Tăng thuế khiến lạm phát tăng theo

26/02/2018 - 14:00

PNO - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dư luận cho dự thảo nghị quyết về tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất điều chỉnh tăng thuế một số mặt hàng, bao gồm các sản phẩm xăng dầu để trình Chính phủ.

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng, hai năm qua nước ta kiểm soát tốt lạm phát nhờ giá xăng dầu giảm mạnh. Nếu tăng thuế, tăng giá xăng sẽ kéo theo giá cả tăng, khiến lạm phát tăng theo. 

Tang thue khien lam phat tang theo
Việc tăng thuế do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực nên phải tăng là không thuyết phục.

* Bộ Tài chính cho rằng, do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực nên phải tăng. Theo ông điều này có hợp lý không?

- Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long: Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính nêu quan điểm tăng thuế bảo vệ môi trường để bù đắp giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu.

Việc tăng thuế do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực nên phải tăng là không thuyết phục. Cơ quan chức năng chỉ tính toán có lợi cho mình mà không xem xét đến quyền lợi của người dân, sự tác động đối với xã hội, người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Với giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 9.000đ/lít hiện nay, nếu mức thuế bảo vệ môi trường là 4.000đ/lít tương ứng gần 50% giá trị nhập khẩu và chiếm khoảng 22% giá 1 lít xăng (18.340đ/lít). Mức này là quá cao và quá nặng với người dân. 

Không chỉ thuế bảo vệ môi trường quá cao, quá nặng, mỗi lít xăng dầu hiện nay đang phải “cõng” nhiều loại thuế và phí như thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi phí bình ổn… Tính ra tiền thuế đã chiếm 50% trên mỗi lít xăng. 

* Mức thuế quá cao như vậy liệu nó sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?

- Tăng thuế sẽ gây ra hiệu ứng “domino” - ảnh hưởng đồng loạt đến nền kinh tế. Xăng dầu là mặt hàng có nhu cầu sử dụng rất lớn trong đời sống hằng ngày cũng như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ...

Nếu thuế tăng, giá xăng dầu sẽ tăng, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh tăng và giá thành sản phẩm bán ra tăng, khiến sức mua bị hạn chế, sản xuất trì trệ và không tăng trưởng được, ảnh hưởng đến lạm phát.

Trong khi đó, các ngành sản xuất ở nước ta còn trì trệ, chưa thực sự tăng trưởng đúng tiềm năng, thu nhập người lao động còn thấp. Bộ Tài chính chứng minh tăng thuế thì lạm phát tăng rất nhỏ. Nhưng thực tế tăng đến mức nào thì phải điều tra, khảo sát và công bố cụ thể chứ không thể nói suông.  

Đầu năm nay, Thủ tướng phát đi thông điệp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cố gắng không tăng thuế, vậy tại sao bây giờ lại đề xuất tăng?

* Để bảo vệ môi trường, bù đắp thất thu… theo ông, Nhà nước cần có những công cụ nào thay vì chỉ tăng thuế?

- Thuế không phải là công cụ duy nhất bảo vệ môi trường hoặc bù đắp thất thu. Thay vì thu thuế để bù đắp thất thu, tại sao ngành tài chính không mở rộng nguồn thu, chống thất thu, giảm chi một cách hợp lý…

Còn riêng về việc bảo vệ môi trường, cần có thêm những công cụ khác như chế tài xử phạt thật nặng những hành vi làm tổn hại môi trường.

Đối với sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường, Nhà nước phải tăng thuế để hạn chế sử dụng. Điều quan trọng hơn là sau khi thu có sử dụng đúng mục đích bảo vệ môi trường không hay sử dụng cho mục đích khác?

Nguyên tắc của thu thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có để mà thu và phải có khung thuế hợp lý chứ đừng vắt kiệt sức dân. 

* Xin cảm ơn ông! 

Thanh Hoa (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI