoa can thiệp như tiêm botox (botulinum toxin). Phương pháp này sẽ ức chế các loại vi khuẩn hoạt động trong quá trình tiết mồ hôi, song chỉ có tác dụng tạm thời trong khoảng từ 2 - 8 tháng và cần phải thực hiện nhiều lần, tốn kém. Ngoài ra, còn có biện pháp phẫu thuật cắt bỏ vùng chứa nhiều tuyến mồ hôi tiết ra mùi khó chịu… 

Một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn là sử dụng công nghệ vi sóng: “Công nghệ vi sóng sử dụng thiết bị cầm tay không xâm lấn, cung cấp năng lượng điện từ, giúp phân hủy các tuyến mồ hôi nhờ tác động nhiệt. Các lớp trên cùng của da được bảo vệ nhờ cơ chế làm mát nên không để lại sẹo”. Hiệu quả của phương pháp vi sóng, theo các chuyên gia của Bệnh viện Da liễu Trung ương, có thể đạt 85%. Phương pháp này không xâm lấn nên bệnh nhân không có cảm giác khó chịu và mất thời gian nghỉ dưỡng. Chi phí hiện khoảng 35 triệu đồng/liệu trình. 

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, người gặp chứng tăng tiết mồ hôi nách nên được thăm khám chuyên khoa. Tùy từng tình trạng, mức độ tăng tiết, mùi của mồ hôi, mong muốn và chi phí, nghỉ dưỡng, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án và có lựa chọn phù hợp nhất. 

H.Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI