Tăng tỉ lệ trường tư làm tăng áp lực lên người học

04/11/2024 - 06:28

PNO - Tăng tỉ lệ trường ngoài công lập cần đi đôi với những biện pháp điều chỉnh phù hợp để không làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, không gây khó khăn cho việc hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông.

Thêm lo lắng, áp lực

Đầu năm học 2024-2025, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục với mục tiêu năm 2025, số trường ngoài công lập chiếm 21% tổng số trường học và số học sinh theo học các trường ngoài công lập chiếm 14 - 16%.

Cụ thể, ở bậc mầm non, phấn đấu có 30% cơ sở giáo dục ngoài công lập với khoảng 30% số trẻ em theo học; ở bậc tiểu học, phấn đấu có 13% trường ngoài công lập với 8% học sinh theo học; phấn đấu có 7% học sinh THCS và 40% học sinh THPT theo học các trường ngoài công lập, riêng với khu vực có điều kiện khó khăn, tỉ lệ này là 30%.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn thành phố có 40% học sinh tốt nghiệp lớp Chín vào trường THPT ngoài công lập, tăng khoảng 15% so với hiện tại.

Phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ cho con dự tuyển vào Trường THPT Tạ Quang Bửu, TP Hà Nội năm 2023  - ẢNH: TRẦN PHƯƠNG
Phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ cho con dự tuyển vào Trường THPT Tạ Quang Bửu, TP Hà Nội năm 2023 - ẢNH: TRẦN PHƯƠNG

Năm học 2024-2025, TP Hà Nội có khoảng 2,3 triệu học sinh từ cấp mầm non tới THPT, đông nhất cả nước. Điều này tạo áp lực lên hệ thống trường công lập, khiến sĩ số lớp cấp tiểu học ở 28/30 quận, huyện đều vượt quy định của Bộ GD-ĐT (35 học sinh/lớp).

Đặc biệt, nhiều năm qua, kỳ thi vào lớp Mười THPT ở TP Hà Nội luôn căng thẳng, thậm chí khốc liệt hơn rất nhiều so với kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Năm học 2023-2024, toàn thành phố có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng các trường THPT công lập chỉ có khoảng 77.000 suất học cho năm học 2024-2025, nghĩa là có khoảng hơn 50.000 học sinh không có cơ hội vào học ở trường THPT công lập.

Tính đến năm học 2024-2025, Hà Nội có khoảng 600 trường tư thục, trong đó các trường THPT được giao chỉ tiêu tuyển khoảng 30.000 học sinh lớp Mười. Cuối năm học 2023-2024, riêng ở bậc học THPT, tỉ lệ học sinh trường ngoài công lập đạt hơn 25%.

Tuy việc tăng tỉ lệ học sinh học ngoài công lập góp phần giảm áp lực cho trường công nhưng lại gia tăng thêm áp lực lên học sinh và phụ huynh bởi so với mức thu nhập trung bình của nhiều hộ gia đình, học phí trường ngoài công lập là một gánh nặng.

Chị Nguyễn Thị Thương (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi đang học lớp Chín, rất có ý thức học tập do biết thu nhập của cha mẹ không cao. Gia đình tôi một mặt cố gắng không tạo thêm áp lực cho con, một mặt rất lo con không đậu vào lớp Mười trường công do chỉ có học lực khá.

Thông tin tăng thêm 15% học sinh vào các trường ngoài công lập khiến cả gia đình tôi đều lo lắng”. Chị cho hay, vợ chồng chị cũng đã nghĩ đến tình huống con phải học trường ngoài công lập nhưng chưa biết sẽ cho con học trường nào vừa có chất lượng, vừa lấy học phí rẻ.

Tại TPHCM, để vào học ở các trường công lập cũng không dễ, đặc biệt là các trường THPT. Năm học 2024-2025, TPHCM có 77.355 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp Mười công lập, chiếm 78,3% số học sinh lớp Chín tốt nghiệp THCS. Chỉ tiêu tương đối rộng mở nhưng kỳ thi lớp Mười đã diễn ra khá nặng nề với đề thi môn toán quá khó.

Nhiều thí sinh đã bật khóc, mất ăn mất ngủ sau môn thi này. Kết quả, có đến 55.264/98.464 thí sinh (hơn 56%) có kết quả thi môn toán dưới 5 điểm.

Năm 2024, có 60 trường THPT giảm điểm chuẩn vào lớp Mười nhưng cũng có 34 trường tăng điểm chuẩn khiến nhiều học sinh trượt cả 3 nguyện vọng vào lớp Mười công lập.

Giữa tháng 7/2024, Sở GD-ĐT TPHCM công bố tuyển bổ sung 2.203 chỉ tiêu lớp Mười của 36 trường THPT công lập còn thiếu học sinh, điều kiện là học sinh trượt cả 3 nguyện vọng và có điểm thi lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn nguyện vọng 3 của trường THPT công lập muốn đăng ký.

Nhiều trường THPT tốp dưới đã tuyển đủ, thậm chí dư chỉ tiêu do điểm chuẩn không cao, thí sinh đổ xô nộp hồ sơ. Điểm trúng tuyển được xét từ trên xuống dưới, nghĩa là những thí sinh thấp điểm lại tiếp tục trượt. Với những trường tốp trên, thí sinh cũng không có cơ hội nộp hồ sơ do điểm chuẩn quá cao, như Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) 24 điểm, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) 26 điểm.

Chị Hà Thu (ở huyện Bình Chánh) cho biết, khi con trai chị trượt 3 nguyện vọng, chị hy vọng vào kỳ tuyển sinh bổ sung nhưng do có nhiều thí sinh bị trượt có điểm thi cao hơn nên con chị vẫn trượt. Cuối cùng, gia đình phải chấp nhận cho con học trường tư với học phí rất cao. Chị còn 1 con trai đang học lớp Tám nên rất mong UBND thành phố có giải pháp để con em gia đình không khá giả được học trường THPT công lập hoặc được hỗ trợ chi phí khi học trường tư.

Đừng quên đầu tư cho trường công

Theo tiến sĩ Vũ Việt Anh - Tổng giám đốc Học viện Thành Công (TP Hà Nội) - tính theo con số cơ học thì năm học tới, cần tăng thêm khoảng 60 trường THPT ngoài công lập mới đạt được mục tiêu 40% học sinh lớp Mười vào học loại trường này. Đồng thời, cần nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và tuyển dụng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề.

Ông cho rằng, cần điều chỉnh mức học phí hợp lý để vừa duy trì được hoạt động của nhà trường, vừa không gây nhiều áp lực tài chính lên các gia đình. Việc quản lý đối với hệ thống trường ngoài công lập cũng cần phải chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia.

Trong bối cảnh trường công lập đang bị quá tải, để huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, cần có những đề xuất và kiến nghị đa chiều, nhằm tạo ra môi trường giáo dục đa dạng, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nhà nước nên xem xét, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục như ưu tiên quỹ đất, giảm các loại thuế, cấp vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho các dự án xây trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học.

Một lớp học tại Trường THCS - THPT Nam Việt (TPHCM) - ẢNH: T.T.
Một lớp học tại Trường THCS - THPT Nam Việt (TPHCM) - ẢNH: T.T.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Thủ đô Hà Nội, đại biểu HĐND TP Hà Nội - nhiều trường ngoài công lập có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt, cùng chương trình và phương pháp giáo dục hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của TP Hà Nội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một bộ phận cư dân. Nhưng điều này cũng dễ dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Theo bà, với mức học phí như hiện nay của các trường ngoài công lập, chỉ những học sinh có điều kiện kinh tế mới tiếp cận được. Việc phân tầng chi phí học tập trong hệ thống trường ngoài công lập như hiện nay cũng là giải pháp tốt để mọi đối tượng đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, đồng thời khuyến khích được nhiều học sinh chọn học các trường ngoài công lập hơn.

Tuy nhiên, việc phân tầng này nếu không được quản lý chặt chẽ cũng có thể gây ra sự bất bình đẳng. Học sinh theo học ở những trường có mức học phí thấp hơn có thể không nhận được chất lượng giáo dục như học sinh theo học ở những trường có mức học phí cao.

Bà cho rằng, phát triển giáo dục ngoài công lập là cần thiết, nhưng cũng cần tăng đầu tư vào hệ thống trường công, có những chính sách đặc biệt để nâng cao chất lượng giáo dục công lập.

Việc đầu tư mạnh vào hệ thống giáo dục công lập sẽ đảm bảo mọi học sinh với mọi điều kiện kinh tế được tiếp cận nền giáo dục chất lượng. Việc thiếu đầu tư công cho cấp THPT sẽ khiến các địa phương khó hoàn thành mục tiêu phổ cập THPT, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam.

Không nên thả nổi mức thu học phí trường tư

Việc huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền của vào giáo dục chỉ là một phần rất nhỏ của xã hội hóa giáo dục. Việc các trường ngoài công lập thu học phí quá cao là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.

“Ngoài công lập” không có nghĩa là để cho các trường tùy ý quyết định mọi việc. Các trường ngoài công lập cũng cần phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước có thể hỗ trợ các trường ngoài công lập về mặt chính sách, chẳng hạn hỗ trợ về đất đai, lãi suất vay vốn nhưng cũng cần quản lý về mức thu học phí. Nhà nước có thể giới hạn mức học phí dựa vào sự đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng giáo viên của cơ sở đó.

Phó giáo sư, tiến sĩ TRẦN XUÂN NHĨ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Ngọc Minh Tâm - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI