Tăng thuế GTGT có an toàn tài chính cho quốc gia?

18/08/2017 - 10:50

PNO - Thông tin của Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT làm cho nhiều người dân và doanh nghiệp lo âu.

Thông tin của Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT  làm cho nhiều người dân và doanh nghiệp lo âu. Nguyên do bởi những gánh nặng mà họ sẽ chịu đựng thêm nếu như đề xuất này chính thức được thông qua trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, thu nhập không tăng. 

Tang thue GTGT co an toan tai chinh cho quoc gia?
Tăng thuế VAT, người tiêu dùng sẽ phải thắt lưng buộc bụng

Về phía Bộ Tài chính, lý do chính mà Bộ đưa ra nhằm giải trình cho đề xuất tăng thuế đang tập trung vào “thông lệ quốc tế”, trong bối cảnh nợ công tăng cao, các nước  có xu hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu. Tức là để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân), các nước chuyển sang thuế tiêu dùng (bao gồm thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt).

Cũng theo số liệu mà Bộ Tài chính đưa ra thì từ năm 2009 -2016, một số nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Tuy nhiên, điều đáng nói là chưa thấy Bộ Tài chính đưa ra các giải thích vì sao Việt Nam, với các đặc thù phát triển riêng, tăng trưởng kinh tế chậm, thu nhập quốc dân thấp lại phải áp dụng “thông lệ quốc tế“ này? Đâu là những điểm mà người dân và các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi và đâu là những điểm hạn chế khi  tăng thuế GTGT từ 10 lên 12% và sau đó thậm chí leo lên tới 14%?

Ngoài ra, cũng theo “ thông lệ quốc tế” thì vì sao Việt Nam không giữ thuế GTGT là 10% như các quốc gia Asean xung quanh như Lào, Campuchia, Indonesia  hay ở mức rất phải chăng, chỉ có 5-7% như Thái Lan, Singapore?

Tang thue GTGT co an toan tai chinh cho quoc gia?
Với đề xuất tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính cần đưa ra những chiến lược và kế hoạch được hoạch định với những kịch bản phù hợp và những lý do thuyết phục người dân và các doanh nghiệp nhiều hơn nữa. 

Người dân và giới doanh nghiệp chắc chắn cũng mong nhận được những hoạch định của Bộ Tài chính đi kèm với đề xuất tăng thuế GTGT. Theo đó nếu tăng thuế GTGT lên từ 2-4% trong thời gian mà Bộ đã đưa ra, vậy thì có ảnh hưởng gì tới chính sách kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay không?

Bởi thuế tăng, tức là giá cả hàng hóa sẽ leo thang,  trong khi thu nhập không tăng bao nhiêu, người mua sẽ phải tiết giảm chi tiêu để đủ lo cho cuộc sống. Và nếu chỉ số giá tiêu dùng bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài cùng việc điều hành chính sách tài chính - tiền tệ chung của nền kinh tế.

Chắc chắn người dân và giới doanh nghiệp cũng mong được Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi vể minh bạch nguồn thu - chi ngân sách và phòng chống tham nhũng khi đưa ra đề xuất tăng thuế.

Bởi khi tăng thuế lên 20%, thậm chí 40% so với trước, vậy số tiền này sẽ dùng để làm gì? Có thực sự được đem đầu tư cho hạ tầng cơ sở và phúc lợi xã hội của người dân hay không? Vấn đề chống tham nhũng sẽ như thế nào trong bối cảnh các vụ án tham nhũng liên tiếp xảy ra, vụ sau tổn thất cao ngất ngưởng so với vụ trước và lên tới con số nhiều ngàn tỷ đồng? Và liệu tăng thuế có giúp giảm nợ công hiệu quả hay không khi nợ công, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả vì quản lý yếu kém và tham nhũng, đã ở mức 2,6 triệu tỷ?

Rõ ràng với đề xuất tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính cần đưa ra những chiến lược và kế hoạch được hoạch định với những kịch bản phù hợp và những lý do thuyết phục người dân và các doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Nếu không thì việc này sẽ được hiểu chỉ là đề xuất từ một phía mà chưa tính đến đầy đủ lợi - hại  từ phía người dân, từ các doanh nghiệp vốn là  “chính chủ” đóng góp nguồn thu cho quốc gia. 

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI