Tăng thu nhập cho cán bộ: Phục vụ dân tốt hơn!?

28/02/2018 - 10:02

PNO - TP.HCM quyết định trả mức thu nhập phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm tương xứng với năng suất lao động, khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đáp ứng tốt hơn yêu cầu công...

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân, thu hút nhân tài cho sự phát triển bền vững.

Ngày 26/2 vừa qua, UBND TP.HCM đã thông qua các dự thảo về tờ trình và đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.

Tang thu nhap cho can bo: Phuc vu dan tot hon!?
Các đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết khung triển khai cơ chế đặc thù tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, ngày 7/12

Sau khi lấy ý kiến phản biện từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, các dự thảo này sẽ được trình HĐND TP trong kỳ họp chuyên đề về thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM, dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 3 tới.

Lương còn dựa vào bằng cấp, thâm niên, chưa theo trình độ, chất lượng

Thực trạng chính sách tiền lương và thu nhập tăng thêm đối với CBCCVC của TP giai đoạn 2013-2017 cho thấy, hiện tiền lương tối thiểu được Chính phủ quy định chung cho cả nước và điều chỉnh hằng năm căn cứ điều kiện cân đối ngân sách. Tuy nhiên, mức lương cơ bản tăng chủ yếu để bù trượt giá, được áp dụng chung trên cả nước.

Về quan hệ tiền lương, hệ thống thang lương, bảng lương hiện nay còn dựa vào bằng cấp, thời gian công tác, chưa theo trình độ, chất lượng công việc. Quan hệ tiền lương của lực lượng vũ trang vượt xa so với tiền lương của CBCCVC nhà nước. Quan hệ tiền lương của cán bộ, công chức mang tính bình quân, không so sánh mức độ hiệu quả trong công việc của họ. Cơ bản cứ theo định kỳ 2 hoặc 3 năm theo ngạch, CBCCVC sẽ được nâng lên một bậc lương thay vì việc này phải gắn với năng lực, hiệu quả trong công tác.

Hơn nữa, cũng từ năm 2013-2017, năng suất lao động của TP.HCM gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Bên cạnh năng suất lao động cao trong khu vực của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thì năng suất lao động của bộ máy quản lý hành chính TP đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Năng suất phục vụ của đội ngũ CBCCVC nhà nước TP gấp 1,5 lần cả nước.

Trong khi đó, mức lương bình quân của CBCCVC TP hiện nay chưa phù hợp với giá trị sức lao động, thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất, kinh doanh, không đủ trang trải cho chi phí cuộc sống khá cao tại một đô thị lớn.

Tang thu nhap cho can bo: Phuc vu dan tot hon!?

Ngoài mức lương cơ bản theo hệ thống thang bảng lương quy định chung của Chính phủ, CBCCVC của TP được chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định hiện hành về tự chủ tài chính. Tuy nhiên, thực tế tổng mức thu nhập hiện nay của CBCCVC được áp dụng chung cho cả nước, chưa tương xứng với năng suất lao động bình quân thực tế của TP và chưa đáp ứng được mức chi phí sinh hoạt tại TP.HCM.

“Gắn với hiệu quả công việc” và “không cào bằng” 

Một trong các cơ sở pháp lý để TP.HCM xây dựng đề án chính là thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội. Nghị quyết quy định: “HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCCVC thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập...”

Theo dự thảo, đề án sẽ áp dụng tăng thu nhập cho CBCCVC thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và cả cán bộ không chuyên trách ở cấp phường xã - thị trấn, được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần; năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ (bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ).

Căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng CBCCVC theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, bảo đảm nguyên tắc “gắn với hiệu quả công việc” và “không cào bằng”.

Tang thu nhap cho can bo: Phuc vu dan tot hon!?

Nguồn kinh phí thực hiện đề án là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành. Trường hợp nguồn kinh phí đơn vị nào nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện thì ngân sách TP sẽ xem xét bổ sung phần chênh lệch thiếu từ nguồn cải cách tiền lương cấp TP cho các quận, huyện để đảm bảo đủ nguồn thực hiện. Thời gian dự kiến thực hiện kể từ ngày 1/4 năm nay cho đến 31/12/2020.

Trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, nhu cầu kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm hằng năm giai đoạn 2018-2020 được xác định là hơn 2.342 tỷ đồng dự kiến cho năm 2018.

Tuy nhiên, một điều mà lãnh đạo TP.HCM còn băn khoăn xin ý kiến. Theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ở cấp phường xã, thị trấn, ngoài cán bộ, công chức còn có những người hoạt động không chuyên trách. Nhưng những người này chưa được đề cập trong khoản 3 điều 6 Nghị quyết 54/2017/QH14.

Đối với đặc thù của TP, khối lượng công việc của họ cũng tương đương đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Do đó, nếu cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường - thị trấn không được hưởng chế độ chi tăng thu nhập theo cơ chế đặc thù của đề án lần này, sẽ tác động đến tâm lý, gây suy nghĩ, tâm tư và có thể tác động không tích cực đến hiệu quả công việc trong đội ngũ này.

Vì vậy, căn cứ tính đặc thù, UBND TP đề nghị cho đối tượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường - thị trấn cũng được hưởng cơ chế chi thu nhập tăng thêm của đề án. 

* Ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM:

Phải bảo đảm công bằng giữa cán bộ làm được việc và làm chưa tốt

Đề án thu nhập tăng thêm sẽ tạo động lực cho anh em CBCCVC toàn tâm toàn ý phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có những điều phải lưu ý.

Trước hết, khi thực hiện đề án, phải bảo đảm hiệu quả công việc được nâng lên rõ nét. Đồng thời, phải bảo đảm tính công bằng giữa CBCCVC làm được việc và CBCCVC làm chưa tốt. Do đó, phải hết sức thận trọng và phải có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ ở phần bình xét, đánh giá CBCCVC ở các mức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, để có thể áp dụng những khoản tăng thu nhập thêm sao cho phù hợp.

Tang thu nhap cho can bo: Phuc vu dan tot hon!?
 

Thứ đến, trước đây bình xét dường như chỉ dựa trên thi đua, còn bây giờ bình xét CBCCVC là phải gắn với kinh tế, với ngân sách, tài chính và theo mức lương được hưởng. Trong đề án có nêu các tiêu chí, quy định, tuy nhiên, để tổ chức thực hiện phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Và các tiêu chí cần phải được xác định rõ hơn, chi tiết hơn, chú ý tính công bằng, tạo động lực.

Tôi cũng có một lo lắng nữa nếu tăng như thế, chúng ta phải dự báo, đánh giá được mức độ năng suất lao động của TP tăng lên như thế nào? Và đề án góp phần như thế nào để giải quyết tinh giản biên chế, sắp xếp lại các phòng ban của các cơ quan, đơn vị…

Cuối cùng, đây là đề án chỉ tăng thu nhập thêm cho CBCCVC trực thuộc UBND TP, do đó các cơ quan đang làm việc đóng trên địa bàn TP đương nhiên không phải là đối tượng được tăng thêm thu nhập. Như thế ta cũng nên lưu ý thêm để có thể rà soát, nghiên cứu xem đề án có ảnh hưởng, tác động gì đến mặt bằng chung của CBCCVC trên địa bàn TP hay không. 

* Ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM:

Nên dành 50% việc đánh giá cán bộ cho công chúng

Để đề án đi vào thực chất và phát huy hiệu quả mong muốn, theo tôi, đó vẫn là làm sao bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công tâm trong việc đề ra các tiêu chí đánh giá phân loại CBCCVC để được xem là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cách đánh giá nên là tự đánh giá, đánh giá của quản lý cấp trên và 50% còn lại phải đến từ đánh giá của công chúng là những người được phục vụ bởi hệ thống cải cách tiền lương nhằm tạo động lực này.

Tang thu nhap cho can bo: Phuc vu dan tot hon!?
 

Ngoài ra đối với bộ phận CBCCVC không phấn đấu tốt, phục vụ kém cho nhân dân thì sẽ có giải pháp cụ thể ra sao? Không sửa đổi bao nhiêu lần thì phải bị loại khỏi vị trí công việc?

Tiêu chí để thẩm định được thực chất công sức của CBCCVC khi tăng thu nhập phải xuất phát từ mức độ hài lòng của người dân và các doanh nghiệp trước việc cải tiến thủ tục hành chính của chính quyền. Phần thưởng cho nhân viên phục vụ nên phân làm hai loại, một cho công sức và tinh thần phục vụ riêng của cá nhân và một phần dành cho việc phối hợp phục vụ tốt của tập thể. Phần tăng thu nhập theo tiêu chí đánh giá dành cho CCVC đã rõ.

Việc này sẽ phần nào giúp tăng hiệu quả của các cơ quan nhà nước, vì đây là sự phấn đấu mạnh mang tính đột phá bước đầu. Việc tăng thu nhập theo lộ trình như thế này vẫn chưa thật sự thỏa đáng cho nhu cầu đời sống cán bộ công nhân viên chức vì mức sống của thành phố chúng ta hiện nay khá cao. 

Tuy nhiên, đây là chỉ dấu cho thấy, quyết tâm cao độ và đúng hướng của thành phố là phải quan tâm cụ thể đến đời sống của những người phục vụ với vị trí CBCCVC nhà nước. Có thể sẽ cần thêm các bước đột phá khác nữa để những người phục vụ này thật sự an tâm với công việc và tự hào với vị thế chính danh của mình là người công tâm góp phần tạo động lực lớn cho sự vận hành kinh tế, xã hội của thành phố và đất nước. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI