Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 10.000 đồng/gói thuốc lá, vẫn thấp

07/11/2024 - 18:10

PNO - Tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”, bác sĩ Phan Thị Hải, Phó giám đốc, Quỹ phòng chống, tác hại thuốc lá cho biết, với hơn 15 triệu người hút thuốc lá chủ động và 30 triệu người hút thuốc thụ động ở Việt Nam, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm.

Theo số liệu của WHO, có 84.500 người tử vong/năm do hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Số liệu của Hội Kinh tế Y tế năm 2023 nêu rõ, chi phí y tế và thiệt hại do thuốc lá gây ra rất lớn, mất khoảng 108 ngàn tỉ đồng mỗi năm (khoảng 1,14% GDP năm 2022) để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Cùng với đó, theo bà Hải, tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao trong dân số nam trưởng thành ở Việt Nam làm suy yếu lực lượng lao động, giảm khả năng lao động và tổn thất năng suất, làm trầm trọng thêm các nhóm nghèo đói và bất bình đẳng hiện có giữa các nhóm nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất và phần còn lại của dân số.

Do đó, bác sĩ Hải cho rằng, cải cách chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam có thể làm giảm tác hại của thuốc lá đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, cũng như mang lại những lợi ích đáng kể. Cụ thể, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ làm tăng giá bán của thuốc lá, điều này ngăn chặn hút thuốc trong giới trẻ và người nghèo và khuyến khích những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc thay vì chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn.

bà Phan Thị Hải mong muốn tăng mức cao hơn theo khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế
Bác sĩ Phan Thị Hải mong muốn tăng mức thuế cao hơn theo khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế (ảnh minh họa)

Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Theo đó, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.

Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/gói thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/gói trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/gói năm 2030.

Đồng tình với phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá do Bộ Tài chính đưa ra, tuy nhiên, bà Phan Thị Hải mong muốn tăng mức cao hơn theo khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế. Đó là tăng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/gói vào năm 2026 và đến năm 2030 đạt 15.000 đồng/gói cùng với tỉ lệ thuế xuất xưởng là 75%.

“Với phương án này sẽ giúp giảm tương đối 13% tỉ lệ hút thuốc lá. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,4% tương ứng vào năm 2030, do đó đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Phương án này sẽ ngăn ngừa được khoảng 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với mức thuế hiện hành (bao gồm cả người bỏ thuốc lá và không bắt đầu hút thuốc); giúp tăng số thu thuế hàng năm lên 169%, tương ứng thêm 29,3 ngàn tỉ đồng thu thuế từ thuốc lá so với năm 2020”, bà Hải nêu rõ.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, theo nghiên cứu của CIEM, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Với các kịch bản CIEM đưa ra đều cho thấy khả năng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ thuốc lá, đảm bảo khả năng chi trả cho các sáng kiến SDG mới; tỉ lệ hộ nghèo giảm đặc biệt với nhóm phụ nữ làm chủ hộ, có trẻ em hoặc người cao tuổi; giảm bất bình đẳng…

Huyền Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI